Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThái độ thân thiện của ông Tập bên lề G20, APEC nhằm...

Thái độ thân thiện của ông Tập bên lề G20, APEC nhằm gửi đi những thông điệp ngoại giao

Việc Chủ tịch Trung Quốc mỉm cười với ai hay gặp lãnh đạo nào bên lề G20, APEC đều có thể là chỉ dấu cho đường hướng ngoại giao tương lai của ông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan, hồi tuần trước đã thể hiện hình ảnh thân thiện và thái độ hợp tác hiếm thấy, theo giới quan sát.

Ông cởi bỏ khẩu trang, mỉm cười và tìm cách tái khẳng định cam kết của Trung Quốc đối với khu vực cũng như thế giới bằng loạt cuộc gặp bên lề với hơn 20 lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Dù Trung Quốc không thay đổi những chính sách liên quan đến các cường quốc và điểm nóng địa chính trị toàn cầu qua các sự kiện này, giọng điệu hòa nhã và nhẹ nhàng của ông Tập dường như đã gây ấn tượng mạnh, khiến ông trở thành một trong những lãnh đạo thu hút nhiều chú ý nhất tại các sự kiện.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 19/11 tổ chức bữa tiệc và tặng bánh sinh nhật cho Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện. Trong video do chính phủ Thái Lan công bố, bà Bành, bước sang tuổi 60 hôm 20/11, cắt bánh, trong khi ông Tập cùng vợ chồng Thủ tướng Prayuth vỗ tay.

Pang Zhongying, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tứ Xuyên, nhận định những khoảnh khắc đó rất thu hút, bởi việc các lãnh đạo Trung Quốc thể hiện khía cạnh cá nhân của mình trước công chúng là điều “hiếm gặp”.

“Nó cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc đối với trật tự khu vực và nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như cách các quốc gia khác, như Thái Lan, thể hiện nỗ lực củng cố mối quan hệ thương mại và kinh tế với Bắc Kinh”, Pang nói.

Ông Tập ca ngợi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan là “thân thiết như một gia đình”, trong khi ông Prayuth cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án đường sắt kết nối hai nước và hoan nghênh Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Thái Lan nhằm giúp đất nước ông phục hồi sau đại dịch.

Trong những cuộc gặp khác, Chủ tịch Tập cũng không ngần ngại chia sẻ cảm xúc của mình. Đáng chú ý nhất là cuộc trao đổi giữa ông Tập với Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề hội nghị G20.

Trong video do truyền thông ghi lại, Chủ tịch Trung Quốc đã bày tỏ không hài lòng với việc nội dung cuộc thảo luận trước đó giữa hai lãnh đạo được phía Canada tiết lộ với truyền thông.

“Mọi thứ chúng ta thảo luận đã bị rò rỉ trên mặt báo, điều đó không phù hợp”, ông Tập nói với ông Trudeau thông qua người phiên dịch. “Đó không phải là cách thức ngoại giao diễn ra, nếu phía các ngài có thái độ chân thành”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó khẳng định cuộc thảo luận giữa ông Tập với ông Trudeau là “hoàn toàn bình thường”, “không nên bị hiểu thành Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ trích hay đổ lỗi cho bất kỳ ai”.
Theo Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple Nhật Bản, đây có lẽ là lần đầu tiên nhiều người nhìn thấy ông Tập thể hiện bản thân theo cách không theo khuôn mẫu như vậy.
Ông Tập phản đối Thủ tướng Canada rò rỉ thông tin cho truyền thông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi với Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Video: Guardian.

Thông điệp mà Chủ tịch Tập muốn gửi đi là Canada cần “cân nhắc những hậu quả tiềm tàng từ hành động của họ đối với mối quan hệ Trung Quốc – Canada”, Hardy-Chartrand nhận xét.

“Tuy nhiên, xét trong chừng mực tương tác của các lãnh đạo, mặc dù điều đó là bất thường, chúng ta cũng không nên đưa vấn đề đi quá xa ngoài thực tế rằng nó cho thấy mối quan hệ giữa họ đang xấu đi. Nó sẽ không có nhiều tác động đến chính sách của Canada đối với Trung Quốc”, ông cho biết thêm.

Ngoài khoảnh khắc này, giới quan sát nhìn chung đều có đánh giá tích cực về những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng và hàn gắn quan hệ với Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.

Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu, trụ sở tại Washington, nhận định ngoại giao cá nhân rõ ràng sẽ đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên quan hệ quốc tế mới của ông Tập.

“Có những người ông ấy thích và không thích. Ngôn ngữ cơ thể của ông ấy nói lên điều đó”, Luft cho hay.

Theo chuyên gia Mỹ, ngôn ngữ cơ thể của Chủ tịch Tập thể hiện sự hoài nghi đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hay thái độ không mấy thiện cảm với Thủ tướng Canada Trudeau. Tại các sự kiện, ông đã không gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak hay các lãnh đạo EU như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, những người coi Trung Quốc là mối đe dọa có hệ thống.

Luft cho biết cuộc gặp của ông Tập với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở Bali và cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 9 cũng ẩn chứa nhiều thông điệp.

“Đó là những lãnh đạo mà ông Tập có thể hợp tác”, Luft nói. “Ông đã thể hiện rõ rằng sẽ không kết bạn với những người coi Trung Quốc là mối đe dọa, những người không tôn trọng các vấn đề cốt lõi của Trung Quốc hoặc tệ nhất là những lãnh đạo bên ngoài chỉ trích nhưng ở hậu trường lại tìm cách đạt được lợi ích với Trung Quốc”.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Kishida tại Bangkok hôm 17/11, ông Tập nói hai nước nên là “đối tác chứ không phải mối đe dọa”, bất chấp những bất đồng về vấn đề lãnh thổ và lịch sử cũng như lập trường ủng hộ Washington của Tokyo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bên lề hội nghị APEC ở Bangkok, Thái Lan, hôm 17/11. Ảnh: AP.

Ông Tập cũng kêu gọi các nước trong khu vực, trong đó có 5 đồng minh hiệp ước của Mỹ, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan, “duy trì quyền tự chủ chiến lược”, “từ chối xung đột và đối đầu”, đồng thời ngăn chặn căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến hợp tác giữa họ với Trung Quốc.

Theo Zhao Ma, phó giáo sư về lịch sử và văn hóa Trung Quốc hiện đại tại Đại học Washington, ông Tập dường như muốn tận dụng các cuộc gặp trực tiếp để tìm hiểu những lĩnh vực đồng thuận với từng quốc gia, sau đó tìm cách xây dựng một liên minh dựa trên mục tiêu chống hoạt động kiềm chế của Mỹ.

Ma cho rằng chuyến công du của ông Tập diễn ra tốt đẹp hơn mong đợi, bởi “không ai, kể cả chính ông Tập, từng kỳ vọng nó có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề lớn nào”.

Theo chuyên gia Hardy-Chartrand, trong bối cảnh bất ổn của tình hình thế giới, ông Tập dường như tin rằng đây là thời điểm để phát huy chính sách ngoại giao cá nhân.

“Ông Tập tin rằng các cuộc gặp trực tiếp có thể giúp ổn định những mối quan hệ đang cần khắc phục, như quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản”, Hardy-Chartrand nói. “Xét trên phương diện này, các cuộc gặp của ông Tập với Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida ít nhất đã thành công trong việc đưa đến thống nhất rằng tất cả các bên cần liên lạc và trao đổi nhiều hơn nữa để ngăn mối quan hệ tiếp tục xấu thêm”.

Theo Sourabh Gupta, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung – Mỹ ở Washington, “ngôn ngữ cơ thể và sự nồng ấm” của ông Tập dường như đã tạo ra khác biệt lớn trong các sự kiện ở Bali và Bangkok.

“Thuyết phục người khác bằng các cuộc gặp trực tiếp luôn dễ hơn qua màn hình”, Gupta nói, thêm rằng những cuộc gặp trực tiếp giữa các lãnh đạo có thể thúc đẩy họ tìm ra điểm chung hơn là nhấn mạnh khác biệt.

Theo ông, cuộc trao đổi có phần căng thẳng giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Trudeau nên được nhìn nhận như một thay đổi tích cực, dù cần hạn chế những hành động bộc phát như vậy.

“Vấn đề với ông Tập và các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc là họ thường làm việc hay đưa ra thông điệp theo kịch bản và văn phong có sẵn”, Gupta nói. Cuộc trao đổi với Thủ tướng Canada có thể cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc không còn quá cứng nhắc. “Xét cho cùng, sự thẳng thắn và bộc phát như vậy cũng có thể là một dấu hiệu tích cực”, ông nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới