Thursday, December 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNgười Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất: 50.000 tân...

Người Việt Nam trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất: 50.000 tân binh trong ngành công nghiệp chiến tranh của Pháp

Cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất đã đưa đến cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa công dân Pháp và người dân thuộc địa ngay trên đất Pháp.

Công nhân Việt Nam trong một nhà máy sản xuất vũ khí của Pháp.

Khoảng 90.000 người Việt Nam đã buộc phải nhập ngũ và được đưa sang Pháp. 50.000 người trong số họ được gửi về làm việc tại các nhà máy sản xuất thuốc súng ở hậu phương. Như Michel Goya đã viết: “Năm 1916 đánh dấu một sự đoạn tuyệt, một bước ngoặt, một sự chuyển đổi quan trọng từ chiến tranh cổ điển sang chiến tranh hiện đại”. 900.000 công nhân thuộc địa hay còn được gọi là công nhân “ngoại lai” đã bị đưa sang Pháp bằng vũ lực từ Đông Dương, Algeria, Ấn Độ và Trung Quốc, để phục vụ cho các yêu cầu kinh tế của cuộc động viên công nghiệp khẩn cấp. Việc thuê mướn lực lượng lao động thiếu kỹ năng được mở rộng trên khắp thế giới, bất chấp đường biên giới của các đế chế thực dân. Xét trên bình diện chính trị, kinh tế và quân sự, lịch sử mối quan hệ giữa những người bị đô hộ và kẻ đi đô hộ hầu như bỏ qua việc di dân bên trong các đế chế do thực dân áp đặt. Cuộc chiến tranh đã tạo ra một thời điểm quyết định trong cuộc di dân của người Việt Nam, mà hầu như chưa bắt đầu vào năm 1910, buộc hàng ngàn nông dân ở miền Bắc Việt Nam phải đi đày ải tha hương để sang làm việc trong ngành công nghiệp chiến tranh mới của Pháp.

Năm 1916, dưới áp lực phải đáp ứng các nhu cầu về công nhân và binh lính, Pháp đã sửa lại dự án Quân đội Da vàng do tướng Pennequin (1849 – 1916) – khi đó là một chỉ huy cấp cao của Quân đội Đông Dương – đề xuất năm 1912, và lấy đó làm cái cớ cho việc tuyển dụng. Từ năm 1911, Pennequin đã nhận thức rất rõ về sự phát triển của xã hội Việt Nam, vốn bị chao đảo bởi công cuộc thực dân hóa và sự xuất hiện của một tầng lớp tư sản hiện đại. Ông ta kêu gọi phi thực dân hóa nhanh chóng và đề xuất thành lập một quân đội quốc gia, với các sĩ quan bản xứ, như một cấu trúc hiện đại đầu tiên của các nước bị đô hộ và là một động cơ tiềm năng để các nước này giành độc lập và xây dựng quốc gia. Do đi trước so với chủ nghĩa đế quốc mà sau này mới xuất hiện và buộc Pháp phải thay đổi triệt để chính sách thuộc địa của mình, dự án này đã vấp phải sự phản đối và do đó bị bỏ dở.

Quyết định tuyển mộ ở Đông Dương, nơi được coi là một kho nhân lực khổng lồ, được đưa ra ngay sau sắc lệnh tháng 10/1915 về việc tuyển mộ binh lính ở Tây Phi thuộc Pháp, do Tướng Mangin hậu thuẫn. Kế hoạch tuyển dụng được lấy cảm hứng từ cuộc tìm kiếm nhân lực được Thứ trưởng Bộ Pháo binh và Đạn dược Pháp Albert Thomas (1878 – 1932), nhà lãnh đạo của phong trào huy động công nghiệp, đưa ra vào năm 1915. Điều này đã gây ra sự phản đối ngay lập tức của Tổng Liên đoàn Lao động CGT của Pháp, vốn tuyên bố có quyền kiểm soát quốc tế đối với dòng chảy của lực lượng lao động, nhưng vai trò bị ảnh hưởng do địa vị của các thuộc địa, bị tước bỏ tất cả các quyền tự do cơ bản và không có các đại diện công đoàn, những người có thể yêu cầu tôn trọng việc đối xử bình đẳng, như đối với công nhân Pháp.

Thật kỳ lạ, Albert Thomas đã tìm thấy một đồng minh bất ngờ là nhà lãnh đạo cải cách yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh cho rằng việc tuyển mộ mang đến cho giới tinh hoa hiện đại của đất nước ông cơ hội được “du hành sang Pháp” (Tây Du) và có thể đạt được cột mốc đầu tiên của việc hiện đại hóa Đông Dương, một điều kiện tiên quyết để giành độc lập. Ông hy vọng rằng Pháp sẽ đồng ý phi thuộc địa hóa sau chiến tranh để ghi nhận sự hy sinh của những người Việt Nam đã góp phần vào cuộc vận động công nghiệp.

Sau thất bại của đợt tuyển mộ ngẫu hứng đầu tiên vào tháng 3/1916, Albert Sarraut quay lại giữ chức Toàn quyền Liên bang Đông Dương vào năm 1917 và đã tuyển mộ được số lượng lao động cần thiết từ những người nông dân nghèo ở Bắc Kỳ và phía bắc Trung Kỳ. Nhóm này cung cấp tới hơn 80% tổng số, và ở một số tỉnh nhất định, khoảng 15-20% trong số họ đang ở độ tuổi từ 20 đến 30. Việc tuyển dụng ở phía Nam thất bại là do người dân phản đối mạnh mẽ hơn, nhưng cũng do chính quyền từ chối sử dụng các mạng lưới lao động truyền thống ở Campuchia. Ở Nam Kỳ, những ảnh hưởng của Trung Hoa đối với người dân cũng không lâu đời bằng phía bắc. Mặt khác, ở phía bắc, các cuộc tuyển mộ ở làng quê đều do quan lại và những người có tiếng tăm ở địa phương thực hiện; họ có sẵn nguồn nhân lực vốn đảm nhận các công việc duy tu đường xá và đê điều, nên có thể tìm kiếm những người “tình nguyện” trong số đó.

Việc tuyển dụng những nông dân nghèo này hầu như hoàn toàn dựa vào sự hợp tác với chính quyền bản xứ, cho thấy “công cuộc thực dân hóa mập mờ” khi chính những người dân thuộc địa tham gia vào hệ thống áp bức họ. Các quan chức ở Pháp chuyên trách việc kiểm duyệt thư từ của những người đồng hương đã chứng thực sự đồng ý của những người dân thuộc địa trong hiệp ước phục tùng thực dân. Nghiên cứu về các cuộc tuyển mộ cũng nhấn mạnh rằng các cấu trúc tồn tại trước quá trình thuộc địa hóa – chính quyền thị trấn và bản xứ ở cấp địa phương – phần lớn không bị ảnh hưởng trong thời kỳ này, vì chính quyền Pháp còn tương đối nhỏ, thích tận dụng các phương thức cưỡng chế được sử dụng trong nội bộ Việt Nam để đạt được lợi ích của mình.

Tại Pháp, làm việc trong các nhà máy phục vụ chiến tranh, người Việt Nam còn vấp thêm phải sự xa lạ do việc áp dụng thử nghiệm Lý thuyết quản lí khoa học của Ferderick Taylor (Taylorism). Những khám phá mang tính thử nghiệm về thế giới công nghiệp lại càng nhiều hơn do những tác động lạ lẫm từ quá trình hòa nhập văn hóa cưỡng bức. Việc thành lập ban “Tổng kiểm soát”, chuyên giám sát công nhân và lính bộ binh Đông Dương, một ủy ban kiểm duyệt thư từ riêng và một mạng lưới hiệp hội, cấu trúc cuộc sống hàng ngày, tất cả được dàn dựng vì các lợi ích của thực dân, khiến công nhân Việt Nam bị theo dõi nhiều nhất trong tất cả các nhóm dân thuộc địa.

Việc quân sự hóa công nhân thuộc địa là nhằm chính thức trao cho họ địa vị như công nhân Pháp. Đó là một cách để đưa Lý thuyết quản lý khoa học Taylorism quay trở lại, sau khi nó bị loại bỏ năm 1913 do sự phản kháng mạnh mẽ từ ngành công nghiệp ô tô. Ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế chiến tranh, Albert Thomas đã trở thành nhà cung cấp nguồn nhân lực dễ bảo và được trả lương bèo bọt, được đưa đi khắp nơi trên thế giới. Người Việt Nam – chủ yếu được đưa vào các nhà máy sản xuất vũ khí ở Ripault, Bourges hoặc Toulouse, chiếm tới 50% lực lượng lao động vào năm 1917 – được sử dụng để phát triển các phương pháp kiểm soát và đàn áp công nhân nhập cư, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế của các nước phương Tây. Việc bóc lột kinh tế người dân thuộc địa, những người không có tay nghề, bị giao những công việc nặng nề nhất, và hơn nữa buộc phải tăng hiệu suất thông qua tiền thưởng trả cho dây chuyền sản xuất, đặc trưng cho sự phân công lao động và phân cấp chủng tộc về kỹ năng, thể hiện sự cấu kết lợi ích giữa nhà nước Pháp và giới chủ ủng hộ chiến tranh. Các hệ thống này tiếp tục tồn tại trong suốt thế kỷ 20 với nguồn nhân lực từ các lao động nhập cư, kế thừa lứa nhân lực thuộc địa đầu tiên trong chiến tranh này. Việc sử dụng công nhân thuộc địa đóng một vai trò quyết định trong việc họ bị công nhân Pháp từ chối. Hai trào lưu đối lập, đa số và thiểu số, trong Liên đoàn Lao động Pháp CGT tuy có quan điểm khác nhau về việc kiểm soát dòng lao động “ngoại lai”, nhưng trên thực tế lại đồng thuận với nhau về việc không giáo dục những người hình thành nên nguồn nhân lực “vô tổ chức và không thể tổ chức” này.

Trong bối cảnh này, mỗi cá nhân Việt Nam phải trải qua những tổn thương khác nhau về các mặt thể chất, tinh thần và văn hóa, nhưng sự thiếu vắng các phản ứng đa dạng phản đối công việc sản xuất dây chuyền – chủ yếu chỉ là phản ứng cá nhân và bệnh lý – đã chứng tỏ mức độ sâu sắc của cú sốc. Tỷ lệ mắc bệnh cao, suy kiệt nhanh và dễ bị tai nạn là những ảnh hưởng điều kiện lao động gây ra, đặc trưng cho sự thích nghi của họ với quy trình công nghiệp, nơi mà các hình thức phản kháng hiếm khi bao gồm một thỏa thuận tập thể về việc đình công hoặc giảm tốc độ làm việc. Năng suất của họ là chủ đề của các đánh giá trái ngược nhau: mặc dù các ông chủ và người giám sát coi họ là những người linh hoạt và có kỷ luật, nhưng lại định kiến ​​về chủng tộc đối với người Việt Nam và so sánh họ với lực lượng lao động gần như “phụ nữ”, và do dự trong việc gia hạn việc làm vào giai đoạn cuối của cuộc chiến. Về phần mình, để giữ niềm tin đối với đại đa số các thành viên, Liên đoàn Lao động Pháp CGT đã không coi các công nhân thuộc địa là những người lao động thực sự. Chỉ được coi là một trong nhiều lựa chọn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, họ bị các cơ quan công đoàn từ chối cho tham gia các phong trào công nhân với lý do “bảo vệ an ninh quốc gia”, và cũng bị các công nhân Pháp từ chối để “giữ việc làm cho nước mình”. Việc đại đa số xã hội Pháp, từ công nhân cho tới người dân ở các thị trấn có trại lính thợ, từ chối những công nhân thuộc địa cho thấy người Pháp đã thiếu hiểu biết như thế nào về chủ nghĩa thực dân, và hơn thế nữa, cho thấy họ phân biệt chủng tộc tới mức độ nào; điều này đã được thể hiện một cách dữ dội vào năm 1917. Sự chối bỏ này sau đó sẽ kích động cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và hướng tới chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Dân tộc.

Các chiến lược giám sát cuộc sống hàng ngày càng làm gia tăng sự cô lập của cuộc sống trong các nhà máy. Các chương trình xóa mù chữ và các hoạt động giải trí có tổ chức đã được tổ chức Alliance Française và các ủy ban hỗ trợ xây dựng nên, giảm nhẹ phần nào cách tiếp cận gia trưởng đối với “nhóm dân số giống trẻ em”. Các khu trại bị biến thành những thế giới khép kín nhằm mục đích tránh “những sự đồi bại từ bên ngoài” (phụ nữ, bài bạc, rượu chè), vốn là những mối quan tâm chính trong các báo cáo chính thức. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ sự hòa nhập văn hóa triệt để này đã biến mất trong sự tiếp xúc hàng ngày với các nữ công nhân Pháp trong các nhà máy. Việc cùng nhau học hỏi phương thức tổ chức công nghiệp mới đã đưa những người lao động thuộc địa này đến với nhau, vượt ra ngoài những bức tường của nhà máy. Việc họ phát hiện ra một xã hội da trắng đa dạng hơn nhiều so với ở thuộc địa – dẫn tới ngày càng nhiều mối quan hệ yêu đương, và sự ra đời của những đứa trẻ đa chủng tộc (Việt Nam và Pháp), đã cho phép công nhân thuộc địa tố cáo mối quan hệ xã hội giữa thực dân và dân thuộc địa, vốn không cho phép quan hệ tình dục giữa một người đàn ông da trắng và một phụ nữ Việt Nam. Việc đảo ngược độc quyền tình dục của phương Tây, điều không thể đạt được ở Đông Dương, hơn cả việc phát hiện ra thế giới công nghiệp, đã khiến họ tranh cãi về hệ thống thuộc địa. Điều này được chuyển tải trong những bức thư do công nhân viết, và cả trong những bức thư của những người phiên dịch và sĩ quan cấp dưới, trong đó xã hội Pháp bị chỉ trích gay gắt. Những lá thư này cũng kể lại những sự bóc lột mà họ đã phải chịu đựng.

Sau chiến tranh, việc từ chối sự kiểm soát của thực dân đã gây ra tình trạng bất ổn xã hội học ở các làng quê Việt Nam. Những người từ Pháp trở về bắt đầu cạnh tranh quyền lực với chính quyền địa phương nằm dưới quyền thực dân, và dẫn đến việc họ tham gia vào cuộc nổi dậy của nông dân vào những năm 1930. Khoảng 100 người được quyền ở lại Pháp còn thể hiện tư tưởng cách mạng triệt để hơn và trở thành những người đi đầu cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân tại Pháp. Nước Pháp, vốn cố tình bác bỏ chủ nghĩa cải cách, mà Phan Châu Trinh là một hiện thân, vẫn tiếp tục đàn áp bằng cách thay đổi cơ cấu kiểm soát trong các cơ quan cảnh sát chính trị, với chi nhánh kéo dài sang tận Đông Dương. Pháp chỉ đồng ý với những cải cách tối thiểu đối với hệ thống giáo dục và không kết nối người Việt Nam với việc quản trị đất nước mình, đẩy nhanh quá trình vô sản hóa nông dân Việt Nam, và ngăn chặn sự xuất hiện của một tầng lớp tinh hoa Âu hóa và một giai cấp tư sản có thể hiện đại hóa đất nước. Về phương diện này, Chiến tranh Thế giới Thứ nhất là một cơ hội mà Việt Nam đã bỏ lỡ để thoát khỏi ách thực dân một cách hòa bình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới