Trong một bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng, Tổng Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại của Australia, ASIS, đã lên tiếng thừa nhận rằng, cơ quan này đã chuyển trọng tâm chính của mình khỏi vấn đề khủng bố và nạn buôn người để tập trung vào mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Phát biểu tại Trường Đại học An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, Tổng giám đốc cơ quan ASIS, ông Paul Symon, cho biết, cơ quan này đang thực hiện các điều chỉnh để giải quyết điều mà ông gọi là “một số dấu hiệu đáng báo động” từ quốc gia châu Á này.
Ông nói: “Chúng tôi đang thực hiện những điều chỉnh phù hợp với Trung Quốc”.
“Chúng tôi vẫn đang giải quyết tình trạng khủng bố, vấn nạn buôn lậu và bắt cóc người dân Australia cùng nhiều vấn đề khác. Nhưng bây giờ, trọng tâm của chúng tôi là Trung Quốc. Chúng tôi đang chú ý đến từng hành vi và động thái của họ. Chúng tôi cũng cố gắng phát hiện ra những kẽ hở và khoảng cách giữa lời nói và những sự việc đang diễn ra trên thực tế”, ông nói thêm.
“Có một số dấu hiệu rất đáng báo động”, ông Symons cảnh báo.
Cơ quan Tình báo mật (ASIS)
Cơ quan Tình báo bí mật ASIS (Australia Secret Intelligence Service) được thành lập năm 1952, nhưng chỉ được công khai hoạt động từ năm 1977. Đây là cơ quan thu thập tin tình báo nước ngoài mà các nguồn khác không có, liên quan đến âm mưu, ý đồ, khả năng và hoạt động của các cá nhân, tổ chức bên ngoài Australia đe doạ lợi ích an ninh và sinh mạng của công dân nước này.
Theo Luật về tổ chức tình báo năm 2001 của Australia, ASIS do Bộ trưởng Ngoại giao lãnh đạo. ASIS cũng báo cáo tin tức về chiến lược quốc phòng, quan hệ quốc tế, các nỗ lực quốc tế hậu thuẫn cho hoạt động gìn giữ hoà bình và chống lại mối đe doạ phổ biến vũ khí huỷ diệt lớn.
Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với lực lượng phòng vệ Australia
Lần thừa nhận hiếm hoi của ông Symons diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã yêu cầu một cuộc điều tra về những cáo buộc rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tích cực tìm cách tuyển dụng cựu quân nhân Australia để huấn luyện cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Marles thông báo chính phủ Australia đã thành lập một tổ hợp Lực lượng Đặc nhiệm Chống Can thiệp Nước ngoài (Counter Foreign Interference Taskforce), bao gồm các thành viên của Lực lượng Cảnh sát Liên bang Australia (Australian Federal Police – AFP) và Tổ chức Tình báo An ninh Australia (Australian Security Intelligence Organisation).
Ông Marles cho hay, Lực lượng Đặc nhiệm Chống Can thiệp Nước ngoài đang điều tra một số trường hợp, đồng thời nhấn mạnh rằng, trọng tâm của Australia là đảm bảo các cựu nhân viên Quốc phòng nước này áp dụng đầy đủ các chính sách và quy trình hiện có của Bộ Quốc phòng.
Động thái mới nhất của ông Marles được đưa ra sau khi một cựu phi công lái máy bay chiến đấu và huấn luyện viên Thủy quân lục chiến Mỹ bị bắt tại Australia. Người này được cho là từng làm việc ở Trung Quốc. Trước đó, hãng thông tấn BBC đã cáo buộc rằng, Bắc Kinh đã tuyển dụng cựu quân nhân Australia để huấn luyện cho các lực lượng quân sự của họ.
Hôm 21/10, Lực lượng Cảnh sát Liên bang Australia đã bắt giữ ông Daniel Edmund Duggan, 54 tuổi, tại thị trấn nông thôn Orange của New South Wales.
Công ty Top Gun Australia cho biết, ông Duggan là phi công chính và là Giám đốc điều hành của công ty. Ông cũng là một cựu Thiếu tá trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ và từng phục vụ tại Vịnh Ba Tư trong các hoạt động ở Kuwait. Ông cũng từng phục vụ trong Hải quân Tây Ban Nha.
Ông Duggan được cho là đã có kinh nghiệm lái nhiều loại máy bay quân sự, bao gồm: máy bay phản lực lên thẳng Harrier (AV-8B Harrier “Jump Jet”); máy bay huấn luyện của Hải quân Mỹ T2C Buckeye; máy bay cường kích ném bom A4J “Skyhawk” (Chim Ưng nhà trời); máy bay phản lực huấn luyện tiên tiến Hawk (Chim Ưng) và máy bay chiến đấu phản lực thế hệ thứ tư do Liên Xô thiết kế Mig29.
Bên cạnh đó, ông Duggan cũng là một huấn luyện viên chiến thuật cấp cao được đào tạo về vũ khí và chiến thuật, không chiến, kỹ thuật bay tầm thấp. Đặc biệt, ông từng được ký hợp đồng với tư cách là một nhà hướng dẫn và cố vấn chiến thuật quân sự.
Đài BBC hôm 18/10 đưa tin, Bộ Quốc phòng Anh (MOD) đã ban bố một cảnh báo tình báo sau khi có tới 30 cựu phi công quân sự được cho là đã được chế độ Trung Quốc tuyển dụng để huấn luyện các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân nước này.
Đài BBC cáo buộc rằng, chính phủ Anh đã biết về đợt tuyển dụng nhắm mục tiêu vào các phi công quân sự có kinh nghiệm lái máy bay phản lực như Typhoon, Jaguar, Harrier và Tornado. Theo đó, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực hiện đại hóa quân đội và lực lượng quân sự nước này.
T.P