Chính phủ Anh đang nỗ lực ngăn chặn một doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm nhà máy sản xuất vi chip điện tử lớn nhất nước với lý do “lo ngại cho an ninh quốc gia”.
Theo SCMP, Anh đã yêu cầu công ty công nghệ Wingtech của Trung Quốc hủy thương vụ mua lại nhà máy sản xuất chip lớn nhất Newport Wafer Fab với giá 63 triệu bảng Anh (75 triệu euro) vào tháng 7/2021.
Hôm 16/11, Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh Grant Shapps yêu cầu Nexperia, công ty con của Wingtech tại Hà Lan, bán cổ phần trong nhà máy sản xuất chip này.
Nexperia đã hoàn tất thương vụ mua lại Newport Wafer Lab trong năm 2021 và đổi tên nhà máy thành Nexperia Newport Limited (NNL). Ban đầu, Nexperia sở hữu 14% cổ phần của Newport Wafer Fab nhưng đến ngày 5/7/2021 tăng lên 100%.
Tuy nhiên, giờ đây họ bị buộc sẽ phải bán 86% cổ phần trong NNL trong khoảng thời gian xác định và theo một quy trình cụ thể.
Bộ trưởng Shapps tuyên bố, ông nhận thấy rủi ro đối với an ninh quốc gia từ “khả năng tái triển khai các hoạt động bán dẫn hỗn hợp” tại địa điểm này, đề cập đến các chip bán dẫn được sử dụng trong các ứng dụng như xe điện và “khả năng các hoạt động đó làm suy yếu năng lực của Vương quốc Anh”.
“Dù chào đón thương mại và đầu tư nước ngoài hỗ trợ tăng trưởng và việc làm, nếu xác định nơi nào có nguy cơ an ninh quốc gia, nước Anh sẽ hành động dứt khoát”, Bộ trưởng Shapps viết trên Twitter.
Giới quan chức và các nghị sĩ Anh bày tỏ lo ngại Anh đang bán một tài sản giá trị cho công ty Trung Quốc trong thời điểm toàn cầu thiếu hụt linh kiện bán dẫn. Cuộc khủng hoảng dự kiến còn kéo dài ít nhất đến năm 2024.
Trong một tuyên bố gửi qua email, Nexperia cho biết họ “bị sốc” trước quyết định này, không chấp nhận lý do mà London viện dẫn về “những lo ngại về an ninh quốc gia” và sẽ kháng cáo đến cùng.
“Chúng tôi rất sốc. Đây là quyết định sai lầm và chúng tôi sẽ kháng cáo để đảo ngược lệnh thoái vốn nhằm bảo vệ hơn 500 việc làm tại Newport”, Toni Versluijs, Giám đốc quốc gia của Nexperia tại Anh, nói.
Newport Wafer Fab hiện đang vận hành nhà máy sản xuất chip lớn nhất nước Anh, sản xuất khoảng 32.000 silicon wafer mỗi tháng.
Những con chip này được lắp ráp ở châu Á và phần lớn được sử dụng trong các ứng dụng đơn giản như công tắc nguồn, nhiều trong số đó được lắp vào ô-tô. Cơ sở này đã qua tay một loạt chủ sở hữu quốc tế kể từ khi ra đời vào năm 1982 và được Nexperia mua lại vào năm 2021.
Kể từ thỏa thuận được mua lại, Newport chỉ sản xuất chip cho nhu cầu của chủ sở hữu Trung Quốc và cho biết sẽ cần một kế hoạch kinh doanh khả thi để chuẩn bị cơ sở sản xuất chất bán dẫn hỗn hợp bán ra toàn thế giới.
Anh đã mở cuộc điều tra an ninh quốc gia vào thương vụ Nexperia vào đầu năm nay. Đây là vụ tiếp quản thứ hai của Trung Quốc đã bị chặn bởi Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia mới của Vương quốc Anh, có hiệu lực hồi tháng 1.
Trước đó, vào tháng 8, dưới thời Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng, Anh cũng phủ quyết việc mua lại một công ty thiết kế điện tử của một công ty có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc).
T.P