Giới chuyên gia nhận định, tiêm kích MiG-31 Nga và tên lửa R-37M đang tạo ra một sự kết hợp khiến Ukraine không thể đáp trả trong các trận không chiến.
Sau hơn 8 tháng chiến sự, Nga vẫn gặp thách thức trong việc kiểm soát bầu trời Ukraine bởi nhiều yếu tố, dù sở hữu không quân với tiềm lực áp đảo đối phương.
Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây cho rằng, tiêm kích Mikoyan MiG-31BM vẫn được xem là một điểm sáng trong không quân Nga, khi nó giành chiến thắng trong hầu hết các trận chiến mà phi cơ này góp mặt. Theo Forbes, Ukraine chưa có máy bay nào xứng tầm với MiG-31BM của Nga – vũ khí mà giới quan sát đánh giá là tiêm kích đánh chặn tốt nhất của Moscow.
Trên chiến trường, trong thời gian qua, MiG-31 thường thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở khu vực tiền tuyến và phóng ra tên lửa không đối không Vympel R-37M uy lực bắn rơi một số tiêm kích Ukraine. Các máy bay chiến đấu mà Kiev sở hữu hiện không thể so sánh với MiG-31 về tốc độ, tầm hoạt động, trần bay để có thể đáp trả hiệu quả.
Trong một nghiên cứu của viện RUSI (Anh), các chuyên gia nhận định, MiG-31 đã chứng minh hiệu quả cao trong việc loại bỏ tiêm kích và chiến đấu cơ Ukraine và R-37M đặc biệt là một thách thức lớn với Kiev.
Để so sánh, MiG-31 vượt trội hơn hẳn về tốc độ, cao độ và tầm bay so với tiêm kích đánh chặn tốt nhất trong kho vũ khí của Ukraine là Su-27. MiG-31 có thể bay cao lên 18.000m và đạt tốc độ Mach 2,5 (gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh) trong thời gian ngắn.
Với tầm hoạt động như vậy, MiG-31 nằm ngoài tầm mọi hệ thống phòng thủ của Ukraine sở hữu, cũng như vượt trội so với tầm tấn công của các máy bay chiến đấu Kiev.
MiG-31 đã gia nhập biên chế Nga từ những năm 1980 và cho tới nay, nó đã trải qua một số lần cải tiến với các biến thể hiện đại hơn. MiG-31BM đã được nâng cấp radar và hệ thống kiểm soát hỏa lực, giúp “chim sắt” Nga tăng cường khả năng phát hiện và truy tìm mục tiêu đối thủ.
Với radar Zaslon M, MiG-31BM có thể cùng lúc truy quét 10 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu khác nhau với khoảng cách phát hiện lên tới 320km. Theo các chuyên gia quân sự, sau khi cải tiến, khả năng chiến đấu của MiG-31BM tăng lên gấp đôi so với thế hệ đầu MiG-31, xứng đáng với tên gọi “sát thủ đánh chặn” trong quân đội Nga.
Một đặc điểm ấn tượng ở dòng MiG-31 chính là khả năng tác chiến trên cao. Với việc vừa bay được trên cao và bay xa, MiG-31 vượt trội so với phòng không đối thủ, khiến nó rất khó bị đánh chặn.
Để hỗ trợ cho các đòn đánh chính xác từ xa, MiG-31 sẽ sử dụng tên lửa tầm xa R-37M dưới bụng. Tên lửa không đối không này có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 300km, trong khi tiêm kích Su-27 Ukraine chỉ có thể phóng được tên lửa R-27 với tầm tấn công 80km.
Khi Ukraine mở chiến dịch phản công trên toàn tuyến, Nga thường điều các tiêm kích MiG-31 và Su-35 làm nhiệm vụ tuần tra từ xa. Các máy bay này đã bắn rơi một số chiến đấu cơ Ukraine như Su-25, Su-24 và MiG-29.
Nhờ khả năng tác chiến trên cao và ở khoảng cách xa, MiG-31 sẽ có tầm quan sát bao trùm mục tiêu, sau đó lựa chọn vũ khí phù hợp để bắn xuống.
R-37M là tên lửa không đối không (AAM) tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu trên không tốc độ cao từ hơn 300km. Nó được gọi là sát thủ trên không nhờ khả năng tấn công mục tiêu ấn tượng.
Đây được xem là một trong những tên lửa không đối không tầm xa nhất thế giới. Nó có khả năng theo dõi mục tiêu thông qua hệ thống radar chủ động và bán chủ động. Điều này có nghĩa là một khi R-37M được phóng đi, nó sẽ độc lập hoàn toàn với phương tiện phóng. Tốc độ cao khiến cho tên lửa này có thể đánh chặn được cả mục tiêu tàng hình.
Sự kết hợp giữa MiG-31 và R-37M được xem tạo ra một cặp song sát mà tới nay Ukraine chưa thể tìm cách hóa giải.
T.P