Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển ĐôngQuần Đảo Trường Sa - Đảo Tốc Tan

Quần Đảo Trường Sa – Đảo Tốc Tan

Quần đảo Trường Sa là tập hợp của 135 đảo, bãi đá và rặng san hô lớn nhỏ khác nhau nằm rải rác trên một vùng biển rộng hơn 400.000km2 phần lớn trong số chúng là những bãi đá và rạn san hô với tổng diện tích đất nổi chỉ có 5km2. Chính vì diện tích đất nổi ít ỏi như vậy, nên trong những năm qua các hoạt động nổi hoá các đảo chìm đang được các quốc gia đẩy mạnh trên vùng biển này.

Hình ảnh vệ tinh Đảo Tốc Tan thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong tình thế như vậy thì việc sở hữu một đảo chìm có diện tích thềm san hô lớn là một lợi thế không hề nhỏ cho các quốc gia sử dụng nó và thật may mắn khi Việt Nam chúng ta là quốc gia không chỉ kiểm soát được nhiều đảo nhất mà còn sở hữu được nhiều đảo chìm có diện tích thềm san hộ thuộc dạng lớn nhất nhì tại quần đảo Trường Sa và đứng đầu danh sách này thật tiếc không phải là đảo Thuyền Chài mà là cái tên có phần hơi xa lạ với các bạn đó chính là đảo Tốc Tan một đảo chìm có diện tích lớn thứ hai tại quần đảo Trường Sa.

Vậy đảo Tốc Tan là đảo nào? và nó nằm ở đâu? Vị trí chiến lược của nó ra sao và diện tích của nó lớn tới mức nào?

Đảo Tốc Tan một trong những thực thể xa chiến lược và lớn nhất mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa, đảo Tốc Tan là rạn san hô vòng thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa nằm ở phía Đông Nam của quần đảo Trường Sa nơi tập hợp phần lớn các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát với 11 trên tổng số 21 điểm đảo mà Việt Nam đang đóng quân tập trung tại vùng biển này bao gồm: đảo Đá Lát, Trường Sa lớn, đá Tây, Trường Sa Đông, đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Lữ, An Bang và Thuyền Chài chiếm tới 52% số đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Có thể nói đây là nơi mà Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn nhất trên quần đảo Trường Sa.

Nằm cách đảo Phan Vinh khoảng 27km về phía Đông Nam cách đá Núi Le gần 11km về phía Tây Bắc cách bán đảo Cam Ranh 600km về phía Đông Nam, đá Tốc Tan là một rạn san hô nửa kín có kích thước lớn thứ hai trên quần đảo Trường Sa chỉ sau bãi Thám Hiểm một rạn san hô nửa kín có kích thước lớn nhất trên Biển Đông với diện tích khoảng 203km2 hiện đang bị Malaysia chiếm đóng phi pháp.

Trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đá Tốc Tan là rạn san hô có hình bầu dục với thềm san hộ bị gián đoạn ở phía Tây Bắc hướng 11h và một phần ở phía Đông Nam hướng 5h, thềm san hô này được hình thành bởi sự phun trào của các dãy núi lửa ngầm dưới đáy biển từ hàng triệu năm về trước, dung nham núi lửa phun trào tới mực nước biển thì bị lùi lại tạo thành các thềm san hô.

Chiều dài lớn nhất của thềm san hô đá Tốc Tan là khoảng 19,4km, chiều rộng trung bình đạt xấp xỉ 4,1km. Đá Tốc Tan có tổng diện tích mặt nước lên đến 75km2 tương đương khoảng 7.500ha gấp 1,37 lần đảo Thuyền Chài trong đó thì thềm san hô có diện tích xấp xỉ 30km2 tương đương khoảng 3.000ha tập trung chủ yếu ở phần phía Bắc của đảo, thềm san hô này có địa hình dốc dần theo hướng từ ngoài vào trong có độ sâu trung bình khoảng 0,5m tạo thành một lòng hồ với diện tích lớn lên đến 45km2 tương đương khoảng 4.500ha, với thềm san hô nửa kín diện tích của thềm san hô lớn, vùng biển sâu từ 15 đến 25m đá Tốc Tan được ví như một vịnh Cam Ranh thứ hai của Việt Nam trên Biển Đông. Nơi đây rất thuận tiện để xây dựng các cảng nước sâu cho các tàu có trọng tải lớn vào neo đậu, đặc biệt có thể tận dụng các vị trí thềm san hô bị gián đoạn để làm luồng vào hồ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Bản đồ hành chính đều thể hiện danh từ riêng là “Tốc Tan” còn danh từ chung để mô tả thực thể là “Đá”, về bản chất địa lý đá Tốc Tan không phải là đảo mà là một rạn san hô vòng. Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát đảo đá này như một phần của Thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

Với diện tích lớn như vậy để có thể kiểm soát được toàn bộ rạn san hô đá Tốc Tan. Kể từ năm 1988 công binh Hải quân Việt Nam đã xây dựng trên thềm san hô Tốc Tan ba nhà lâu bền được đặt tên lần lượt là: đảo Tốc Tan A, đảo Tốc Tan B và đảo Tốc Tan C. Trong đó, đảo Tốc Tan A nằm ở phía Đông Nam của rạn san hô, Tốc Tan B thì nằm ở phía Tây Bắc và Tốc Tan C thì nằm ở phía Bắc của rạn san hô cả ba cụm kết cấu này đều giống nhau gồm 2 toà nhà lâu bền hình lục giác được kết nối với nhau bằng cầu bê tông, trong đó thì bao gồm: một toà kết cấu công sự và một nhà văn hoá đa năng.

Hiện nay, trên tất cả các cụm nhà lâu bền của ta tại quần đảo Trường Sa đều đã được trang bị hệ thống điện, bao gồm cả điện gió và điện mặt trời, cùng với đó là các tiện ích khác như: mạng viễn thông, hệ thống truyền hình số vệ tinh, hệ thống thôn tin liên lạc và mới đây nhất là hệ thống Tele Medicine tức giải pháp y tế từ xa hoặc hệ thống chuẩn đoán bệnh từ xa, đều đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của bộ đội ta và bà con ngư dân ngoài đảo. Nước ngọt sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của cán bộ ta trên đảo. Hiện nay thì phần lớn nước ngọt sinh hoạt của bộ đội là nước mưa tích trữ và nước ngọt vận chuyển từ đất liền ra được tích trữ trên các bồn chứa trên đảo. Tuy nhiên, nguồn nước này là không đủ cho việc sinh hoạt một cách thoải mái, vì vậy bộ đội ta phải sử dụng nước ngọt hết sức tiết kiệm, khắc phục khó khăn về nước sinh hoạt, cán bộ chiến sỹ của ta trên đảo đã tăng gia sản xuất trồng được nhiều loại rau xanh, chủ yếu là rau muống, rau cải, mồng tơi và nuôi được cả chó mang từ đất liền ra.

Từ cách đây hơn 500 năm các triều đại Phong Kiến của Việt Nam từ thời chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này đều coi các đảo của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần không thể tách rời của lãnh thổ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư từ năm 1467 vua Lê Thánh Tông đã cho biên soạn bản đồ lãnh thổ Đại Việt. Bộ bản đồ Hồng Đức được hoàn thành vào cuối năm 1469 được bổ sung nhiều lần về sau gồm bản đồ cả nước và bản đồ địa phương, trong đó có vẽ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong các bản đồ thư tịch của Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, quần đảo Trường Sa đều được người Việt đặt tên là Bãi Cát Vàng.

Ngày 22 tháng 2 năm 1988, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã lệnh cho tàu HQ 713 và HQ 07 có nhiệm vụ đóng giữ đá Tốc Tan, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã xây dựng một nhà ở phía Tây đá Tốc Tan hoàn thành vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, trong khi đó công binh Hải quân Việt Nam cũng xây dựng ba nhà có chân trên đá này. Tháng 8 năm 1988, phòng bảo đảm Hàng hải Quân chủng Hải Quân đã thả trong lòng hồ Tốc Tan ba phao buộc tàu dưới mặt nước đường kính 2m, các phao được cố định với đáy bằng rùa bê tông, mỗi rùa nặng khoảng 3 tấn khi thời tiết xấu các tàu có thể neo đậu để tránh gió bão.

Tốc Tan là một rạn san hô không khép kín với một số hạn chế về mặt trú bão. Tuy nhiên nếu xét về phương diện tổng thể thì đá Tốc Tan là một trong những rạn san hô chiến lược và tốt nhất của Việt Nam trên Biển Đông với thềm san hô có diện tích hàng nghìn hecta và lòng hồ rộng, nước sâu Việt Nam hoàn toàn có thể quy hoạch một huyện đảo với hàng nghìn hộ dân tại đây, lòng hồ sâu rất thích hợp cho việc đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản xa bờ, phát triển ngư nghiệp nghề cá và cả dịch vụ du lịch biển đảo tại đây. Rất có thể trong tương lai gần sau khi hoạt động rút nước biển tại đảo Thuyền Chài và Tiên Lữ kết thúc thì nguồn lực sẽ được dồn để rút nước biển tại đá Tốc Tan.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới