Sau ba ngày một đầu đạn tên lửa rơi xuống một làng phía đông nam Ba Lan, dư luận thế giới, nhất là Nga, Ukraina không ngớt đổ lỗi cho nhau. Mỹ và phương Tây cũng khá dè dặt khi phán quyết chuyện này. Vậy thì ai bắn, ai phải chịu trách nhiệm?
Hôm 15/1, một đầu đạn tên lửa đã bất ngờ rơi xuống một làng ở phía đông nam Ba Lan, gần với biên giới Ukraina, làm hai người dân thiệt mạng. Sự cố nguy hiểm này xảy ra vào thời điểm Nga tiến hành các cuộc tập kích dữ dội vào lãnh thổ Ukraina.
Phương Tây rúng động. Làm sao có thể thản nhiên trước vụ việc tồi tệ và nguy hiểm này, bởi Ba Lan là thành viên của NATO cũng như của Liên hiệp châu Âu. Có điều phản ứng của các nước đều nói nước đôi, đặt ra những dấu hỏi mà không có câu trả lời. Thật là một kiểu “khôn ngoan” trong thời thế giới phẳng.
Chính phủ Ba Lan đã triệu tập họp khẩn cấp nhưng không đưa ra kết luận nào. Vacxava chỉ ra thông cáo: “Đầu đạn do Nga chế tạo đã rơi xuống làng Prezewodow, làm 2 công dân Ba Lan thiệt mạng”. Chính phủ Ba Lan quyết định sẽ mở cuộc điều tra và nâng mức báo động một số đơn vị quân đội.
Lãnh đạo các quốc gia Mỹ, Pháp, Anh đã gọi đến chính phủ Ba Lan bày tỏ sự lo ngại và muốn nắm tình hình cụ thể hơn. Còn lãnh đạo các nước G7 đang có mặt tại Indonesia dự thượng đỉnh G20 đã có cuộc họp khẩn về sự việc tại Ba Lan. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã trao đổi điện thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Một câu hỏi đặt ra: Có phải Nga tấn công Ba Lan? Câu hỏi này không phải không có lý vì Ba Lan là thành viên của Liên hiệp châu Âu và NATO. Từ đầu cuộc xung đột Nga-Ukraina, Ba Lan luôn ủng hộ nước láng giềng chống lại cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, Vacxava không hề có ý định đối đầu quân sự với Matxcơva.
Xin lưu ý rằng, Ba Lan không chỉ được bảo vệ bởi Hiệp ước phòng vệ tập thể của Liên Âu mà còn được bảo vệ bằng Điều 5 của Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương, gồm 30 nước. Do vậy, khi một trong những nước thành viên bị tấn công thì Liên minh phải có trách nhiệm hành động bảo vệ. Như vậy, nếu giả thuyết đó là cuộc tấn công Ba Lan do Nga chủ xướng thì cuộc xung đột tại Ukraina là vô cùng nghiêm trọng.
Ba ngày qua, sau những bất ngờ và những lo ngại ban đầu, chính phủ Ba Lan và các chính phủ các nước phương Tây đã bình tĩnh trở lại. “Ít có khả năng tên lửa bắn đi từ đất Nga” là nhận định của ông Joe Biden. Còn Pháp thì dè dặt hơn: “Phải rất thận trọng” về nguồn gốc tên lửa rơi xuống Ba Lan. Trong một Thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp lưu ý: “Xác định được chủng loại tên lửa chưa hẳn là xác định được tác nhân đã bắn”.
Chỉ có Kiev là cứng rắn hơn cả. Tổng thống Zelensky sôi lên sùng sục. Hôm 16/11, Tổng thống Ukraina nói như đinh đóng cột: tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan “là vũ khí của Nga”. Có thể lính Nga đã bắn tên lửa để người dân Ukraina phải sống trong sợ hãi. Và đây cũng là chiến lược quân đội Nga luôn áp dụng mỗi khi thua trận. Các giới chức Ukraina cũng báo động rằng, các đợt tấn công tương tự ở quy mô lớn sẽ còn tiếp diễn.
Với những lập luận nêu trên, Kiev đòi được quyền tham gia vào cuộc điều tra và tiếp cận các thông tin mà phương Tây thu thập được. Đó là đề nghị của Zelensky, tuy nhiên, để tham gia vào cuộc điều tra, Kiev phải được Ba Lan và Mỹ chấp thuận, bởi NATO thẩm định: tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là thuộc “hệ thống phòng không của Ukraina”.
Ngay “chủ nhà” là Tổng thống Andrzej Duda cũng cho rằng, không đủ bằng chứng để kết luạn đây là “một vụ cố ý tấn công nhắm vào Ba Lan”. Tuy nhận định không phải là một vụ “tấn công nhắm vào Ba Lan”, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng như Thủ tướng Đức và Thủ tướng Ý đều khẳng định: Sự cố tồi tệ vừa qua, “trách nhiệm sau cùng thuộc về Nga”.
Lý do mà các ông nêu ra là, Nga đã ồ ạt bắn tên lửa phá hoại các cơ sở hạ tầng của Ukraina, cho nên buộc Kiev phải tự vệ. Lầu Năm Góc cũng lên án Nga “gieo rắc kinh hoàng” trên lãnh thổ Ukraina.
Bị tấn công tứ phía, Moscow bình tĩnh đáp trả. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, ông không có thông tin về vụ nổ ở Ba Lan. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, không tiến hành vụ không kích nào gần biên giới Ukraina – Ba Lan. Theo đó, các mục tiêu Nga không kích ở Ukraina hôm 15/11 đều cách biên giới Ba Lan ít nhất 35 km. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, các thông tin từ truyền thông và giới chức Ba Lan về vụ tên lửa là “hành động khiêu khích có chủ đích nhằm làm leo thang căng thẳng”.
Sự việc bất ngờ và nguy hiểm này khiến các nhà phân tích đau đầu. Vấn đề không chỉ là một đầu đạn tên lửa rơi xuống một quốc gia đang bình yên. Điều đáng bàn là, ai chính là thủ phạm? Và vụ bắn tên lửa này nhằm mục đích gì? Nếu không trả lời được câu hỏi thì sẽ còn xảy ra những vụ việc tương tự và gây tiền lệ rất xấu trong quan hệ quốc tế. Lò lửa chiến tranh bùng cháy có thể từ một quả đạn!
H.Đ