Trong bối cảnh tình hình Trung Đông vẫn hết sức phức tạp, chưa thoát khỏi tình trạng chiến tranh, ngày 27/10/2022, Israel và Liban đã đạt được một thỏa thuận phân định biên giới trên biển do Mỹ làm trung gian, mở đường cho việc khai thác các mỏ khí đốt ngoài khơi.
Thỏa thuận được ký kết riêng rẽ bởi Tổng thống Liban Michel Aoun ở Beirut và Thủ tướng Israel Yair Lapid ở Jerusalem, và đã có hiệu lực sau khi các văn kiện được chuyển cho các nhà trung gian. “Cả hai bên đã thực hiện các bước cuối cùng để thỏa thuận có hiệu lực và đệ trình các văn bản cuối cùng lên Liên hợp quốc (LHQ) với sự hiện diện của Mỹ”, Tổng thống Mỹ Biden cho biết trong một tuyên bố
Năm 2020, Israel và Liban đã tiến hành đàm phán phân định ranh giới trên biển với vai trò trung gian của Mỹ và LHQ, song những cuộc đàm phán nhanh chóng lâm vào bế tắc liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel tuyên bố quyền khai thác. Từ tháng 6/2022, hai bên nối lại đàm phán sau những nỗ lực “ngoại giao con thoi” của nhà trung gian hòa giải Mỹ Amos Hochstein.
Đến ngày 11/10/2021, các nhà đàm phán của Liban và Israel cho biết hai nước đã nhận được bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận phân định biên giới trên biển do Mỹ làm trung gian, thỏa mãn tất cả các điều kiện của hai bên và khả năng sẽ dẫn đến thỏa thuận lịch sử. Dự thảo thỏa thuận do nhà trung gian hòa giải Mỹ Amos Hochstein nêu ra nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến mỏ khí ngoài khơi Israel và Liban. Vùng biển phía Bắc mà Israel tuyên bố chủ quyền chồng lên vùng biển phía Nam của Liban, tạo ra tranh chấp giữa hai nước. Để thúc đẩy đàm phán, Israel nhất trí cho phép Liban phát triển mỏ ở khu vực tranh chấp, trong khi vẫn bảo toàn lợi ích kinh tế của Tel Aviv.
Sau khi đoàn đàm phán hai bên về cơ bản đạt nhất trí với dự thảo thỏa thuận do ông Amos Hochstein đề xuất vào đầu tháng 10/2022, Liban đã yêu cầu tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp khởi động hoạt động thăm dò khí đốt ngoài khơi bờ biển của mình. Còn phía Israel “bật đèn xanh” cho công ty Energean của Israel có thể bắt đầu khai thác khí đốt từ Karish, một mỏ ngoài khơi có vai trò trung tâm trong thỏa thuận trên. Theo thỏa thuận được ký kết, Liban có toàn quyền vận hành và thăm dò cái gọi là hồ chứa Qana hoặc Sidon, nhiều khu vực trong đó nằm trong vùng biển của Israel, còn nhà nước Do Thái nhận được một số khoản lợi tức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi thỏa thuận “lịch sử”, đạt được khi các cường quốc phương Tây lớn tiếng kêu gọi tìm các nguồn sản xuất năng lượng mới và giảm khả năng tổn thương do bị cắt giảm nguồn cung từ Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Ồng Biden nhấn mạnh: “Thỏa thuận này đưa chúng ta tiến thêm một bước đến việc hiện thực hóa tầm nhìn về một Trung Đông an ninh, hội nhập và thịnh vượng hơn, mang lại lợi ích cho tất cả người dân trong khu vực”.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết ông tin tưởng “mạnh mẽ” thỏa thuận có thể thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và tăng cường “sự thịnh vượng” cho người dân Liban và Israel. Việc trao đổi văn kiện thỏa thuận được tổ chức tại thị trấn biên giới Naqura phía Nam Liban, với sự hiện diện của nhà trung gian Mỹ Amos Hochstein và Điều phối viên đặc biệt của LHQ về Liban Joanna Wronecka, người sẽ thiết lập tọa độ hàng hải mới tại trụ sở LHQ ở New York.
Giới quan sát nhận định thỏa thuận đạt được khi Liban hy vọng thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới trong lịch sử hiện đại theo cách gọi của Ngân hàng Thế giới, và trong bối cảnh Thủ tướng Israel Yair Lapid tìm cách ghi dấu ấn bằng một thành tựu lớn trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 01/11/2022. Trong một tuyên bố được đưa ra, Thủ tướng Israel Yair Lapid thông báo Israel và Liban đã được thỏa thuận lịch sử về phân định ranh giới biển; nhấn mạnh thỏa thuận giúp tăng cường an ninh của Israel, đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế đất nước và đảm bảo ổn định khu vực. Trong khi đó, đối thủ của ông Lapid trong cuộc tổng tuyển cứ cựu thủ tướng lâu năm của Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ thỏa thuận biên giới trên biển, coi đó là một “mưu đồ bất hợp pháp”.
Việc Israel và Liban chưa có quan hệ ngoại giao, song hai bên đã đạt được thỏa thuận về phân định ranh giới biển khiến mọi người hy vọng về một thỏa thuận tương tự về phân định biển có thể đạt được ở Biển Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thỏa thuận phân định ranh giới biển giữa Israel và Liban khó có thể trở thành hình mẫu cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cho dù các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông có quan hệ hữu nghị với nhau, thậm chí có quan hệ đối tác chiến lược song phương và đa phương (giữa ASEAN và Trung Quốc). Lý do được đưa ra là:
Thứ nhất, tranh chấp Biển Đông rất phức tạp và mang tính chất chồng chéo: có tranh chấp về chủ quyền đối với các quần đảo, có tranh chấp liên quan đến vùng biển; có tranh chấp liên quan đến 2 nước (chủ quyền quần đảo Hoàng Sa), lại có những tranh chấp đa phương liên quan đến nhiều nước (tranh chấp 5 nước, 6 bên về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa); có những vấn đề liên quan đến lợi ích của các nước khác ngoài khu vực như yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đe dọa tự do, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Do các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nên trên thực tế họ không muốn phân định biển với các nước liên quan mà điều họ muốn là các nước láng giềng khuất phục trước các yêu sách phi lý của họ. Nhiều nhà quan sát nhận định sự ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế đã khiến các diễn đàn đàm phán về Biển Đông với các nước láng giềng bế tắc.
Thứ hai, âm mưu lâu dài và xuyên suốt của Trung Quốc là khống chế và độc chiếm Biển Đông để làm bàn đạp vươn ra biển xa thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển sánh vai với Mỹ. Do vậy mà Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách căn cơ đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Họ phản đối việc giải quyết đa phương hay không chấp nhận giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế hoặc qua trung gian hòa giải. Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp với từng nước ven Biển Đông theo phương châm mà họ đề ra là “gác tranh chấp, cùng khai thác” thực chất là các bên liên quan phải thừa nhận chủ quyền hay quyền chủ quyền của Trung Quốc trong các vùng biển của đất nước mình.
Để một cuộc đàm phán về ranh giới trên biển đạt được kết quả thì cả hai bên đều cần có thiện chí, nhân nhượng lẫn nhau và đảm bảo lợi ích của đối phương, ngay cả trong thỏa thuận đạt được giữa Israel và Liban cũng vậy, cả Liban và Israel đều phải có những nhân nhượng phù hợp trên cơ sở xem xét thỏa đáng quan tâm và lợi ích của đối phương. Thế nhưng trong trường hợp Biển Đông, Bắc Kinh hoàn toàn không có thiện chí, họ luôn áp đặt quan điểm của họ lên đối phương và bất chấp tất cả dù là luật pháp quốc tế hay lợi ích của phía bên kia. Đây là lý do vì sao khó có thể đi tới một thỏa thuận giống như Israel và Liban đã làm.
Thứ ba, Biển Đông được coi là trung tâm cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực. Nhằm độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc mưu toan đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi Biển Đông. Để đáp trả Mỹ ngày càng can dự sâu hơn vào Biển Đông, thường xuyên điều tàu chiến, máy bay hoạt động ở Biển Đông, tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải thách thức các yêu sách ở Biển Đông và vận động các nước đồng minh cùng tham gia. Mỹ cũng lên tiếng công khai phản đối yêu sách và các hành vi gây sức ép bắt nạt láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông; khẳng định đứng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh như vậy Mỹ không thể đứng ra làm trung gian hòa giải tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước ven Biển Đông như họ đã làm trong phân định biển giữa Israel và Liban. Trung Quốc không chấp nhận việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua cơ quan tài phán hoặc trung gian hòa giải và càng phản đối việc Mỹ làm trung gian hòa giải. Do vậy, một số học giả còn cho rằng “việc Mỹ làm trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông là không tưởng”.
Qua việc Liban và Israel đạt thỏa thuận về phân định ranh giới biển có thể thấy quan hệ ngoại giao hay quan hệ hữu nghị không phải là yếu tố quyết định cho một giải pháp về phân định ranh giới trên biển. Không có quan hệ ngoại giao vẫn có thể đàm phán để đi đến ký kết một thỏa thuận về phân định ranh giới biển, yếu tố quyết định ở đây là mong muốn và thiện chí của cả hai bên về một đường ranh giới trên biển. Thỏa thuận giữa Liban và Israel khó có thể trở thành mô hình có thể áp dụng ở Biển Đông bởi lẽ tham vọng không có giới hạn của Bắc Kinh là trở ngại lớn nhất để tìm kiếm một giải pháp công bằng ở Biển Đông.