Trung Quốc đang rất hào hứng quảng bá và dùng những lời lẽ hết sức tốt đẹp để nói về Con đường Tơ lụa Xanh mới của họ. Tuy vậy, chúng ta đều biết rằng đất nước Trung Quốc đại diện cho nhiều thứ, nhưng màu xanh không thể là một trong số đó.
Ngày 06/11, Trung Quốc khởi động Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27) năm 2022 tại Sharm El Sheikh (Ai Cập) bằng cách kêu gọi thế giới cung cấp viện trợ cho các nước nghèo hơn. Việc Trung Quốc, quốc gia phát thải tai tiếng nhất thế giới, giảng dạy cho các nhà lãnh đạo toàn cầu về môi trường thật là hành động đạo đức giả. Than ôi, đây là Trung Quốc mà chúng ta đang bàn luận, một đất nước được cai trị bởi một chế độ bạo ngược và vốn luôn xuất sắc trong việc bán những lời nói dối kỳ quặc nhất.
Trong những năm gần đây, nhiều lời nói dối trong số này có liên quan đến các sáng kiến về khí hậu và cam kết làm cho thế giới xanh hơn. Điều này đưa chúng ta đến với nỗ lực mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): một “con đường” mới – bề ngoài được thiết kế để biến thế giới trở thành một nơi sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, hãy nhìn vào bên trong, quý vị sẽ nhận ra rất nhiều vấn đề, trong đó nhiều cái có bản chất chết chóc.
Con đường Tơ lụa Xanh mà Trung Quốc ‘vẽ’ ra
Con người đã đi dọc theo Con đường Tơ lụa của Trung Quốc trong khoảng 1.500 năm. Trải dài 4.000 dặm (6437 km), Con đường Tơ lụa – một mạng lưới các tuyến đường thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi ý tưởng, hàng hóa và thậm chí cả nô lệ giữa phương Đông và phương Tây – đã định hình lại nhân loại. Tua nhanh đến năm 2022, một Con đường Tơ lụa mới đang sắp được triển khai. Giống như người tiền nhiệm của nó, Con đường Tơ lụa 2.0 có khát vọng tái định hình nhân loại.
Đầu năm nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), một cơ quan cấp bộ có liên hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, đã ủng hộ ý tưởng về Con đường Tơ lụa Xanh (Green Silk Road). Trong một tuyên bố, NDRC vạch ra vô số cách thức mà Con đường Tơ lụa mới sẽ giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Để hiểu được cốt lõi vấn đề, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thảo luận về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – một dự án phát triển cơ sở hạ tầng có tính toàn cầu. Theo NDRC, BRI “đã mang lại kết quả ngọt ngào” (điều này không đúng) và “có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới kể từ khi được đưa vào hoạt động” (rất đúng; BRI hiện có 146 thành viên). Giờ đây, ĐCSTQ tin rằng đã đến lúc thêm một thành phần xanh vào BRI, do đó, họ tạo ra “con đường” mới đáng ngờ này.
NDRC đảm bảo với chúng ta rằng ĐCSTQ đang “nỗ lực biến màu xanh trở thành đặc điểm nổi bật của Vành đai và Con đường” và tạo ra “những cơ hội lịch sử chưa từng có cho sự phát triển chung và thịnh vượng chung” cho các nước thành viên.
Trên thực tế, Con đường Tơ lụa mới này đã được hình thành từ rất lâu trước đây. Tháng 05/2017, ĐCSTQ xuất bản “Hướng dẫn thúc đẩy Vành đai và Con đường Xanh”, một tài liệu nêu rõ mong muốn của quốc gia này trong việc thúc đẩy “các hệ thống trao đổi và hợp tác về bảo vệ môi trường sinh thái một cách hiệu quả và thực tế” trong vòng 5 năm. Tháng 04/2019, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tuyên bố ý định khởi động nhiều dự án cơ sở hạ tầng xanh, đầu tư xanh và “cung cấp tài chính xanh để bảo vệ Trái đất, nơi mà tất cả chúng ta gọi là nhà”. Sau một năm kể từ những lời hứa cao cả này, ông Tập tuyên bố rằng đến năm 2060, Trung Quốc sẽ đạt được trung hòa về carbon. Vào cuối thập kỷ này, Trung Quốc hy vọng sẽ có một BRI bền vững hơn.
Con đường Tơ lụa Xanh trên thực tế
Không có gì ngạc nhiên khi Con đường Tơ lụa Xanh có vẻ không chỉ là nỗ lực giảm lượng khí thải carbon. NDRC lưu ý rằng Con đường Tơ lụa Xanh cũng sẽ tập trung vào “sự phát triển các khía cạnh như đối thoại chính sách, hỗ trợ thông tin, điều chỉnh các tiêu chuẩn và trao đổi công nghệ”. Nói cách khác, Con đường Tơ lụa Xanh, giống như BRI, có thể sẽ là con ngựa thành Troy được thiết kế để thúc đẩy mục tiêu thống trị thế giới của Trung Quốc.
Để không suy nghĩ như vậy thì chúng ta cần phải hoàn toàn trừ bỏ tư duy hoài nghi. Đất nước Trung Quốc đại diện cho nhiều thứ, nhưng màu xanh không phải là một trong số đó. Hãy nhớ rằng, Trung Quốc là nước gây ô nhiễm khủng khiếp nhất thế giới. Để có cái nhìn khái quát về tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc, quốc gia này hiện phát thải nhiều carbon hơn cả Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nga cộng lại. Mong đợi Trung Quốc dẫn đầu một cuộc cách mạng về môi trường cũng giống như mong đợi một con chó không sủa. Nó hoàn toàn vô nghĩa.
Như ông John Vidal, nhà môi trường nổi tiếng, đã thảo luận rất chi tiết, một số dự án BRI đang thúc đẩy “các tuyến đường bộ và đường sắt đi qua nhiều khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới”. Ông Vidal trích dẫn nghiên cứu của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới, trong đó cảnh báo về cách thức mà BRI “có thể tác động đến nhiều điểm đa dạng sinh học quan trọng, gây nguy hiểm cho 265 loài đang bị đe dọa như hổ Amur, hạc trắng phương Đông và gấu trúc khổng lồ”.
Ông Vidal – người không hề hào hứng với BRI hay sáng kiến xanh mới của Trung Quốc – cũng thảo luận về thực tế rằng “tuyến đường sắt chủ chốt chạy từ Trung Quốc đến Lào” đã dẫn đến “nạn phá rừng và buộc hàng nghìn gia đình phải di dời”. Trong khi đó, ở Malaysia, các dự án đường bộ và đường sắt “đã cày nát các hệ sinh thái vốn mong manh”.
Nhà sinh vật học William Laurance, Giám đốc của Trung tâm Khoa học Môi trường Nhiệt đới và Bền vững tại Đại học James Cook ở Cairns (Úc), nói với ông Vidal rằng bất kể ông Tập có thể đưa ra lời hứa cao cả như thế nào, “BRI vẫn sẽ có tác động lớn đến hệ sinh thái: Trung Quốc từng nói rằng họ sẽ ít phát thải carbon, họ sẽ xanh và bền vững, nhưng trên thực tế, họ là bất cứ điều gì ngoại trừ điều đó”. Ông Laurance cảnh báo rằng những con đường và những cây cầu mới vẫn sẽ phá hủy rừng; các tuyến đường vận tải khác nhau vẫn sẽ gây tổn hại đến đa dạng sinh học “trên quy mô lớn”. ĐCSTQ tuyên bố “họ sẽ tuân theo các hướng dẫn về môi trường, nhưng lịch sử lại cho thấy những biện pháp bảo vệ mà họ hứa hẹn là không hề tồn tại”.
Trên bề mặt, BRI liên quan đến việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, nó là công cụ để cưỡng chế các nước khác. Với lịch sử của ĐCSTQ, người ta cho rằng Con đường Tơ lụa Xanh, một phần mở rộng của BRI, sẽ chẳng mang lại gì ngoài vô số lời nói dối, nỗi đau chưa kể hết và những hành động tàn bạo hơn nữa. Trò lừa đảo tinh vi, hết sức nguy hiểm này nên được càng nhiều quốc gia tránh xa càng tốt.
T.P