Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh Ukraine: Sẽ có đàm phán, nhưng không như chúng ta...

Chiến tranh Ukraine: Sẽ có đàm phán, nhưng không như chúng ta nghĩ

Volodymyr Zelensky vẫn khước từ mọi cuộc nói chuyện với Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể có đàm phán giữa Ukraine và Nga, nhà sử học quân sự Martin van Creveld nói. Theo ông có bốn điều có thể xảy ra.

Về lý thuyết, chiến tranh kết thúc khi một phe tham chiến bị đánh bại, không còn sức chiến đấu, và kẻ chiến thắng có thể làm theo ý mình. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các cuộc chiến tranh đều không có kết cục như vậy. Khi một cuộc chiến sắp kết thúc và không còn nhiều nghi ngờ về kết cuộc của nó, kẻ thua cuộc sẽ nỗ lực để đạt được những điều kiện tốt nhất có thể, trong khi kẻ chiến thắng cũng muốn tiết kiệm sức lực, chi phí và xương máu. Một khả năng khác là xuất hiện tình trạng bế tắc, buộc cả hai bên phải cân nhắc, xem liệu mục tiêu của họ có thực sự đạt được hay không, và tìm kiếm một lối thoát.

Trong hầu hết các trường hợp, việc mở đầu đàm phán được đánh dấu bằng một nghi lễ, có thể lớn hay nhỏ. Khi các cuộc đàm phán diễn ra, chúng có thể được tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp. Đàm phán trực tiếp liên quan đến một cuộc họp, hoặc nhiều khả năng là một loạt các cuộc họp, giữa đại diện của cả hai bên tham chiến; trong các cuộc đàm phán gián tiếp, trung gian đóng một vai trò quan trọng, đôi khi rất quan trọng. Thời Trung cổ, Giáo hội thường đảm nhiệm vai trò này; Ngoại giao con thoi vốn làm cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger trở nên nổi tiếng hồi những năm 1973-1974, khi ông bay qua bay lại giữa Jerusalem, Cairo và Damascus, không phải là phát minh của thời hiện đại.

Một bên trung lập hoặc Liên Hợp Quốc cũng có thể đảm nhận vai trò tương tự. Các cuộc đàm phán có thể được giới hạn trong các bên tham chiến thực sự, nhưng cũng có thể bao gồm các bên khác. Ví dụ, tại Hội nghị Vienna năm 1814-1815, các phái đoàn từ hầu hết các quốc gia châu Âu đã tham gia, tương tự là tại Hội nghị Versailles năm 1919-1920.

Trái ngược với niềm tin phổ biến, đánh và đàm không loại trừ lẫn nhau—trên thực tế, chúng thường xảy ra đồng thời. Một ví dụ điển hình là cuộc Chiến tranh Trăm năm giữa Pháp và Anh. Cuộc chiến bắt đầu vào năm 1337 và kết thúc vào năm 1453. Đó thực sự bao gồm một loạt các cuộc chiến tranh nhỏ, đôi khi đồng thời, đôi khi liên tiếp, với những khoảng hưu chiến giữa chừng.

Trong suốt 116 năm mà cuộc chiến này thực sự diễn ra, có lẽ không có một cuộc chiến nhỏ nào diễn ra mà không có đàm phán hòa bình diễn ra đồng thời- nếu không phải là giữa các bên tham gia chính, tức là các vị vua của cả hai quốc gia, thì cũng giữa các thuộc hạ của họ, những người thường được hưởng các quyền tự do đáng kể trong hệ thống phong kiến ​thịnh hành vào thời điểm đó, vốn có thể hành động theo ý mình. Một vấn đề mà các bên thường đạt được thỏa thuận là trao đổi tù binh – như những gì diễn ra hiện nay sau khi Kherson thất thủ.

Các cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến Chiến tranh Ba mươi năm bắt đầu vào năm 1635 nhưng kéo dài đến tận năm 1648 (nếu chúng ta loại trừ một cuộc chiến có liên quan giữa Pháp và Tây Ban Nha, vốn kéo dài đến năm 1657).

Cuộc đàm phán để chấm dứt Chiến tranh Việt Nam bắt đầu từ năm 1969, kéo dài bốn năm; nội quyết định về hình thù cụ thể của bàn đàm phán, để làm vừa lòng tất cả các bên tham gia (Mỹ, Nam Việt Nam, Việt Cộng và Bắc Việt Nam), cũng đã mất hàng tháng trời.

Chúng ta có thể mong đợi điều gì nếu áp dụng các nguyên tắc trên vào cuộc xung đột Ukraine hiện nay?

Thứ nhất, rất có thể, các cuộc đàm phán lúc đầu sẽ được tiến hành gián tiếp, sau đó trực tiếp. Hiện tại, Volodymyr Zelensky kiên quyết khước từ không đàm phán với các đại diện của Putin chứ đừng nói đến bản thân ông ta. Tuy nhiên, việc Zelensky không ngồi lại với Putin không nhất thiết có nghĩa là bất kỳ hình thức đàm phán nào giữa Ukraine và Nga đều bị loại trừ. Một số dạng trung gian, rất có thể là Liên Hợp Quốc, hoặc một quốc gia như Ấn Độ, nước không tham gia vào cuộc xung đột, có thể được yêu cầu đóng vai trò này. Một khả năng khác là Putin bị chính người dân Nga lật đổ, và những người kế nhiệm ông có thể tỏ ra sẵn sàng đàm phán hơn so với Putin.

Thứ hai, do có nhiều quốc gia NATO và trên thực tế là Putin có ít đồng minh thân cận, rất có thể ông ta sẽ từ chối một hội nghị hòa bình và khăng khăng đòi tiến hành các cuộc đàm phán riêng lẻ. Về hình thức, những người tham gia khác sẽ chính thức bị loại trừ, mặc dù họ có thể tìm mọi cách để tham dự bên lề và thu nhặt được càng nhiều thứ rơi vãi càng tốt.

Thứ ba, các cuộc đàm phán gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong một thời gian dài, có thể là rất dài trước khi đi đến kết thúc. Ít nhất là vài tháng, cũng có thể là nhiều năm. Trong quá trình đó có thể ngưng tiếng súng, hoặc súng vẫn tiếp tục nổ, tuy không liên tục và ở quy mô nhỏ hơn. Một ví dụ về cách vừa đánh vừa đàm này là Chiến tranh Việt Nam.

Thứ tư, nhìn từ Moscow, thì chiến thắng, bất kể hiểu từ này theo nghĩa như thế nào, cũng dường như rất xa vời, thậm chí còn xa hơn so với ngày quân đội Nga phát động cuộc xâm lược cách đây chín tháng. Về phía Ukraine, ngay cả khi tính đến những chiến thắng gần đây của Zelensky, có vẻ như mục tiêu mà ông tuyên bố, là đánh đuổi người Nga ra khỏi tất cả các lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm kể từ năm 2014, là không thực tế. Vì không thể giải quyết vấn đề bằng vũ lực, nên rất có thể cuối cùng hai bên sẽ đi đến một thỏa hiệp nào đó. Một thứ thỏa hiệp mang lại cho Ukraine phần lớn những gì họ muốn, nhưng cho phép Putin tuyên bố đã giành được chiến thắng, ví dụ như một tuyên bố của NATO rằng Ukraine không thể tham gia tổ chức này.

Lời cuối: bài báo ngắn này không dựa trên điều gì khác ngoài lịch sử. Trong quá khứ, lịch sử thường đưa ra những dự báo kém cỏi về tương lai. Nhưng lịch sử lại là tất cả những gì mà chúng ta có để dự đoán tình hình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới