Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ-Trung: dập lửa không thể… chờ mưa!

Mỹ-Trung: dập lửa không thể… chờ mưa!

Sau cuộc họp ở Bali, Indonesia, bên lề Hội nghị G20 vừa qua, một số nhà nghiên cứu cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung sẽ ấm lên trong thời gian tới. Đôi bên đồng ý cùng nhau vượt qua những thách thức “xuyên biên giới”.

Niềm tin đó có cơ sở hay không, khi mà mọi chương trình hợp tác song phương vẫn ngoài tầm tay.

Xin độc giả nhớ lại, cách đây gần 10 năm, ngày 7/6/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ và đối thoại tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở phía Đông Nam bang California, Mỹ. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch Trung Quốc. Trước cuộc gặp, ông Obama tuyên bố muốn “đối thoại thẳng thắn” với ông Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ bấy giờ bày tỏ hi vọng hai quốc gia sẽ “xây dựng một mô hình hợp tác mới dựa trên những mối quan tâm chung và sự tôn trọng lẫn nhau”. Mỹ không muốn kiềm chế Trung Quốc, cáo buộc mà Bắc Kinh đưa ra để mô tả chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington.

Thời điểm quý giá ấy được đôi bên trông thấy nhiều cơ hội và triển vọng hợp tác song phương, dẫu rằng còn nhiều điểm bất đồng. Washington và Bắc Kinh cùng ý thức được rằng, không có gì nguy hiểm hơn là nếu như hai siêu cường quay lưng với nhau.

Năm 2014 Washington và Bắc Kinh hợp tác chống dịch Ebola ở Tây Phi. Hai bên đi đến thống nhất ký một Hiệp định song phương giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này được coi là nền tảng cho phép thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu ở Paris năm 2015 thành công.

Thế nhưng, lúc này đây (11/2022), khi nhìn lại, các bạn thấy thế nào? Nó giống như “giấc chiêm bao” vậy. Cả hai bên đều cho rằng, những khó khăn của mình là do đối phương vô tình hoặc cố ý gây ra. Nhà trắng cáo buộc Trung Quốc phá hoại trật tự thế giới, loại bỏ mô hình dân chủ, bóp nghẹt nhân quyền. Còn Trung Nam Hải thì nói, Mỹ là một thứ quỷ dữ kiềm tỏa các nước chậm phát triển.

Một câu hỏi xoáy sâu vào tâm can giới lãnh đạo chóp bu hai nước: Điều gì dẫn đến sự thay đổi từ cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Obama với ông Tập? Trách nhiệm của chính quyền Donald Trump tới đâu? Cuộc gặp ở Bali giữa Tập Cận Bình và Joe Biden đem lại bao nhiêu phần trăm hi vọng?

Phải thẳng thắn nhận rằng, trách nhiệm cá nhân Donald Trump và Tập Cận Bình là rất lớn. Washington nhận định, Chủ tịch Trung Quốc là một nhà độc tài, bị lý tưởng cộng sản và tham vọng cá nhân thôi thúc. Chính điều đó đã đe dọa tự do và thế thượng phong của Mỹ trên thế giới.

Ngược lại, Bắc Kinh trút tội lỗi lên đầu Donald Trump. Rằng, ông tỷ phú này tính khí thất thường, bị những khoản thâm hụt mậu dịch hàng trăm tỷ USD với Trung Quốc ám ảnh. Cựu tổng thống Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh đủ mọi thứ để che đậy những kém cỏi, những thất bại của chính ông, trong đó, việc giải quyết khủng hoảng y tế Covid-19 gây ra là một minh chứng. Suy cho cùng thì việc Washington xoay đủ cách, đủ bài để chặn đường là vì không muốn Trung Quốc vượt mặt Mỹ.

Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”, cả hai bên đều coi bên kia “đục” chỉ có mình là “trong”. Họ cùng có một lập luận duy nhất là quy trách nhiệm cho bên kia gây ra và mọi hành động của chính mình đều nhằm… tự vệ.

Có nhà phân tích nhận định, cùng với nguyên nhân chủ quan khiến cho quan hệ Mỹ-Trung sụp đổ còn có nguyên nhân khách quan đến từ tiến trình toàn cầu hóa. Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi từ khi tiến trình toàn cầu hóa lâm vào bế tắc, những quyền lợi kinh tế từng gắn bó hai quốc gia này trong suốt ba thập niên đã dần rời xa nhau. Đặc biệt khủng hoảng 2008 đã để lộ những giới hạn từ mô hình “tân tự do” đó.

Sự thật không thể chối cãi, Mỹ và Trung Quốc hiện nguyên hình là những quốc gia có sự cách biệt giàu nghèo quá lớn. Họ cùng phải đối mặt với một tầng lớp lao động đã bị tiến trình toàn cầu hóa bỏ rơi. Vì thế, một ngày thời tiết xấu, đang là đối tác, cùng nhau chinh phục thị trường thế giới, họ bỗng chốc trở thành đối thủ cạnh tranh – tranh giành ảnh hưởng, tranh giành thị trường của thế giới.

Chính sự tan rã của mô hình toàn cầu hóa đã đẩy Trung Quốc và Mỹ vào một thế kẹt. Đục nước béo cò, các quan điểm của những phe nhóm “diều hâu”, những lập trường cứng rắn nhất, cực đoan nhất ồ ạt xuất hiện. Chính bởi sa sút nghiêm trọng về kinh tế mà những phe chủ trương “bảo hộ mậu dịch”, phái “diều hâu” trong lĩnh vực an ninh, phái dân tộc chủ nghĩa bài ngoại càng lúc càng có sức thuyết phục lớn đối với công luận.

Tình hình đúng như đám lửa đang bùng cháy và nguy cơ lan rộng. Dập lửa vào lúc này không phải là chuyện dễ. Nhưng không thể… chờ mưa.

Có những đám mây đen kéo đến báo hiệu sắp mưa lớn. Cuộc họp ở Bali vừa qua là một cơn mưa như thế. Mỹ và Trung Quốc cùng hiểu rằng, đã qua thời đối đầu. Lúc này nên tìm kiếm những sân chơi chung là tốt nhất. Hãy cùng nhau vượt qua những thách thức “xuyên biên giới”, bao gồm an ninh lương thực, y tế, khí hậu, kinh tế, v.v ..

Như thế, nói có vẻ hơi sáo một chút: Hai nước đang “tìm lại niềm tin đã mất”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới