Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCơn khát thanh khoản trên thị trường tài chính

Cơn khát thanh khoản trên thị trường tài chính

Hiện tượng rút vốn ồ ạt do nhà đầu tư mất niềm tin trên thị trường trái phiếu cùng xu hướng biến động mạnh theo chiều hướng đi xuống của các kênh đầu tư khiến thanh khoản “mất hút” trên thị trường.

Thị trường chứng khoán rớt thê thảm đang khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng.

Căng thanh khoản: Đã có quân bài domino đổ gục

Liên tục trong những ngày đầu tháng 11/2022, không ít công ty chứng khoán đã thông báo bán giải chấp cổ phiếu của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Cổ phiếu do các lãnh đạo sở hữu được sử dụng để đảm bảo cho khoản tín dụng/trái phiếu ở một số doanh nghiệp, hay thường thấy hơn, là khoản vay ký quỹ của chính cá nhân các lãnh đạo. Giá cổ phiếu rơi sâu kích hoạt các lệnh gọi ký quỹ yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, lệnh bán giải chấp…, tiếp tục tạo áp lực cung cổ phiếu trên thị trường.

Chia sẻ tại Talkshow Chọn danh mục do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/11, ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối Phát triển kinh doanh của PVI AM chỉ rõ, việc thị trường cổ phiếu lao dốc, vấn đề giải chấp thường xuyên diễn ra và thị trường bất động sản suy giảm là những tín hiệu cho thấy hiệu ứng domino đã xảy ra trên một phương diện nào đó.

“Hiệu ứng domino rất nghiêm trọng về kinh tế vĩ mô. Các tài sản sụt giảm giá trị sẽ liên quan đến rất nhiều chủ thể, bao gồm cả các ngân hàng, bởi tài sản đảm bảo chủ yếu là các bất động sản”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, khi tài sản giảm giá và nhà đầu tư phải bổ sung tài sản đảm bảo, việc bán ra tài sản sẽ phải chịu mức giá chiết khấu lớn và tìm người mua khó trong điều kiện thị trường thanh khoản kém như hiện tại.

Niềm tin cùng thanh khoản trên thị trường đều sụt giảm nghiêm trọng đang kéo theo dòng tiền bị rút qua các kênh đầu tư. Cùng hiện tượng rút vốn như yêu cầu tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu hay ồ ạt bán chứng chỉ quỹ…, nhà đầu tư còn tránh xa các đợt phát hành trái phiếu mới nhằm cơ cấu lại nợ cũ (đảo nợ).

“Căng” thanh khoản là điều mà thị trường tài chính Việt Nam từng trải qua ở một số giai đoạn. Tuy nhiên, lý giải về hiện tượng thanh khoản sụt giảm trên thị trường vốn hiện tại, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư của IPAAM cho rằng, thanh khoản chưa phải là quá cạn kiệt. Dù vậy, khi kết hợp với một số yếu tố phát sinh trong tháng 10/2022, đặc biệt là vụ việc khởi tố Tập đoàn Đầu tư An Đông, vòng quay tài sản chậm lại, dẫn đến thanh khoản có một cú hẫng.

Vấn đề hiện tại của thị trường vốn là niềm tin của nhà đầu tư đang bị lung lay do những lo ngại về rủi ro mất vốn. Một số quỹ đầu tư lớn và công ty chứng khoán đang nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu khi có hiện tượng rút vốn hoặc bán tài sản của nhà đầu tư cá nhân, nhưng không tổ chức nào, ngay cả ngân hàng, có thể đỡ thanh khoản khi bị rút vốn ồ ạt.

Giải pháp tốt nhất hiện nay, theo đại diện PVI AM, là minh bạch thông tin. Các chủ thể đầu tư trên thị trường, bao gồm nhà đầu tư, tổ chức phát hành, cần ngồi lại, nhìn nhận đúng vấn đề, có thể có các biện pháp giãn kế hoạch thanh toán, tránh việc bán tháo cắt lỗ các tài sản. Hay như ở vai trò đơn vị tư vấn phát hành như VNDirect – công ty mẹ của IPAAM, ông Hoàng cho biết, Công ty đang ưu tiên tăng tính minh bạch của tổ chức phát hành để hỗ trợ nhà đầu tư.

Cơ hội phía sau đỉnh lạm phát

Giai đoạn thanh khoản khó khăn năm 2011-2012 cũng đã cho thấy có cơ hội trong khó khăn. Là người trực tiếp tham gia các thương vụ phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của

Vingroup vào tháng 6/2012, ông Cao Minh Hoàng cho biết, Vingroup có nhu cầu vốn lớn để phát triển quỹ đất trong năm 2011. Còn các nhà tư vấn quốc tế khi ấy cũng rất hào hứng để tiếp cận doanh nghiệp của Việt Nam, lựa chọn doanh nghiệp để gắn bó.

Theo đại diện PVI AM, công ty quản lý quỹ này đang nhận được nhiều đề nghị của doanh nghiệp về hợp tác đầu tư trái phiếu, cổ phiếu. Với khẩu vị rủi ro tương đối chặt, ông Cường cho biết, PVI AM sẽ chọn những doanh nghiệp đầu ngành, có dòng tiền, hoạt động sản xuất – kinh doanh ổn định và đều.

“Đâu đó, chúng ta đã nhìn thấy đỉnh về lãi suất hay đỉnh của lạm phát ở thị trường thế giới và Việt Nam. Chúng tôi đang chuẩn bị một lượng tiền để có thể đầu tư, chớp những cơ hội tốt trên thị trường với các tài sản tốt, định giá tốt cho các danh mục đầu tư trong tương lai”, ông Cường cho hay.

Đại diện Quỹ IPAAM cho rằng, thống kê trong bức tranh dài hạn, đây là thời điểm mà mức định giá về kênh tài sản của Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất trong rất nhiều năm.

Dù vậy, ông Hoàng cũng nhấn mạnh, mức hấp dẫn của thị trường không đồng nghĩa rằng, nhà đầu tư giải ngân ngay lập tức sẽ có mức lợi nhuận thu về cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong dài hạn, mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình có thể đạt được trong giai đoạn yên ả của thị trường.

Với tiềm năng tăng tưởng GDP có thể đạt 6 – 7%/năm trong những năm tới, Giám đốc đầu tư của IPAAM cho rằng, thị trường chứng khoán và kênh trái phiếu có thể kỳ vọng mức sinh lời hai con số.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới