Mùa xuân năm 1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định mở chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong đó có quần đảo Trường Sa.
Ngày 5 tháng 4 năm 1975, Bộ tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam triển khai kế hoạch thu hồi quần đảo Trường Sa. Các tàu của đoàn vận tải quân sự 125, đoàn 126 đặc công, tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 và tiểu đoàn 407 cùng lực lượng đặc công tỉnh Khánh Hòa được lệnh tiến đến đảo Song Tử Tây. Từ đảo Song Tử Tây các đơn vị nhanh chóng tiến sâu xuống phía Nam tiếp quản các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang và Trường Sa.
Đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai lực lượng quản lý và bảo vệ tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Ngày 9 tháng 9 năm 1975, đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Khí tượng Thế giới tiếp tục đăng ký trạm khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào hệ thống SYNOP của Tổ chức Khí tượng quốc tế với ký hiệu 48.860, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Ngày 24 tháng 9 năm 1975, nhân cuộc viếng thăm Trung Quốc của đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng dẫn đầu, khi thảo luận về vấn đề bất đồng quan điểm giữa hai nước ở Hoàng Sa và Trường Sa, Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “vấn đề tất nhiên sẽ được đưa ra thảo luận trong tương lai”.
Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất thông qua các chính sách đối nội, đối ngoại và quyết định tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa giữa Biển Đông.
Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về vấn đề lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng.
Tuyên bố của Việt Nam một lần nữa tiếp tục khẳng định chủ quyền hiển nhiên của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy lúc đó không có nước nào lên tiếng phản đối, nhưng những năm sau đó việc xâm phạm chủ quyền đối với hai quần đảo này diễn ra phức tạp và ngày càng căng thẳng.
H.B