Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Marcos có đáng trách?

Ông Marcos có đáng trách?

Chuyến thăm Philippines của bà Kamala Harris là một sự kiện lịch sử – xét trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đồng minh, dưới thời của tổng thống Biden. Tuy nhiên, sự hiện diện của người phụ nữ quyền lực này lại đang khiến ông Ferdinand Marcos Jr đau đầu.

Bà Kamala Harris tại thủ đô Manila (Philippines) ngày 21-11.

Đau đầu vì cái thế kẹt khó xử của người ngồi vào ghé tổng thống Philippines hơn một năm nay. Nhiều người quan tâm đời sống chính trị Philippines như đều có chung cảm giác: quốc gia đầu sóng ngọn gió luôn chịu đựng những cơn bão dữ dội gây thiệt hại nặng nề, cũng là nước ít yên bình trong đời sống chính trị.

Thời ông Duterte đã đành, như người giữa hai làn đạn trong các các vấn đề ngoại giao, nhất là quan hệ với Mỹ và Trung Quốc – hai cường quốc khổng lồ, một bên là lân bang, một bên là đồng minh.

Còn hậu duệ nhà độc tài Ferdinand Marcos (tổng thống Philippines từ 1965 đến 1986), thời điểm nước rút cuộc chạy đua khốc liệt vào ghế tổng thống, Marcos con đã tuyên bố, về đối ngoại, nếu thắng cử, ông sẽ gác lại phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về Biển Đông để tìm một giải pháp khác cho tranh chấp biển và lãnh thổ thông qua đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh. Hàm ý của ông là, dù thắng kiện, nhưng theo đuổi nó mãi cũng vô ích, bởi Bắc Kinh có công nhận đâu. Quan điểm trên vừa ý Bắc Kinh quá đi. Nó khiến Bắc Kinh khấp khởi mừng thầm và càng hý hửng hơn khi ông Marcos chiến thắng: coi như bẻ xong một quân cờ trong mấy quân cờ bướng bỉnh không chịu thần phục gồm Việt Nam, Malaysia. Nhà ngoại giao Vương Nghị của Bắc Kinh, tháng 7 năm nay, còn điện cảm ơn tổng thống Ferdinand Marcos Jr do việc ông này “tiếp tục chính sách thân thiện với Trung Quốc”.

Bắc Kinh có lẽ càng lấy làm “yên tâm” hơn khi tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Tập và ông Marcos bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan, chiều 17/11 vừa qua, nhà lãnh đạo Philippines “hứa” với ông Tập rằng, quốc gia Đông Nam Á này sẽ không “chọn phe” trong ngoại giao và sẽ cùng nhau “chống lại chủ nghĩa đơn phương và các hành vi bắt nạt” – như thông tin của Tân Hoa xã.

Nhưng chỉ 3 ngày sau, nhân vật thứ hai của Nhà trắng, bà Kamala Harris đã tới Philippines, gặp ông Marcos.

Một chuyến thăm xã giao, nhưng của một nhân vật cỡ Kamala Harris đã là quan trọng. Quan trọng hơn và đáng để ý hơn, tại cuộc gặp này, bà Kamala Harris đã khẳng định cam kết “không lay chuyển” của Washington đối với đồng minh châu Á.

Động thái này của bà Kamala Harris, trong mắt Bắc Kinh, ví như cuộc chạy đua trơ tráo của Mỹ hòng co kéo, giành giật Philippines khỏi Trung Quốc. Nó khiến Trung Nam Hải không thể không nổi khùng, dù trong phản ứng, họ cố tỏ ra từ tốn qua phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh: “Chúng tôi không phản đối quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực. Nhưng mối quan hệ đó phải tốt cho hòa bình và ổn định khu vực, không làm tổn hại đến lợi ích của các nước khác”.

Washington thì đã hẳn, nào có che giấu ý chí kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông. “Chúng tôi sát cánh với Philippines để bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông” – như lời bà Kamala Harris (nói với ông Marcos tại đảo Palawan, nằm gần nhất với khu vực tranh chấp ở Biển Đông) là gì, nếu không phải là bóng gió, với yêu sách “đường 9 đoạn”, Trung Quốc thủ phạm vi phạm “quy tắc và chuẩn mực quốc tế”?

Điều làm Bắc Kinh cay cú nhất là, trước giọng khiêu khích của bà Kamala Harris, lẽ ra nhà lãnh đạo Philippines phải tỏ thái độ trung dung, thì ngược lại, ông Marcos lại vồ vập, nói tướng lên rằng: trong bối cảnh phức tạp địa chính trị khu vực, mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Philippines càng trở nên quan trọng. Thậm chí, ông còn nhấn mạnh: “Tôi không thấy một tương lai Philippines không có Mỹ”.

Đối chiếu với những gì ông Marcos tuyên bố trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây hơn 1 năm, hóa ra, Trung Quốc lại đang là bên bị tổng thống Philippines phụ bạc, dù để làm việc này, ai cũng cho rằng ông Marcos hẳn đau đầu lắm.

Nếu thật là bị phụ bạc, Bắc Kinh cũng cần tự vấn chính mình, rằng nguyên nhân là từ tính cách tiền hậu bất nhất của ông Marcos? Hay sự ngang ngược và tham lam cố hữu của Trung Quốc khiến nhà lãnh đạo Philippines phải thay đổi quan điểm?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới