Ngày 03/9/2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã khởi động một đợt chỉ trích nữa nhằm vào chính phủ Mỹ vì đã viện dẫn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), văn bản luật pháp quốc tế chuyên trách các vấn đề và tranh chấp trong lĩnh vực hàng hải.
Các quan chức Trung Quốc vẫn tức giận với việc vào tháng 1/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một nghiên cứu chỉ trích toàn diện về các yêu sách lãnh thổ hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Cường độ phản ứng của Trung Quốc cho thấy đây không chỉ là một cuộc tranh cãi pháp lý. Sự ủng hộ của Mỹ dành cho UNCLOS có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn Trung Quốc đạt được một trong những mục tiêu địa chính trị lớn của họ là thiết lập một phạm vi ảnh hưởng đối với Đông Nam Á.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc liên tục khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ tìm kiếm một phạm vi ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Người Đông Nam Á có lý khi hoài nghi về tuyên bố này. Trong quá trình tìm kiếm sự thịnh vượng thông qua thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, hầu hết các nước Đông Nam Á đều lo sợ bị Trung Quốc chi phối và từ đó bị đánh mất chủ quyền của mình. Ngay cả ở Campuchia và Lào, những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Trung Quốc, việc giới tinh hoa chính trị tham nhũng tìm cách điều chỉnh sao cho phù hợp với Trung Quốc không nhất thiết phản ánh mong muốn của toàn xã hội nước họ.
Trung Quốc, nước phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996, tuyên bố “có quyền chủ quyền” đối với xấp xỉ 90% diện tích Biển Đông, khu vực nằm trọn trong “Đường 9 đoạn” đáng hổ thẹn mà nước này đặt ra. Mặc dù Bắc Kinh không xác định chính xác điều đó có nghĩa là gì, nhưng chúng ta đều biết chính phủ Trung Quốc tuyên bố quyền đơn phương cấm các hoạt động của người nước ngoài, bao gồm đánh bắt cá, khảo sát và khai thác dầu khí,… tại các khu vực trên Biển Đông nhưng nằm bên ngoài các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hợp pháp của Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên ra tuyên bố cấm tất cả các tàu và máy bay nước ngoài hoạt động ở một số khu vực biển khơi mỗi khi họ tổ chức các cuộc tập trận quân sự. Chính phủ Trung Quốc cũng cố gắng hạn chế sự hiện diện của các đơn vị quân đội nước ngoài tại các khu vực mà theo các quy định của UNCLOS thì được phép qua lại một cách hòa bình.
Nếu Bắc Kinh được cộng đồng quốc tế mặc nhận những hành động xâm lấn này, Trung Quốc sẽ đạt được một bước tiến lớn hướng tới quyền bá chủ tiểu khu vực. Và những khẳng định táo bạo hơn của Trung Quốc về quyền sở hữu có thể sẽ tiếp tục được đưa ra, trong đó có các hạn chế có chọn lọc đối với các chuyến hàng thương mại của các quốc gia không ủng hộ Bắc Kinh và phải phụ thuộc các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông.
Các điều khoản được nêu trong UNCLOS được coi là một bức tường thành ngăn ngừa những hành vi sai trái trên biển. Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả khi có sự ủng hộ của Mỹ dành cho UNCLOS, khả năng kiềm chế tham vọng của Trung Quốc cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, UNCLOS sẽ không chỉ là một tập hợp các quy tắc và nguyên tắc mà từ đó Bắc Kinh sẽ trích dẫn một cách có chọn lọc những điều phù hợp với chương trình nghị sự của Trung Quốc, trong khi bỏ qua những điều còn lại.
Mỹ có khả năng trong việc chống lại sự xâm phạm của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách thiết lập hợp tác an ninh trong tiểu vùng, tiến hành các cuộc tập trận quân sự và thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải” nhằm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền trái pháp luật của Trung Quốc thông qua các chuyến quá cảnh của tàu hải quân Mỹ. Chẳng hạn, tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ của Mỹ có lẽ đã ngăn cản Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự trên bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ ủng hộ một trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy Bắc Kinh coi sự ủng hộ của Mỹ dành cho UNCLOS là trở ngại đáng kể đối với các kế hoạch thôn tính, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông của chính phủ Trung Quốc đã khẳng định một cách nhất quán rằng Mỹ không có tư cách viện dẫn UNCLOS vì Washington đã không phê chuẩn công ước này. Đáng tiếc là một số chuyên gia nước ngoài bị Trung Quốc mua chuộc cũng lặp lại luận điệu rằng Washington “đạo đức giả” hoặc “thiếu uy tín” khi kêu gọi tuân thủ UNCLOS. Họ nên nhớ rằng UNCLOS được coi là “Hiến pháp của đại dương” và cho dù phê chuẩn hay chưa phê chuẩn công ước và kể cả các nước không có biển đều cần tôn trọng và có thể viện dẫn khi cần. Không một điều khoản nào trong công ước loại bỏ các nước không có biển hoặc các nước chưa phê chuẩn Công ước.
Lập luận của Trung Quốc sẽ chỉ có giá trị nếu bản thân Mỹ không tuân theo các quy tắc của UNCLOS. Nhưng mặc dù Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn công ước, nhưng chính phủ Mỹ công nhận UNCLOS là một phần của luật quốc tế và tuân theo công ước đó. Như Gregory B. Poling, nhà nghiên cứu của CSIS Mỹ đã chỉ ra, “đối với mọi công dân Mỹ có liên quan đến các hoạt động hàng hải, cho dù là hải quân, thương mại hay khoa học, UNCLOS thực sự là một đạo luật có hiệu lực”.
Hơn nữa, như một số ý kiến bày tỏ hoài nghi, việc Mỹ phê chuẩn UNCLOS có lẽ sẽ không giúp được gì cho việc xoa dịu căng thẳng Trung-Mỹ trong khu vực. Theo quan điểm của Trung Quốc, Washington vẫn sẽ là đối thủ phản đối những điều có lợi cho Bắc Kinh. Ngay cả khi không có lập luận về việc Mỹ không phê chuẩn công ước, Bắc Kinh sẽ tiếp tục khẳng định rằng Mỹ không có tư cách gì trong các tranh chấp ở Biển Đông bởi vì Washington không phải là một bên tuyên bố chủ quyền.
Trong phát biểu của mình vào ngày 03/9, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã đưa ra 3 lý do giải thích tại sao Mỹ “không có tư cách gì để viện dẫn UNCLOS nhằm buộc tội người khác”. Chúng ta cùng đi phân tích 3 lý do này để thấy rõ lẽ phải.
Thứ nhất, ông Tạ cho biết Mỹ đã từ chối phê chuẩn UNCLOS vì không sẵn lòng chấp nhận một số nghĩa vụ nêu trong công ước, chẳng hạn như chia sẻ tài nguyên dưới đáy biển với các nước đang phát triển. Điều đó đúng một phần, nhưng không liên quan bởi vì một lần nữa, Mỹ vẫn tuân theo các hướng dẫn của UNCLOS áp dụng cho các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và theo đó, Washington đã kêu gọi Trung Quốc từ bỏ tham vọng.
Thứ hai, Tạ Phong nói Washington ủng hộ UNCLOS “vì những động cơ ngầm”, cụ thể là sử dụng nó “như một công cụ để bôi nhọ, kiềm chế và đàn áp các quốc gia khác”. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường mô tả chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là “chính sách ngăn chặn” – cản trở dòng của cải và công nghệ khổng lồ của Mỹ vào Trung Quốc – và gọi mọi lời chỉ trích về các hành vi của Trung Quốc đều là một sự “bôi nhọ”, một biểu hiện của tâm lý nạn nhân mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền lâu nay. Cấn phải nhấn mạnh ở đây rằng nếu Trung Quốc tuân thủ UNCLOS, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven Biển Đông theo UNCLOS thì Mỹ làm gì có “đất diễn”, làm gì có lý do để phê phán, lên án Trung Quốc. Bắc Kinh hãy tự nhìn lại mình trước hết.
Thứ ba, Tạ Phong khẳng định rằng bản thân Mỹ đang vi phạm luật pháp quốc tế “bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự của mình để thách thức các tuyên bố của các nước khác”. Lập luận này biến thực tế trở thành điều gây tranh cãi. Các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ là hợp pháp theo quy định của UNCLOS và thách thức các tuyên bố yêu sách của Trung Quốc vốn đi ngược lại những gì UNCLOS cho phép và đã bị Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS bác bỏ trong phán quyết về Biển Đông năm 2016.
Là một văn bản của luật quốc tế về biển, UNCLOS được chấp nhận rộng rãi trên thế giới với 168 quốc gia đã phê chuẩn. UNCLOS có thể có hiệu lực trong việc hạn chế hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường phớt lờ Luật biển, điển hình nhất là phán quyết mang tính bước ngoặt về Biển Đông của Tòa Trọng tài năm 2016, theo đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh cũng muốn được công nhận là một chính phủ tuân thủ luật pháp. Do đó, Trung Quốc luôn cao giọng nói rằng họ “tuân thủ công ước một cách nghiêm túc và có trách nhiệm”, nhưng trên thực tế họ lại là “kẻ phá hoại” UNCLOS khi viện dẫn sai lệch, bóp méo các điều khoản của công ước và luôn hành động bất chấp luật pháp quốc tế. Với vai trò điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển, UNCLOS là một điểm tập hợp tự nhiên cho Mỹ, nước muốn duy trì một trật tự khu vực tự do, còn các nước Đông Nam Á thì đang cố gắng duy trì quyền tự chủ của mình. Trên thực tế, Mỹ không có bất cứ hành động hung hăng nào đối với các nước nhỏ ven Biển Đông, còn công khai lên tiếng bảo vệ các quyền lợi chính đáng của các nước này và hỗ trợ họ nâng cao năng lực của các lực lượng quản lý biển. Trong khi đó, Trung Quốc thường xuyên có các hành động gây hấn hung hăng với các nước láng giềng ven Biển Đông vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế. Do vậy giới phân tích có cùng chung một nhận định rằng, mặc dù chưa phê chuẩn UNCLOS (do vấn đề thủ tục nội bộ của Mỹ), nhưng Mỹ đang hỗ trợ các nước ven Biển Đông thực thi UNCLOS. Ngược lại, Trung Quốc là thành viên của UNCLOS và luôn cao giọng rằng họ là “thành viên có trách nhiệm của UNCLOS”, song luôn vi phạm các điều khoản của UNCLOS và chà đạp lên luật pháp quốc tế. Phát biểu của ông Tạ Phong chỉ là một sự ngụy biện, “đổi trắng thay đen”, càng thể hiện rõ dã tâm của họ.