Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng Mỹ - Trung có tín hiệu tích cực sau cuộc...

Căng thẳng Mỹ – Trung có tín hiệu tích cực sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liệu có giảm thang sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bali, Indonesia?

Di biến động của Trung Quốc và Mỹ luôn nhận được sự quan tâm của dư luận bởi tác động, ảnh hưởng của hai cường quốc này đối với tình hình khu vực và thế giới. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali vừa qua rất được mong đợi, những gì đã diễn ra sau cuộc cuộc hội đàm được cho là tích cực, hứa hẹn cải thiện quan hệ song phương thời gian tới.

Tín hiệu tích cực

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung rất đáng chú ý. Trước hết, đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo và tiếp nối hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 11 năm ngoái. Hơn nữa, cuộc gặp này diễn ra sau khi quan hệ song phương xấu đi rõ rệt sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Sự kiện này khiến quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục lao dốc. Sau động thái này của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ ngừng hợp tác với Mỹ trong loạt lĩnh vực, trong đó có đối thoại quân sự cấp cao và các cuộc gặp an ninh. 

Do vậy, không có nhiều kỳ vọng về tính đột phá trong quan hệ Mỹ – Trung trước khi cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali giữa Tổng thống Joe Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra. Tuy nhiên, những lời trấn an của lãnh đạo hai nước tại cuộc hội đàm được cho góp phần ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của mối quan hệ Mỹ – Trung.

Tại cuộc gặp, đã có những điểm sáng trong quan hệ hai bên. Đầu tiên là việc lãnh đạo Mỹ – Trung vui vẻ bắt tay, chụp ảnh chung, sau đó là đối thoại thẳng thắn song phương.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn “căng thẳng phải được kiểm soát”, tránh biến thành xung đột. Washington cho rằng cạnh tranh Mỹ – Trung là xu thế kéo dài, họ muốn Trung Quốc là “quốc gia có trách nhiệm” và tuân thủ luật chơi để việc cạnh tranh không chệch khỏi khuôn khổ quốc tế.

Nội dung của cuộc hội đàm giúp cả Mỹ và Trung Quốc định hình mối quan hệ song phương thời gian tới. Ông Tập Cận Bình thừa nhận phần còn lại của thế giới mong đợi hai nước quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm, trong khi ông Biden nhấn mạnh thế giới cũng muốn Mỹ và Trung Quốc đóng góp nhiều hơn để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Có những tín hiệu cho thấy Mỹ – Trung vẫn có thể hợp tác với nhau vì lợi chung, mang tính toàn cầu. Theo đó, ông Biden công khai nói với ông Tập Cận Bình rằng Mỹ sẵn sàng tham gia trở lại các cuộc đàm phán về khí hậu. 

Sau cuộc hội đàm, thông cáo của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo “đã đồng ý trao quyền cho quan chức cấp cao chủ chốt để duy trì liên lạc và tăng cường nỗ lực mang tính xây dựng” trong các vấn đề biến đổi khí hậu, ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, giảm nợ, an ninh y tế và an ninh lương thực toàn cầu.

Theo tuyên bố của Mỹ, lãnh đạo hai nước “tái khẳng định cam kết không tiến hành chiến tranh hạt nhân, cho rằng không bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này. Đồng thời nhấn mạnh sự phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”.

Chia sẻ về cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói “Mỹ và Trung Quốc nên cho thế giới thấy hai bên có thể quản lý và kiểm soát những khác biệt. Cuộc gặp này vừa tiếp nối các cuộc trao đổi từ trước đến nay, vừa là dấu hiệu cho điểm khởi đầu mới”.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cho thấy có thể thu hẹp khác biệt, trong quan hệ song phương bằng cách quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm. Đây là tín hiệu tích cực, song kết quả này chỉ là bước đầu tiên hướng tới một mối quan hệ vững chắc hơn.

Có thể nói, điểm sáng lớn nhất của cuộc họp chính là việc cả hai bên đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của họ. Điều này sẽ giúp thế giới tránh được tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột.

Không nhiều kỳ vọng

Cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình phần nào cho thấy sự xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định điều đó khó có khả năng ngăn chặn sự xói mòn trong mối quan hệ kinh tế và tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Leon Panetta – cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), không đặt nhiều kỳ vọng về quan hệ Mỹ – Trung sau cuộc hội đàm giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình.

Căng thẳng Mỹ - Trung giảm sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden ở Bali? - 2
Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)

“Nếu kết quả cuộc gặp này đưa quan hệ hai bên gần hơn về khía cạnh ngoại giao, trong đó thay vì đả kích lẫn nhau, họ có thể bắt đầu đối thoại trên loạt vấn đề cần giải quyết”, Leon Panetta nói với CNN.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trên loạt vấn đề về thương mại, công nghệ và Đài Loan… sau khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng. Điều này dẫn đến sự xáo trộn trên thị trường tài chính, khuấy động phòng họp của các công ty trên toàn cầu.

Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Biden tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, nhất là trên khía cạnh thương mại, thuế quan. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm Bắc Kinh mua chip máy tính tiên tiến của Mỹ và các thiết bị liên quan.

Cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ ở Bali, khác với các hội nghị thượng đỉnh dưới thời Tổng thống Donald Trump, vốn bị chi phối bởi thương mại và thuế quan. Lần này, Washington nhấn mạnh đến vấn đề Đài Loan và nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong trước khi đề cập đến “những lo ngại từ hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, gây tổn hại cho người lao động và gia đình Mỹ”.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc gặp, ông Biden nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng Washington không tìm cách “tách rời” khỏi Trung Quốc hoặc hạn chế sự phát triển kinh tế của nước này.

“Kích động chiến tranh thương mại hoặc chiến tranh công nghệ, xây dựng các bức tường và rào cản, đồng thời thúc đẩy việc tách rời, cắt đứt chuỗi cung ứng là đi ngược lại các nguyên tắc của kinh tế thị trường, cũng như làm suy yếu các quy tắc thương mại quốc tế. Những nỗ lực như vậy không phục vụ lợi ích của bất kỳ bên nào”, Bắc Kinh cho biết sau cuộc họp giữa hai bên tại Bali.

Tuy nhiên, nhìn chung cuộc gặp lãnh đạo Mỹ – Trung chưa có tính đột phá, xóa đi những đám mây đã bao phủ các liên kết tài chính giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới thời gian qua. Nhiều quỹ đầu tư trong năm nay đã giảm hoặc thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc.

Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), trong tháng 10, các nhà đầu tư đã rút 8,8 tỷ USD từ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Cuộc tháo chạy bắt đầu sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xây dựng lại chuỗi cung ứng, chuyển sang Việt Nam hoặc Ấn Độ, thay vì Trung Quốc.

Theo Financial Times, BlackRock – công ty quản lý tài sản trị giá hơn 10 nghìn tỷ USD, đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc, vì lo ngại điều đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý chống Trung Quốc của lưỡng đảng ở Washington.

Quyết định của công ty BlackRock được cho là dễ hiểu. Uỷ ban Tài chính Hạ viện Mỹ vừa tổ chức một phiên điều trần về những rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn liên quan đến việc cho phép Mỹ cấp vốn cho “các đối thủ nước ngoài”.

Quỹ đầu từ của Mỹ – Tiger Global Management, đã giảm lượng cổ phiếu năm giữ ở Trung Quốc. Quỹ này gặp khó khăn với các khoản đầu tư tại Trung Quốc vì căng thẳng địa chính trị gia tăng, trong khi Trung Quốc áp đặt chính sách “Không COVID”, khiến tăng trưởng kinh tế nước này suy giảm.

Bắt đầu từ năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường trái phiếu của Trung Quốc để tận dụng lợi nhuận cao hơn so với những gì họ có thể kiếm được ở Mỹ. Nhưng trong những tháng gần đây, dòng chảy này đã đảo ngược. Theo IIF, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán khoảng 70 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc trong 4 tháng qua.

David Loevinger, giám đốc điều hành nhóm thị trường mới nổi từ tập đoàn TCW, một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Los Angeles, cho biết cuộc xung đột Nga – Ukraine và việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về kế hoạch đầu tư.

Mới đây, công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cảnh báo các nhà đầu tư về hậu quả nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc như trường hợp đã làm với Nga. Theo S&P Global Ratings, quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều lần so với Nga, do đó hậu quả kinh tế sẽ rất lớn.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các nhà sản xuất khác tập trung rót vốn vào thị trường Trung Quốc bởi nguồn nhân công giá rẻ. Song việc gián đoạn sản xuất trong đại dịch COVID-19 buộc họ đa dạng hoá chuỗi cung ứng, dù cho chi phí gia tăng.

Trong số các doanh nghiệp giảm vốn khỏi Trung Quốc, đẩy mạnh sản xuất ở những nơi khác có Apple. Tập đoàn này đang đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ với mong muốn có thị phần ngày càng tăng trong phân khúc điện thoại thông minh tại thị trường đông dân này.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng, dược phẩm và pin xe điện.

RELATED ARTICLES

Tin mới