Monday, November 25, 2024
Trang chủUncategorizedẤn Độ trước mối đe dọa hàng hải ngày càng gia tăng...

Ấn Độ trước mối đe dọa hàng hải ngày càng gia tăng từ TQ

Với năng lực quốc phòng, nhất là năng lực hải quân được tăng cường mạnh mẽ trong 20 năm qua, Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và hung hăng hơn. Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc biển hàng đầu với Mỹ, các hoạt động hung hăng của Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở các vùng biển xung quanh như Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, mà được mở rộng ra tận khu vực Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dưong lấn vào vùng lâu nay thuộc ảnh hưởng của Ấn Độ.

Khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm Tây Á và bờ biển phía Đông châu Phi, ngoài Nam Á, là một khu vực quan trọng đối với Hải quân Ấn Độ. Hơn 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ấn Độ đi qua các tuyến đường hàng hải trong khu vực này. Hải quân Ấn Độ cũng đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động chống cướp biển ngoài khơi bờ biển phía Đông châu Phi. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là đã sử dụng các hoạt động chống cướp biển như một chiến thuật nghi binh để hiện diện thường xuyên ở khu vực này tiến hành các hoạt động bất chính trên biển. Sự hiện diện ngày càng gia tăng và tích cực của hải quân Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lợi ích an ninh quan trọng của Ấn Độ. Gần đây, đã xảy ra một vài sự cố ở Ấn Độ Dương như các hoạt động phô trương sức mạnh của Trung Quốc nhằm vào cơ sở quốc phòng của Ấn Độ. Một số trong đó liên quan dự án của Trung Quốc tại một cảng ở Sri Lanka.

Quốc đảo láng giềng của Ấn Độ đã duy trì quan hệ song phương với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, phần lớn liên quan các khoản vay nợ từ Trung Quốc. Gần đây, khi Sri Lanca rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế, Trung Quốc đã tranh thủ lợi dụng tình hình để thúc đẩy lợi ích địa chính trị của họ. Cảng Hambantota ở Sri Lanka, được xây dựng từ các khoản vay của Trung Quốc, hiện do doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Merchants Port Holdings của Trung Quốc quản lý và vận hành theo hợp đồng thuê 99 năm vì Sri Lanka không thể trả được nợ. Điều này cho phép Trung Quốc có thể giám sát và cuối cùng là kiểm soát các tuyến giao thông hàng hải (SLOC) ở Biển Arab và Ấn Độ Dương.

Hồi tháng 8/2022, tàu do thám Viễn vọng 5 (Yuan Wang 5) của Trung Quốc đã cập cảng quan trọng về mặt chiến lược này của Sri Lanka bất chấp sự phản đối của Ấn Độ và Mỹ. Với tính năng do thám vệ tinh trong phạm vi lên tới 750km, tàu hải quân lưỡng dụng này có thể theo dõi một vùng rộng lớn của Ấn Độ Dương. Tàu Viễn vọng 5 được điều hành bởi Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Trung Quốc (SSF), một nhánh của Lực lượng Vũ trang Trung Quốc chuyên theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các vệ tinh.

Sự hiện diện của tàu do tham Viễn vọng 5 ở cảng Hambantota của Sri Lanka, ngay ngoài khơi bờ biển của Ấn Độ và lâu nay được coi là khu vực thuộc vùng ảnh hưởng của Hải quân Ấn Độ, tạo một mối đe dọa chiến lược vì nó có thể và sẽ thu thập nhiều tín hiệu vệ tinh từ các căn cứ quân sự, không quân và hải quân, thông tin liên lạc quân sự, Bộ tư lệnh các lực lượng chiến lược (Bộ chỉ huy hạt nhân) và các vụ thử tên lửa của Ấn Độ.

Trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng trên vùng biển từ sự hung hăng của Trung Quốc, New Delhi không chỉ chú ý đến các động thái gây hấn của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương mà còn thường xuyên theo dõi các hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông. Hải quân Ấn Độ đã và đang có những bước đi chiến lược phản ánh tầm nhìn của Ấn Độ là tăng cường hợp tác với các nước trong khuôn khổ Nhóm “Bộ Tứ” và với các nước trong khu vực, nhất là Nhật Bản và các nước ven Biển Đông nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực. Những động thái đáng chú ý của Ấn Độ gồm:

Một là, Ấn Độ thể hiện sức mạnh hải quân của mình. Để chống lại sự xâm nhập của hải quân Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương, Hải quân Ấn Độ thường triển khai các tàu ngầm như Vela để tuần tra răn đe trong thời gian dài.

Hôm 02/9/2022 Ấn Độ đã đưa vào vận hành tàu sân bay tự đóng đầu tiên của mình – Tàu sân bay INS Vikrant dài 262 mét, do hải quân Ấn Độ thiết kế và đóng tại nhà máy đóng tàu Cochin ở miền Nam Ấn Độ. Phát biểu tại lễ hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant, Thủ tướng Modi nhấn mạnh những lo ngại về an ninh ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã bị phớt lờ quá lâu. “Tuy nhiên, ngày nay khu vực này là một ưu tiên quốc phòng lớn của đất nước chúng tôi (Ấn Độ). Vì vậy, chúng tôi đang làm việc theo mọi hướng, từ tăng ngân sách cho hải quân đến tăng năng lực cho lực lượng này”.

Ngoài ra, Ấn Độ đã phát đi tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ tới Trung Quốc khi phóng tên lửa đạn đạo K-15 “Sagarika” có tầm bắn 750 km vào hôm 14/10 vừa qua. Tên lửa này được phóng từ INS Arihant, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mang tên lửa đạn đạo được đóng đầu tiên ở trong nước của Ấn Độ.

Hai là, Ấn Độ triển khai các hoạt động tập trận song phương và đa phương với các nước hay nói cách khác New Delhi đẩy mạnh ngoại giao quân sự trong hoạt động hải quân. Theo đó, Hải quân Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận với Nhật Bản, Australia, Mỹ, Singapore, Malaysia, Indonesia, Tanzania và Mozambique. Đây là tín hiệu của New Delhi cho thấy họ sẽ thách thức các hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương với sự ủng hộ của các nước cùng lập trường về việc tham gia trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mới đây nhất, cuối tháng 10, Ấn Độ đã kết thúc cuộc tập trận hàng hải ba bên Ấn Độ-Mozambique-Tanzania, đánh dấu sự hiện diện mạnh mẽ của nước này ngoài khơi bờ biển phía Đông châu Phi.

Ấn Độ ngày càng tích cực hơn trong việc hợp tác với các nước trong Nhóm “Bộ Tứ” trong lĩnh vực an ninh hàng hải thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do rộng mở. Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Nhật, Australia và Mỹ, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc diễn tập chung trên biển. Cuộc tập trận hải quân Malabar với sự tham gia của Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ được tiến hành trong tháng 11 này. Chuẩn Đô đốc Jonathan Earley, Tư lệnh Hạm đội Hoàng gia Australia, cho biết Ấn Độ và Australia đang tăng cường quan hệ đối tác quân sự trên khắp Ấn Độ Dương để chống lại “các động thái phô trương sức mạnh cường quốc”.

Rõ ràng tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đặt ra những thách thức mới không chỉ cho riêng Ấn Độ mà của các nước có lợi ích ở khu vực này. Do vậy, nhiều cường quốc chia sẻ mối lo ngại của Ấn Độ về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hải quân ở Ấn Độ Dương. Đây cũng là lý do vì sao Nhóm “Bộ Tứ” nhận thấy cần phải có các biện pháp hợp tác để đảm bảo an ninh, ổn định và tự do thương mại trong khu vực.

Ba là, Ấn Độ đẩy mạnh chính sách hướng Đông trong hợp tác an ninh biển với các nước Đông Nam Á và can dự ngày càng sâu vào Biển Đông. Giới phân tích chiến lược nhận định việc New Delhi tham dự tích cực vào an ninh hàng hải trên Biển Đông, tăng cường hợp tác quân sự với từng nước ven Biển Đông chính là cách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc đối với Ấn Độ Dương từ xa, bởi Biển Đông nằm liền kề với Ấn Độ Dương nếu khống chế, thôn tính được Biển Đông, Hải quân Trung Quốc sẽ rảnh tay hơn để tiến vào Ấn Độ Dương.

Mặt khác, Ấn Độ có lợi ích lớn trong việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông với gần 55% thương mại của Ấn Độ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đi qua vùng biển này.

Để đối phó với những lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, năm 2021 Hải quân Ấn Độ đã cử 4 tàu chiến đến Đông Nam Á, Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tập trận với các thành viên khác của Nhóm “Bộ Tứ” là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Các tàu của Ấn Độ cũng đã ghé thăm và tiến hành diễn tập song phương với hải quân một số nước như Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia với mục tiêu bảo đảm trật tự trong lĩnh vực hàng hải, củng cố mối quan hệ hiện có giữa Ấn Độ và các nước trong khu vực.

Tại các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN, Ấn Độ luôn khẳng định sự quan tâm của New Delhi tới việc duy trì hòa bình và ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế; ủng hộ các nước ven Biển Đông thực hiện các quyền lợi biển của mình theo quy định của UNCLOS; đồng thời nhấn mạnh COC đang được đàm phán không được làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của các bên thứ ba và phải hoàn toàn phù hợp với UNCLOS. Ngoài ra, Ấn Độ còn có quan hệ hợp tác quân sự mật thiết với các nước ven Biển Đông, trong đó có hợp tác hải quân. Ấn Độ quyết định bán tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm BrahMos cho các nước ven Biển Đông (như Philippines, Indonesia hay Việt Nam để nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển của các nước này trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Đây chính là một phần trong chính sách hướng Đông của New Delhi nhằm đối phó với mối đe dọa hàng hải từ Bắc Kinh và chống lại tham vọng của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động đến Ấn Độ Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới