Không chỉ rao bán tài sản đảm bảo là bất động sản, dây chuyền sản xuất, mà giờ đây, ngân hàng còn rao bán cả “động sản” là vật nuôi, đấu giá cả các khoản nợ vay tiêu dùng cá nhân.
Các tổ chức tín dụng đang nỗ lực xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu tăng, thị trường tài sản đi xuống.
Khoản vay tiêu dùng cá nhân, trang trại gà… cũng được đưa ra đấu giá
Nợ xấu phình to cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khiến nhiều ngân hàng tăng tốc thu hồi, xử lý nợ xấu. Nửa đầu năm nay, thị trường nợ chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá nợ hy hữu.
Ngày 16/11, VietinBank thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ vay tiêu dùng của 321 cá nhân với tổng giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng. Đây là các khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, giá trị đấu giá khởi điểm từ gần 13.000 đồng tới hơn 68 triệu đồng. Khách hàng có thể đăng ký mua một khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả khoản nợ trong số 321 khoản nợ này.
Đây không phải là lần đầu tiên, VietinBank thông báo bán nợ xấu tiêu dùng.
Trước đó, giữa năm 2022, ngân hàng này lần đầu tiên thí điểm bán nợ xấu tiêu dùng. Điều lạ là, lẽ ra phải chiết khấu mạnh với nợ xấu không có tài sản đảm bảo, thì các khoản nợ vay tiêu dùng này được VietinBank chào bán với giá khởi điểm gần bằng giá trị giá sổ sách (gồm nợ gốc, nợ lãi và lãi phạt).
Một hiện tượng chưa từng có tiền lệ nữa là, mới đây, VietinBank rao bán khoản nợ gộp hơn 900 tỷ đồng của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương. Theo đó, tài sản đảm bảo của các công ty này, bao gồm cả đàn gà 3 thế hệ (gà ông bà, bố mẹ, gà con) và trứng gà được mang ra bán đấu giá. Đây có lẽ là lần đầu tiên, tài sản “động sản” được một ngân hàng mang ra bán đấu giá để thu hồi nợ xấu.
Ngoài những câu chuyện thu hồi nợ thật như đùa nói trên, trường hợp phổ biến mà các ngân hàng gặp phải từ đầu năm đến nay là xử lý nợ xấu chậm lại. Nhiều khoản nợ xấu được đấu giá ngót chục lần vẫn chưa tìm được khách mua. Thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản sụt giảm đã tác động rõ rệt đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng.
Đầu tháng 11/2022, Vietcombank thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thiên Tân (bất động sản). Đây là lần thứ bảy, Vietcombank tổ chức đấu giá khoản nợ này. Trước đó, Vietcombank đã nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm giảm hơn 172 tỷ đồng so với thông báo bán đầu giá hồi đầu tháng 11/2021.
BIDV cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Vertical Synergy Vietnam (bất động sản) với giá khởi điểm 348,3 tỷ đồng, tức chỉ tương đương nợ gốc và giảm 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7/2022.
Agribank vừa thông báo bán đấu giá lần 28 khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Trong lần đấu giá mới nhất này, Agribank đưa ra giá khởi điểm chỉ đúng bằng nợ gốc, bỏ qua hơn 356 tỷ đồng tiền lãi…
Thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản thấp kỷ lục, giá bất động sản phát mại vẫn chưa được chiết khấu hấp dẫn… là các yếu tố khiến các ngân hàng khó bán nợ thành công.
Khai thông thị trường mua bán nợ
Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Đơn cử, tại MB, trong 9 tháng đầu năm nay, thu từ các khoản nợ đã xử lý chỉ đạt 1.244 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài lý do thị trường bất động sản không thuận lợi, một trong những lý do chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.
Sau 1 năm ra mắt, Sàn giao dịch nợ xấu vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn (khoảng 770 tỷ đồng). Trong khi đó, website để ngân hàng đăng thông tin bán tài sản đảm bảo nợ xấu cũng chưa được hoàn thiện.
Để thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung nhiều quy định để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Theo NHNN, hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công ty có chức năng mua bán nợ duy nhất do Chính phủ thành lập được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. NHNN nên bổ sung thêm cả Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào đối tượng được áp dụng các cơ chế của Nghị quyết 42/2017/QH14.
NHNN cũng đề nghị mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các cơ chế xử lý tại Nghị quyết 42/2017/QH14 theo hướng cơ chế xử lý nợ xấu áp dụng đối với cả các khoản nợ xấu phát sinh từ thời điểm ngày 15/8/2017 trở về sau (nợ xấu sẽ được xác định theo các quy định hiện hành của NHNN về phân loại nợ và bỏ Phụ lục về xác định nợ xấu kèm theo Nghị quyết 42/2017/QH14).
Ngoài ra, để tổ chức tín dụng yên tâm bán nợ, NHNN đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định thẩm định giá các khoản nợ xấu. Hiện chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ, nên các tổ chức tín dụng lúng túng trong xác định mức giá khởi điểm khi cho mua bán nợ.
T.P