Monday, October 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông – câu chuyện dài

Biển Đông – câu chuyện dài

“Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” là văn kiện quan trọng, đề cập nhiều vấn đề. Liên quan Biển Đông, liệu văn kiện quan trọng này có mang lại kỳ vọng cho dư luận.

Ảnh. Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) và ông Tập Cận Bình dự tiệc trà ở Bắc Kinh hôm 31/10.

Văn kiện quan trọng nên dù chuyến đi đã kết thúc, truyền thông hai nước vẫn còn rất rôm rả. Số lượng nhiều các bài viết cùng sự phân tích của cánh báo chí và các chuyên gia quốc tế, trong thực tế đang tác động khá tích cực đến dư luận, làm sống dậy và lan tỏa hy vọng về một Biển Đông yên bình. Yên bình như khi chưa xảy ra vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Hay ít nhất, cũng tạm êm ả như trước thời điểm ngày 7/5/2009, khi Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” bao gồm tới gần 90% Biển Đông, trong công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc.

“Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” (dưới đây, là Tuyên bố) khá dài, và có tới 13 điểm nội dung; trong đó, phần đề cập Biển Đông nằm ở điểm thứ 9, với 4 khổ, nhìn chung khá cân đối số chữ so với các nội dung khác.

Với nhiều người, chuyện dài ngắn không mấy quan trọng. Quan trọng, là ý tứ như thế nào? Cái gọi là “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển…” – như ghi trong văn bản – liệu có là “chân thành” thật, hay chỉ là đầu lưỡi vì phép ngoại giao khách sáo mà phải nói thế, viết thế? Còn quan điểm chung, (hai bên) “cho rằng kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng; nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực” thì dễ thôi, bởi ai chẳng muốn phô ra với bên ngoài như thế để tỏ ra mình là văn minh, đàng hoàng, dù có kẻ trong bụng nghĩ khác.

Nhưng muốn “xử lý ổn thỏa” là một chuyện, còn được hay không là chuyện khác. Bằng chứng là những năm qua, mỗi khi Biển Đông “có chuyện” là y như rằng các bên ra sức cáo buộc nhau khiến người không tường tận có khi quy tội các quốc gia như Việt Nam, từ nạn nhân thành kẻ “tiểu bá”. Chỉ những người hiểu bản chất câu chuyện nóng bỏng mới biết, mọi phức tạp căng thẳng đều có nguồn cơn từ cái “đường 9 đoạn” tham lam kia; và hết thảy đều mong có được một cái gì đó hầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc, xung đột.

Vậy thì đây, Tuyên bố có đáp ứng được kỳ vọng đó. Cùng với nhắc lại “nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, cũng của của ông Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2011, như một cơ sở có tính nền tảng, Tuyên bố đã nhấn mạnh rằng: (hai bên) “kiên trì thông qua hiệp thương, đàm phán hữu nghị, tích cực bàn bạc về các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”.

Người hời hợt dễ bị mê hoặc bởi những ngôn từ như “hiệp thương, đàm phán hữu nghị, tích cực bàn bạc…”. Tuy nhiên, không ít người đủ tỉnh táo để không mấy quan tâm tới sự màu mè đó. Theo họ, nào có mới mẻ gì đâu so với những lời, những điều hai bên từng nói, từng ký tá với nhau trước đây. Có người thậm chí còn tỏ ra lo lắng khi văn bản này đề cập cái gọi là “lập trường, chủ trương của mỗi bên”. Hóa ra, sự màu mè ngôn từ, nói cho cùng, chỉ đáp ứng việc xử lý tình huống là kiềm chế, không để sự khác biệt về “lập trường, chủ trương mỗi bên” bùng lên thành vụ việc nóng khiến Biển Đông thành vạc dầu sôi?

“Khác biệt về lập trường, chủ trương” ở đây là gì?

Ai chẳng biết, là xung đột giữa Trung Quốc và “bên kia” với các nước duyên hải Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, về “đường 9 đoạn” – cái mà dư luận lâu nay gọi nhái thành “đường lưỡi bò” nhằm phê phán, phản đối sự tham lam và ngang ngược của Trung Quốc.

“Chủ trương” ở đây là gì? Tuyên bố không nêu cụ thể, nhưng liên quan đến nó, đừng dại dột bỏ qua và mất cảnh giác với cái gọi là “đàm phán song phương” ma mãnh do Trung Quốc chủ động đề xuất, dụ dỗ các nước liên quan Biển Đông nhằm dễ bề dùng sức mạnh để bẻ gãy ý chí và áp đặt cái “lưỡi bò” bất lương, vô pháp của họ.

Tóm lại, Tuyên bố là một phần quan trọng kết quả chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, theo lời mời của ông Tập Cận Bình ngay sau khi ông Tập tái cử Tổng Bí thư. Nhưng liên quan câu chuyện Biển Đông, đừng tin rằng Trung Quốc thật sự thiện chí để mà lạc quan: với cơ sở chính trị đạt được giữa những nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai quốc gia là bản Tuyên bố, các tình huống phức tạp, khó khăn sẽ được giải quyết hanh thông, suôn sẻ. Ngược lại, hãy tin đi: Biển Đông còn là một câu chuyện dài.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới