Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Nga có thể xây dựng được thế giới theo cách nhìn...

Liệu Nga có thể xây dựng được thế giới theo cách nhìn của mình

Ngày 24/2/2022, Nga đưa quân vào Ukraine bắt đầu cuộc chiến kéo dài cho đến hiện nay. Các chuyên gia an ninh cho rằng làm như vậy, Nga đã làm đảo lộn khái niệm chủ quyền bên trong biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm như quy định tại Hiệp ước Wesphalia năm 1648 và thay đổi hoàn toàn cục diện thế giới.

Người dân Nga tiến về Quảng trường Đỏ tham dự các sự kiện tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, ngày 30/9/2022.

Châu Âu quay trở lại tình trạng đối đầu giữa hai khối. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì biên giới giữa hai khối đã dịch chuyển sang phía Đông rất nhiều. Nhiều nhà phân tích cho rằng “hoà bình ở châu Âu trở thành quá khứ và lòng tin vào Nga đã hoàn toàn bị phá tan”. Có những nhà quan sát thậm chí cho rằng phải mất hàng chục năm sau xung đột thì châu Âu mới có thể quay trở lại như trước ngày 24/2/2022.

Nếu như các nhà nghiên cứu không hiểu được rõ chính sách đối ngoại của Nga thì trong tháng Chín đã có tài liệu của Nga, diễn văn của ông Putin và những hoạt động đối ngoại của Nga trong những tháng vừa qua đã xua tan mọi mây mù. Đó là tài liệu 34 trang phát hành ngày 5/9 về “chính sách nhân đạo” của Nga và diễn văn ngày 7/9 tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok.

Quan điểm của Nga về thế giới đa cực

Trong diễn văn của mình, ông Putin đã nói rõ: “Thế giới cần phải công bằng hơn, thế giới không nên vận hành dựa trên ý kiến của một nước cứ tưởng mình là đại diện của Chúa Trời trên trái đất, và có lẽ cao hơn là lấy chủ nghĩa biệt lập làm cơ sở chính sách”. Đó là cách nhìn của ông Putin về thế giới đa cực. Ông Putin cho rằng trật tự thế giới hiện tại có lợi cho các nước phương Tây, buộc các nước phải sống theo quy tắc do tự mình đặt ra. “Các nước này lại là những nước thường xuyên vi phạm những quy tắc này, thay đổi quy tắc để phù hợp với chương trình nghị sự phụ thuộc vào diễn biến tình hình vào thời điểm đó”. Đây là những chỉ dẫn cho thấy Nga không chấp nhận trật tự thế giới hiện tại do Mỹ chi phối.

Tuy nhiên theo ông, vai trò chi phối của Mỹ trong kinh tế và chính trị toàn cầu đang đi xuống. Ông nói thêm các nước phương Tây đã phá hoại những cột trụ của hệ thống kinh tế toàn cầu được xây dựng qua hàng thế kỷ.

Ông Putin cáo buộc châu Âu vứt bỏ những thành tựu của mình trong xây dựng năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân và ổn định kinh tế – xã hội, giảm tiềm năng của mình vì “đoàn kết châu Âu – Đại Tây Dương”. Ông coi những điều này là “hy sinh để duy trì vai trò thống trị của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu”. Ông cảnh báo lợi thế hiện tại của những nước châu Âu cả ở châu Âu và trên thị trường thế giới sẽ bị giới chủ Mỹ lấy mất.

Theo diễn văn của ông Putin, hệ thống quan hệ quốc tế đang trải qua “những chuyển đổi mạnh mẽ, không đảo ngược được”. “Các nước và khu vực mới nổi trên thế giới đang đóng vai trò lớn hơn về chất”.

Rõ ràng đây là những dấu hiệu cho thấy Nga không chấp nhận trật tự thế giới hiện tại do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Hay nói một cách khác, Nga cho rằng thế giới phải đa cực. Điều này cũng được nêu ra rõ ràng trong diễn văn của Tổng thống Putin, đó là “phân cực đang xảy ra ở thế giới”. Điều này có nghĩa là một thế giới đa cực đang hình thành, dần thay thế thế giới hiện tại do Mỹ dẫn dắt.

Quan điểm của Nga được Trung Quốc ủng hộ với phát biểu của Dương Khiết Trì, uỷ viên Quốc vụ Viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại ngày 12/9 là Bắc Kinh đang làm việc với Moscow để thiết lập một trật tự thế giới “công bằng và hợp lý hơn”. Đây là một chủ đề quan trọng của cuộc gặp giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình tại Uzbekistan ngày 15/9/2022.

Chính sách của Nga

Quan điểm của Nga đã được cụ thể hoá trong tài liệu “chính sách nhân đạo”. Tài liệu nói rõ Nga sẽ “bảo vệ, gìn giữ và thúc đẩy truyền thống và lý tưởng của Thế giới Nga”. “Thế giới Nga” là học thuyết chính sách đối ngoại được Nga sử dụng để biện minh cho hành động can thiệp của mình ở nước ngoài để “bảo vệ” người Nga sống ở nước ngoài. Tài liệu còn nói rõ thêm là “Liên bang Nga ủng hộ đồng bào mình sống ở nước ngoài để thực hiện quyền của họ, bảo đảm quyền lợi của họ và duy trì duy trì bản sắc văn hoá Nga”. Theo cách nhìn của Nga, quan hệ của Nga với người Nga sống ở nước ngoài tạo điều kiện cho Nga “nâng cao hình ảnh của mình là một nước dân chủ đang phấn đấu xây dựng một thế giới đa cực”. Đây cũng là cách lập luận của một số người Nga để bảo vệ mình trước hành động chiếm đóng Crimea của Ukraine và ủng hộ tỉnh Donetsk và Lugansk ở phía Đông Ukraine.

Cũng theo tài liệu này, Nga cần phải ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước Slav (Ba Lan, Cộng hoà Séc, Slovakia, Belarus, Ukraine, Slovenia, Croatia, Bosnia và Hercegovina, Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia và Bulgaria). Đây là các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và nằm trong khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Đây là luận thuyết “Thế giới Nga” với trung tâm chính trị chung là Moscow, trung tâm tâm linh chung là Kyiv, ngôn ngữ chung là tiếng Nga, tôn giáo chung là Chính Giáo Nga.

Tiếp đến là Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tích cực mua dầu và khí của Nga bất chấp những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Cuối cùng là các khu vực như Trung Đông, Mỹ La tinh và châu Phi. Ở gần mình hơn, Nga cần làm sâu quan hệ với Abkhazia và Ossetia, hai khu vực của Grudzia được công nhận độc lập từ năm 2008.

Chắc chắn người đọc sẽ hỏi tại sao tài liệu này chưa nói đến châu Á? Liệu châu Á có còn quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga không? Câu trả lời đã đến hai ngày sau khi Putin đọc diễn văn tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông.

Diễn văn tại hội nghị nêu rõ: “Các nước châu Á – Thái Bình Dương là trung tâm tăng trưởng công nghệ và kinh tế, thu hút nguồn nhân lực, vốn và sản xuất”. Ông Putin tỏ lòng mong muốn cải thiện quan hệ với các nước châu Á – Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong công cuộc phát triển vùng Viễn Đông của Nga.

Hiện thực hoá quan điểm của Nga

Trong năm 2022, Nga đã tiến hành một loạt hoạt động ngoại giao, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và Trung Cận Đông để hiện thực hoá quan điểm của mình với thế giới.

Từ trước đến nay Nga vẫn là đối tác tự nhiên của Ấn Độ. Tuy nhiên dù có những cố gắng, quan hệ hai nước đã không cải thiện trừ lĩnh vực thương mại. Trước chiến tranh, Ấn Độ mua rất ít dầu của Nga. Đến tháng Tư, khối lượng dầu Ấn Độ mua của Nga là 380.000 thùng mỗi ngày và đến tháng Sáu con số đã lên một triệu thùng mỗi ngày.

Trong lĩnh vực quân sự, nhiều nhà quan sát đã thấy có những thay đổi. Tuy Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ trong thập kỷ qua, tỷ phần của Nga trong tổng vũ khí Ấn Độ mua chỉ còn gần một nửa. Ấn Độ đã và đang chuyển hướng mua vũ khí của Pháp và Mỹ.

Về mặt ngoại giao, cho dù Nga có cố gắng thuyết phục, Ấn Độ cũng đã có bước chuyển. Nếu như năm 2014, Ấn Độ cho rằng Nga có lợi ích ở Crimea thì đến nay Ấn Độ đã chỉ trích Nga. Ấn Độ cho rằng “sẽ không có bên thắng trong cuộc chiến và tất cả mọi người đều phải chịu khổ”. Tại Azerbaijan gần đây, Thủ tướng Ấn Độ công khai tuyên bố: “Hiện nay không phải là thời đại chiến tranh”. Tuy Ngoại trưởng Nga Lavrov thăm Ấn Độ tháng Tư và Thủ tướng Ấn Độ đã điện đàm với ông Putin tháng Bảy, các hoạt động của Ấn Độ với phương Tây có tần số cao hơn và quan trọng hơn. Nhiều nhà quan sát cho rằng có nhiều dấu hiệu Ấn Độ đã sẵn sàng chọn bên, thiên về phía Mỹ và phương Tây.

Trong hai tháng Bảy và Tám, Ngoại trưởng Nga đã thăm Ai Cập, Ethiopia, Uganda, Cộng hoà Công-gô, Việt Nam, Myanmar và Căm-pu-chia giữa cuộc xung đột Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Đây là những chuyến đi cho thấy sự chuyển hướng chính sách đối ngoại của Nga từ châu Âu đến châu Á và châu Phi. Trong lịch sử, Ai Cập và Nga có quan hệ rất tốt trong nhiều lĩnh vực. Ai Cập nhập 70% lúa mỳ từ Nga và Nga bán cho Ai Cập máy bay SU 35. Trong xung đột Nga – Ukraine, Ai Cập tìm cách giữ cân bằng lên án hành động của Nga nhưng bỏ phiếu trắng khi Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết buộc Nga phải rút quân.

Trong chuyến đi của mình, Lavrov đã đề cao cách đề cập “giải pháp châu Phi cho vấn đề châu Phi”. Ngoại trưởng Nga đã gặp các đại diện thường trực của các nước thành viên tại Liên minh châu Phi. Ngoại trưởng Lavrov đã thăm Ethiopia, đồng minh cốt lõi của Nga. Chuyến đi của Ngoại trưởng Nga Lavrov đến Uganda là chuyến thăm chính thức cao nhất của Nga đến nước này kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1964. Uganda cũng là một trong vài nước châu Phi đã bỏ phiếu trắng khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lên án Nga tháng Ba vừa qua. Với Công-gô, hai nước đã có quan hệ tốt đẹp từ lâu. Trong các cuộc gặp gỡ của mình, ông Lavrov đã nhắc lại quá trình thực dân hoá châu Phi của các nước phương Tây và hứa hẹn cải thiện quan hệ song phương dựa trên “lòng tin, bình đẳng và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ”.

Với Trung Đông có tầm quan trọng đặc biệt trong việc cung cấp dầu mỏ cho châu Âu, Nga cũng đã có nhiều bước đi quan trọng. Ngay sau khi xung đột xảy ra, Ngoại trưởng Nga đã thăm UAE, Ả-rập Xê-út và Qatar cho dù trước đó đã có nhiều nghi ngờ trong quan hệ của các nước này với Nga. Tháng Năm, Ngoại trưởng Nga đọc diễn văn tại Hội nghị cấp cao Hội đồng hợp tác vùng Vịnh. Những hoạt động này là để thực hiện “Chiến lược an ninh tập thể” của Nga được đưa ra năm 2020. Chiến lược này dự kiến sẽ có sự tham gia của Iran và Iraq vào một cơ chế tập thể nhằm đáp ứng với những thách thức và mối đe doạ chung. Đây là một phần của cố gắng của Nga nhằm tập hợp lực lượng để chống lại Mỹ và các nước phương Tây.

Đặc biệt đáng chú ý là quan hệ được cải thiện nhiều trong thời gian qua giữa Nga và Iran. Hai nước đều mong muốn “vô hiệu hoá” những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Do vậy, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã trở thành cơ hội cho hai nước mở rộng quan hệ. Ngay từ đầu cuộc chiến, Iran đã tuyên bố rằng Nga có “lo ngại an ninh chính đáng trước hành động của Mỹ và NATO”. Lãnh tụ tinh thần Iran Ayatollah Khamenei đã công khai ủng hộ Nga khi nói rằng: “Nếu Nga không chủ động (tấn công), thì phía bên kia cũng sẽ chủ động và gây ra chiến tranh”.

Nga đã tích cực cải thiện quan hệ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và quân sự. Hai bên thoả thuận thay thế hệ thống thanh toán SWIFT bằng hệ thống thông tin tài chính nội địa. Điều này đã làm tăng nhanh thương mại hai chiều dự kiến đạt 40 tỷ trong năm 2022 so với 4 tỷ trong năm 2021. Có những thông tin cho rằng hai bên cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác sang lĩnh vực quân sự. Mỹ cho rằng Iran đã sẵn sàng chuyển hàng trăm máy bay không người lái cho Nga. Nga rõ ràng đã tận dụng được điểm đồng giữa mình và Iran để thúc đẩy quan hệ.

Ở Mỹ La tinh, Nga đã có những hành động cho thấy năng lực cũng như mục tiêu của mình tiến hành các hoạt động quân sự và chiến lược chống Mỹ và đồng minh ở Tây Bán cầu. Điều này được thể hiện qua đề nghị của Thứ trưởng Ngoại giao Nga ông Sergey Ryabkov tháng Một vừa qua về triển khai lực lượng quân sự ở Mỹ La Tinh, hay việc Phó Thủ tướng Nga ký hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự với Venezuela và hiệp ước cho phép quân Nga đến Nicaragua để tập trận… Trong thời gian gần đây, Nga cũng đã đưa quân và trang thiết bị quân sự vào Venezuela. Những hành động này không ngoài mục đích là đe doạ Mỹ và để cân bằng lại vị thế của Nga trong cuộc xung đột Ukraine.

Chuyển hướng chính sách đối ngoại này được xây dựng trên quan hệ tốt với các nước đối tác truyền thống như Ai Cập và Ethiopia và tăng cường các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên đoàn Ả-rập, Liên minh châu Phi… Những hoạt động ngoại giao của Nga chứng minh cho thế giới thấy rằng Nga vẫn còn có nhiều đối tác, trong một số trường hợp là bạn bè ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Đồng thời chuyến đi còn là hiện thực hoá những ưu tiên của chính sách đối ngoại của Nga như thể hiện trong tài liệu “Chính sách nhân đạo” và diễn văn của Tổng thống Putin tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông.

Vai trò của Trung Quốc

Ngay trước xung đột Ukraine, Nga và Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ cấp cao, khẳng định hai bên là đối tác “không giới hạn”. Trên thực tế, quan hệ hai bên vấn có giới hạn khi Trung Quốc không hoàn toàn công khai ủng hộ Nga trong xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Trung Quốc lại hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Nga về một thế giới đa cực đang dần thay thế trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Điều này dẫn đến phát biểu của Putin tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 15/9 là “tôi hiểu được những nghi ngại và lo lắng (của Trung Quốc)”. Nga cũng đã công khai ủng hộ Trung Quốc khi Lavrov phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cho rằng Mỹ đang “chơi với lửa trong vấn đề Đài Loan”.

Quan hệ hai nước đã gần gũi hơn nhiều sau khi Mỹ và các nước phương Tây tiến hành trừng phạt Nga. Khi Nga ráo riết tìm kiếm thị trường mới, Trung Quốc lại ở thời điểm tích cực tìm hàng hoá giá rẻ. Chỉ tính trong tháng Tám vừa qua thì, hàng hoá của Nga chủ yếu là dầu khí đã tăng manh lên đến 60% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 11,2 tỷ đô la trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga cũng tăng 26%, lên 8 tỷ đô la. Trung Quốc đã phần nào giúp Nga tránh được những tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt.

Hai nước đã tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng. Nga và Trung Quốc cùng nhiều nước khác đã tiến hành tập trận chung (Vostok 2022) ở vùng Viễn Đông của Nga và Biển Hoa Đông từ 31/8 đến 7/9.

Nhiều người cho rằng Nga đang muốn quay trở lại trở thành đế chế như những năm cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19. Khi đó, đế chế Nga cạnh tranh với đế chế Thuỵ Điển, Khối Thịnh vượng chung Ba Lan – Litva, Đế chế Ottoman và nhà Thanh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những người khác lại chỉ ra rằng Đế chế Áo – Hungary và Đế chế Ottoman bị sụp đổ sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Anh Pháp đã phải từ bỏ đế chế của mình sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong bối cảnh xung đột kéo dài ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt nặng nề của Mỹ và phương Tây và biết bao khó khăn kinh tế – xã hội, kết quả của những hành động trên, Nga khó có thể đạt được tham vọng của mình về một thế giới đa cực “công bằng và hợp lý hơn”. Với những nỗ lực trong thời gian vừa qua, Nga đã thành công trong việc thiết lập quan hệ hợp tác với các nước đang phát triển. Các nước này coi Nga là biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống áp bức của chủ nghĩa đế quốc, là chỗ dựa về kinh tế và an ninh. Họ đã từ chối chỉ trích và tích cực ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine, không tham gia trừng phạt Nga. Đặc biệt, hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành thị trường lớn của Nga, giúp cho Nga tránh được thế cô lập do Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, thành công trong nỗ lực của Nga còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây cũng như kết cục của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới