Đại dịch Covid-19 vừa qua, người dân trong cả nước đã phải chịu rất nhiều mất mát cả tiền bạc lẫn sức khỏe, có những gia đình trắng tay vì đại dịch nhưng bên cạnh đó có nhiều các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính làm giàu trên nỗi khổ của đồng bào mình sau vụ Việt Á. Bây giờ chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu về vụ án nhận hối lộ tại Bộ Ngoại giao.
XTrước khi vụ nhận hối lộ tại Bộ Ngoại giao được phanh phui, liên quan đến các chuyến bay giải cứu thì có nhiều người đã lên tiếng. Tại sao giá vé máy bay giải cứu lại đắt như vậy, thì trước những ý kiến này đã có nhiều trang báo lên bài để giải thích. Lý do vé máy bay giải cứu đắt hơn vé bay bình thường như sau: vé máy bay giải cứu thì có hai loại: Loại thứ nhất là miễn phí người dân được Nhà nước hỗ trợ vé máy bay và khi về Việt Nam sẽ được cách ly tại căn cứ do quân đội hỗ trợ. Còn loại thứ hai gọi là máy bay combo, tức là vẫn hỗ trợ người dân từ nước ngoài trong đợt dịch nhưng người dân sẽ phải tự trả tiền máy bay và trả tiền cách ly ăn ở khi về nước. Lý giải về việc mua máy bay combo đắt hơn so với ngày thường, báo Tuổi Trẻ có lên bài giải thích rằng trao đổi với báo Tuổi trẻ các hãng bay khẳng định chuyến bay giải cứu là đặc thù, phát sinh nhiều chi phí và những quy định khắt khe về phòng chống dịch nên giá vé bị đội lên nhiều lần. Theo một lãnh đạo của Vietnam Airlines, với những quốc gia cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu, tùy thời điểm các phương án bay phải được các hãng lên kế hoạch rất chặt chẽ, huy động nguồn lực lớn để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch. Chẳng hạn Mỹ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines việc xin phép bay sẽ phải trải qua nhiều khâu thủ tục phức tạp, rồi phải tính toán phương án bay thẳng do không thể quá cảnh sang nước thứ ba. Sau khi tham gia các chuyến bay nhân đạo thì toàn bộ phi hành đoàn sẽ phải ngừng việc tối thiểu 14 ngày để thực hiện cách ly. Mọi chi phí cũng do hãng chi trả, một số máy bay cũng phải ngừng hoạt động, hai đến ba ngày để bảo dưỡng thay màng lọc khử khuẩn và khử trùng toàn bộ trước khi được khai thác trở lại, chưa hết các khoản phí phục vụ mặt đất từ thuê xe cứu hỏa đến nạp nhiên liệu, mua suất ăn uống tại một số sân bay cũng rất cao. Như vậy, với những chi phí liên quan theo bài báo giá vé máy bay cao gấp đôi là chuyện bình thường nhưng sự thật có đơn giản như vậy?
Trên báo Công Thương, TS. Lương Hoài Nam một chuyên gia hàng không cho biết vừa bay từ Mỹ về với giá 170 triệu trước đó lên tới 240 triệu đồng. Trong khi tháng 3, tháng 4 năm 2020 chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ Châu Âu về mất 1.200 USD, từ Mỹ, Canada chỉ 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội. Như vậy, tính ra giá vé đã cao gấp 4 đến 5 lần.
Một bạn đọc trên báo Tuổi trẻ chia sẻ rằng: “Giá vé máy bay cao hơn bình thường gấp 2, 3, 4 lần thì bọn mình vẫn chấp nhận. Nhưng như ở chỗ mình giá hiện tại bây giờ là gấp 10 – 20 lần so với bình thường. Từ Philippines về Việt Nam bình thường chỉ mất 3-4 triệu, cứ cho thêm 20 triệu chi phí cách ly các thứ nữa đi. Ok không vấn đề gì, nhưng bây giờ giá vé hiện tại là 60 – 70 triệu, mà còn càng ngày càng tăng”.
Một độc giả trên VnExpress chia sẻ: “Bác tôi 70 tuổi, bình thường đi từ Mỹ về có 400 USD khoảng 9 triệu đồng, vừa rồi được chuyến bay giải cứu gần 90 triệu đồng, gấp 10 lần thông thường”.
Trên nhiều diễn đàn, mọi người còn chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách lách sang Campuchia, hành khách bay từ Châu Âu về Phompenh chỉ với giá 630 EURO tức khoảng 20 triệu đồng, đi ô tô mất thêm 100 EURO lên cửa khẩu Mộc Bài, sau đó trình hộ chiếu Việt Nam ra chắc chắn sẽ được vào Việt Nam và sau đó phải đi cách ly 1 tuần ở Tây Ninh. Như vậy rẻ hơn được gần 100 triệu so với đi thẳng về Việt Nam. Rõ ràng đội giá gấp 2 – 3 lần thì hợp lý nhưng đội giá từ 5 đến 10 lần thì có vẻ như có gì đó không đúng ở đây.
Sau nhiều ý kiến phản ánh thì cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và lộ ra rằng, rất nhiều cán bộ đã lợi dụng chức quyền của mình thực hiện hành vi sai phạm trong quá trình xét duyệt cho phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Cụ thể Bộ Công An đã khởi tố bà Nguyễn Thị Hương Lan – Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng – Phó Cục trưởng; Lê Tuấn Anh – Chánh văn phòng của Cục và Lưu Tuấn Dũng – Phó Phòng bảo hộ công dân về tội hối lộ và đương nhiên có người nhận thì phải có người đưa. Mở rộng điều tra cơ quan công an tiếp tục khởi tố bà Hoàng Diệu Mơ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Du lịch và Dịch vụ Hàng không An Bình về tội đưa hối lộ, tiếp tục khởi tố bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Tường Vi – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư ATA Việt Nam và Nguyễn Thị Dung Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam cũng về tội đưa hối lộ, vẫn chưa hết vụ việc này còn liên quan đến cán bộ cấp cao là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Trung Kiên, Chuyên viên Vụ trang thiết bị và công trình Bộ y tế Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã bị Bộ Công an khởi tố về tội nhận hối lộ.
Theo Trung Tướng Tô Ân Xô, đây là vụ án phức tạp các đối tượng trong vụ này hoạt động tinh vi, đông người phạm vi rộng khắp cả trong và ngoài nước, tổng cộng đã có đến 2.000 chuyến bay được thực hiện đưa hơn 200.000 người về nước, mỗi chuyến bay có thể thu lợi đến 2 tỷ đồng và 2.000 chuyến như vậy đã thu lời tới 4.000 tỷ đồng, số tiền này chẳng kém gì vụ Việt Á. Trong khi đồng bào đổ mồ hôi nước mắt để lao động ở nước ngoài gửi tiền về cho đất nước, gặp phải đại dịch họ đã không có việc làm, nhiều người phải chấp nhận mất tiền phí đi xuất khẩu khi về lại phải bỏ thêm hàng chục hàng trăm triệu để về nước, tưởng đâu đó là chi phí hóa ra có cả tiền để làm giàu cho một số cán bộ suy thoái biến chất.
Bộ Công an vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra nhưng có nhiều đối tượng tinh vi tìm cách đối phó, che giấu sai phạm khiến việc điều tra gặp khó khăn, rất mong những ai đã bay các chuyến bay có tài liệu, bằng chứng gì hãy gửi cho Bộ Công an để việc điều tra được thuận lợi hơn, phải cho ra ánh sáng những kẻ ăn trên xương máu của đồng bào cả nước.
T.P