Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao TQ-Nga ra sức bảo vệ Triều Tiên?

Vì sao TQ-Nga ra sức bảo vệ Triều Tiên?

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt. Xoay quanh cái trục Hàn Quốc -Triều Tiên là Mỹ – Trung Quốc và Nga? Câu hỏi đặt ra là, vì sao Bắc Kinh và Moscow lại nhất quyết bảo vệ Bình Nhưỡng trước thái độ ngày càng hung hăng của họ?

Tuần qua Triều Tiên thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa, trong khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, mới nhất là cuộc tập trận không quân mang tên cơn bão Vigilant Storm kéo dài trong 5 ngày, đến ngày 4/11, huy động 240 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và F-35B.

Mới đây Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức họp khẩn sau các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên. Không khí cuộc họp vô cùng căng thẳng với những tranh cãi nảy lửa giữa đại diện Mỹ và Trung Quốc.

Theo yêu cầu của Mỹ, Anh, Pháp, Albania, Ireland và Na Uy, Hội đồng Bảo an mới tiến hành cuộc họp này. Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã lên án việc Nga và Trung Quốc luôn “chống lưng” Triều Tiên. Vì thế, nhiều nghị quyết và hành động của Hội đồng đối với Bình Nhưỡng bị cản trở.

“Triều Tiên luôn được hai quốc gia là Trung Quốc và Nga bảo vệ. Hai nước này luôn viện dẫn lý do để bảo vệ những hành động lặp lại của Triều Tiên khiến Hội đồng Bảo an không thể làm gì được. Đây là điều không thể chấp nhận được”, bà Linda Thomas-Greenfield nhận định.

Đại diện thường trực Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an, ông Trương Quân sau đó đã phản pháo. Rằng, đối với vấn đề Triều Tiên, Hội đồng Bảo an nên đóng vai trò xây dựng, thay vì luôn gia tăng áp lực. Các cuộc thảo luận tại Hội đồng nên giúp duy trì sự ổn định và ngăn ngừa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, góp phần khởi động đối thoại và đàm phán, giải quyết tình hình nhân đạo và khó khăn mà Triều Tiên đang phải đối mặt thay vì tạo sự cản trở.

Được xem là một trong các vấn đề nóng và nhạy cảm, tình hình trên Bán đảo Triều tiên thường gây ra những tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên trong Hội đồng. Hồi tháng 5/2022, Trung Quốc và Nga cũng đã phủ quyết việc Mỹ kêu gọi áp đặt thêm trừng phạt đối với Triều Tiên.

Sự gắn kết chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc trong việc bảo vệ Triều Tiên là bởi, hai quốc gia này đều hướng tới việc tìm kiếm các đối tác mới ngoài phương Tây. Thông tin từ Nga cho hay, các công nhân Triều Tiên ở nước ngoài sẽ trợ giúp hoạt động tái thiết ở những vùng lãnh thổ của các nước cộng hòa tự phong Donetsk và Lugansk vừa được quân Nga giành từ tay Ukraina. Triều Tiên đã nhanh chóng công nhận ngoại giao đối với hai nước cộng hòa tự xưng này.

Nếu như cách đây vài năm, Nga và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên nhằm hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á này. Nhưng nay thì họ đã quay ngoắt 180 độ. Cuộc chiến Nga-Ukraina nổ ra cộng với việc Mỹ cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho môi trường quốc tế trở nên đa cực.

Các nước lớn tìm mọi cách cạnh tranh về mức độ ảnh hưởng, có lúc phải tìm cách hòa hoãn, tạm thời liên kết với nhau. Vì thế không gian cho hợp tác về các vấn đề chung được mở rộng, nhưng cũng làm gia tăng nhu cầu tư duy chiến lược giữa các đối thủ cạnh tranh. Điều này khiến tính toán của Nga liên quan đến Triều Tiên trở nên quan trọng hơn trước đây.

Ngay sau những ngày cuối cùng của Thế chiến II (1945) là một cuộc đấu chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Đông Á liên quan đến các lãnh thổ cũ do Đế chế Nhật Bản kiểm soát. Khi Hồng quân Liên Xô tiến xuống phía Nam, các bên đạt được một thỏa thuận về phân chia bán đảo Triều Tiên dọc theo vĩ tuyến 38.

Tuy nhiên sự chia tách này chỉ mang tính tạm thời. Các căng thẳng địa chính trị đã nhanh chóng biến sự chia cắt đó thành lâu dài và hình thành hai nước Triều Tiên-Hàn Quốc rất khác biệt nhau. Hàn Quốc ở miền Nam (được Mỹ chống lưng) và Triều Tiên ở miền Bắc được Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn.

Như vậy, các nước lớn luôn coi bán đảo Triều Tiên như một quân cờ trong nỗ lực thống trị Đông Bắc Á. Điều này dẫn tới một cuộc giằng co trong nhiều thế kỷ. Nhưng trong ba thập niên qua, kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Triều Tiên lại ngày càng bị cô lập, trong khi Trung Quốc và Nga đều tìm kiếm quan hệ với phương Tây cũng như với Hàn Quốc.

Tính đơn cực của Mỹ đã khiến cả Nga và Trung Quốc đều ít quan tâm đến việc phản đối mong muốn của Mỹ muốn hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nay thì tình hình mới đã xuất hiện. Trong mắt Nga và Trung Quốc, Triều Tiên chính là vật cản không thể thiếu về mặt chiến lược trước sức mạnh và tầm ảnh hưởng quân sự của Mỹ trên chính lãnh thổ của Nga, đặc biệt là trước các nước láng giềng được Mỹ hậu thuẫn. Nga nhận thấy không còn thấy ích lợi nào trong việc hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, khi Mỹ yêu cầu có thêm một nghị quyết các lệnh trừng phạt mới áp lên Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cả Nga và Trung Quốc đều phủ quyết đề xuất này.

Nga đang cố gắng “làm sâu sắc thêm” quan hệ quân sự và kinh tế với Triều Tiên, chủ yếu vì giá trị về chiến lược và chính trị của quốc gia này.
Và khái niệm “Chính trị chia khối” xuất hiện khi Mỹ củng cố các đồng minh của mình để đối đầu với Nga và Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới