Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCOC - chuyện không đơn giản

COC – chuyện không đơn giản

Hơn lúc nào hết, đây lúc lúc các quốc gia trong khu vực ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung mong muốn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ được ký kết trong năm nay. Những thông tin tích cực vừa qua càng khiến nhiều người hy vọng.

Ảnh. COC – chuyện không đơn giản.

Mong muốn một văn bản pháp lý có tính ràng buộc nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả các tình huống, sự kiện phức tạp khiến Biển Đông luôn sóng gió, bão bùng liên tục nhiều năm qua, thực ra đã có từ lâu rồi, trong đó có việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và một số đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong các năm 1974 và 1988.

Tuy nhiên, ngay khi ý tưởng được đề xuất, các nước liên quan đã nhận thấy, một văn bản như thế, dù quá thiết thực, nhưng cần nhiều thời gian đàm phán giữa một bên là Trung Quốc, một bên là các nước liên quan trong ASEAN. Trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp tạm thời, các bên đã đồng ý ký kết Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC) với ngày 4-11-2002 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần 8 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

Giá trị của DOC không thể nói là bằng không. Nhưng về lý thuyết, việc dùng ngôn từ “đồng thuận” cho cả 10 điểm nội dung cho thấy DOC không hề có giá trị pháp lý buộc phải tuân thủ. Nói cách khác, hiệu quả thực tế của Tuyên bố này đạt được đến đâu, là …tùy thuộc vào quan điểm, thiện chí, tự giác của mỗi bên. Trong quan hệ quốc tế thời nay, thực tế cho thấy, những điều đó có thể coi là xa xỉ.

Các nước ASEAN nhỏ thó thì không nói làm gì, có muốn cậy thế cũng đâu có lực. Trong khi đó, Trung Quốc mỗi ngày một nở nang, vạm vỡ chưa bao giờ tỏ ra nhân nhượng yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” đầy tham vọng trên Biển Đông mà họ đơn phương áp đặt.

Những diễn biến căng thẳng và phức tạp gia tăng trên Biển Đông càng khiến các quốc gia liên quan yêu sách trên Biển Đông sốt ruột hơn. Dù chủ động hợp thành một bên để đối trọng với Trung Quốc và thúc đẩy đàm phán COC nhanh hơn về tiến độ. Tuy nhiên, cái khó, cũng là cái khổ cho các nước ASEAN, trước mặt họ là một đối thủ Trung Quốc không chỉ không thiện chí mà còn ngang ngược; không chỉ ngang ngược mà còn hung hãn và đầy tham vọng.

Thế nên, khi bên kia sốt rột thì Bắc Kinh đủng đỉnh, cho dù ngoài mặt, thi thoảng họ lại ra giọng lạc quan, lại còn vỗ về dư luận rằng: yên tâm đi, COC đang đi tới hồi kết rồi. Hồi tháng 7 năm nay, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc từng làm dư luận cả mừng khi hứa hẹn trong chuyến thăm Malaysia, rằng: “Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc tham vấn về COC, và làm việc với tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra vùng biển hòa bình và hợp tác”. Tiếp đó, là thông tin đạt được dự thảo khung cho văn bản này vào tháng 8. Rồi cũng chỉ hai tháng sau, vào tháng 10, lại thêm thông tin đạt được dự thảo đầu tiên và đang tiến tới bản dự thảo thứ hai…

Dồn dập, hối hả những tin tức lạc quan – vẻ như COC – văn kiện mang tính pháp lý với kỳ vọng cứu rỗi cho một Biển Đông đầy sóng gió, đang băng băng về đích thay thế cho một DOC nhiều năm nay không thể gánh nổi trách nhiệm quá nặng nề.

Gần đây nhất, việc Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của người đứng đầu Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, ghi trang trọng “Hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)” càng như tiếp thêm hưng phấn cho khá nhiều người nằm trong số những người luôn sốt ruột trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông.

Tuy nhiên, dù biết những thông tin mới mẻ đó, nhiều người vẫn không hề vơi đi sự lo lắng cho triển vọng COC. Thậm chí, có người còn nói thẳng: COC ư? Chẳng đi đến đâu. Rồi sẽ thấy.

Xem ra, đây mới là những người tỉnh táo nhất.

Tỉnh táo bởi họ biết rằng, dù đạt dự thảo đầu tiên, thì trong bản dự thảo đó, còn lâu hai bên (Trung Quốc và 5 bên liên quan còn lại) mới thống nhất được quan điểm trong vấn đề “quyền lịch sử” trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

Trung Quốc muốn vấn đề này phải bỏ ra, không nằm trong phạm vi UNCLOS, để có lý do mà bảo vệ “đường 9 đoạn” mà họ đơn phương áp đặt và theo đuổi lâu nay. Trong khi đó, bên còn lại, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia… thì không thể nhân nhượng với lập luận rằng, được coi là Hiến pháp của biển, “UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý mà trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện” để bảo vệ lợi ích của mình, tránh để Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Vậy nên, cứ cho là đàm phán xong tất cả các điều khoản đi, nhưng một khi riêng vấn đề “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc khăng khăng bám lấy, thì liệu có nên tin vào cái gọi là “tiến bộ” trong đàm phán văn kiện quan trọng này?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới