Tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hàn Quốc diễn ra ở Campuchia ngày 11/11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương độc lập của nước này với trọng tâm là tạo ra một khu vực tự do, hòa bình và thịnh vượng được quản lý bởi một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung, và nói rằng bất kỳ sự thay đổi đơn phương bằng vũ lực nào về hiện trạng đều không được dung thứ. Ông Yoon Suk-yeol khẳng định: “Chúng tôi (Hàn Quốc) sẽ thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới dựa trên 3 tầm nhìn chính là tự do, hòa bình và thịnh vượng và theo 3 nguyên tắc hợp tác chính là bao trùm, tin cậy và có đi có lại”.
Tổng thống Hàn Quốc cũng đề cập đến Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn bên lề các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN diễn ra trong ngày 13/11. Trong Tuyên bố Phnom Penh về quan hệ đối tác ba bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tổng thống Yoon Suk-yeol cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định về quan hệ đối tác ba bên vì một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Là một đồng ninh quan trọng của Mỹ ở khu vực lại là một nhân tố quan trọng đối với an ninh khu vực Đông Bắc Á, song Hàn Quốc chậm chễ trong việc hưởng ứng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ khiến dư luận khó hiểu. Chính quyền cũ của Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra Chính sách hướng Nam mới như một chiến lược quan trọng ở khu vực nhằm thúc đẩy quan hệ với ASEAN và Ấn Độ. Tuy nhiên, đây phần lớn được coi là một chiến lược của Hàn Quốc để tránh bị coi là chống đối Trung Quốc nhằm giảm thiểu những tổn thương tiềm ẩn từ sức ép của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế.
Sau khi nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc tháng 5/2022, ông Yoon Suk-yeol được xem là có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và thân Mỹ đã có những động thái thắt chặt quan hệ với Mỹ, chủ động cải thiện quan hệ với Nhật. Tại hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên với Tổng thống Biden vào cuối tháng 5/2022 – diễn ra chỉ 11 ngày sau khi nhậm chức – Tổng thống Hàn Quốc Yoon đã đồng ý tăng cường hợp tác chung với Mỹ trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Yoon tuyên bố sẽ xây dựng khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng Hàn Quốc và ngay lập tức thành lập một lực lượng đặc nhiệm tại Bộ Ngoại giao để soạn thảo nội dung chiến lược mới trong tháng 5.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol, Hàn Quốc đã tham gia vào một số sáng kiến khu vực do Mỹ dẫn đầu, chẳng hạn như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và “Nhóm chip 4” (gồm 4 nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan) – tất cả đều được coi là nỗ lực của Mỹ để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ các quyết định của Hàn Quốc, hối thúc Seoul “đưa ra các quyết định độc lập của riêng mình thay vì phải tuân theo những quyết định của Washington”.
Mặc dù, Văn phòng Tổng thống Yoon Suk-yeol khẳng định rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nhằm mục đích kiểm soát Trung Quốc, song giới phân tích đều cho rằng với việc công bố chiến lược mới trên thực tế Hàn Quốc đã tham gia vào khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ theo đuổi, nội dung chính của nó là ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 12/11 sau khi chiến lược mới được công bố, Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han nhấn mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “chiến lược khu vực toàn diện đầu tiên của Hàn Quốc và có nghĩa thể hiện quan điểm ngoại giao của Hàn Quốc đã mở rộng để đáp ứng phẩm giá và địa vị quốc gia của đất nước”; khẳng định: “Việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ theo đuổi các giá trị chung đáp ứng lợi ích quốc gia của Hàn Quốc”.
Mặc dù có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư chặt chẽ với các nước ASEAN, nhất là với Việt Nam (nơi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Daewoo, LG đã đầu tư nhiều tỷ USD), nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, lâu nay Hàn Quốc rất kín tiếng trong việc bày tỏ quan điểm trên vấn đề Biển Đông. Điều này được các nhà quan sát lý giải do Hàn Quốc không muốn “làm mất lòng” Trung Quốc.
Việc Tổng thống Yoon Suk-yeol lựa chọn cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN để công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là sự ngẫu nhiên mà là sự lựa chọn có chủ đích. Theo đó, khu vực Đông Nam Á được coi là một trọng tâm trong chiến lược mới của Hàn Quốc. Khu vực này không chỉ có ý nghĩa với Hàn Quốc về mặt kinh tế mà sẽ là nơi để chính quyền của Tổng thống Yoon nâng cao vai trò trong các vấn đề chính trị, an ninh khu vực. Do vậy, chiến lược mới của Hàn Quốc sẽ có những tác động tích cực đối với cục diện Biển Đông, cụ thể là:
Thứ nhất, Biển Đông luôn được coi là trọng tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của tất cả các nước dù là Mỹ hay nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) và cả Liên minh châu Âu EU hay một số nước chủ chốt ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức…). Với Hàn Quốc cũng vậy như đã nêu ở trên, việc Hàn Quốc đặt Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông vào trọng tâm Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố hôm 11/11 đánh dấu một bước chuyển chiến lược mới của chính quyền Seoul đối với khu vực và Biển Đông.
Giới chuyên gia nhận định cùng với việc thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có thể dự báo chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ thể hiện thái độ rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề liên quan ở Biển Đông. Đặc biệt, Seoul đã nhấn mạnh một nội hàm quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc là theo đuổi giá trị chung “củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Mặc dù cho đến nay Hàn Quốc chưa chính thức thể hiện lập trường pháp lý trên các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, song điều này cho thấy Hàn Quốc sẽ là một nhân tố mới trong việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.
Thứ hai, với việc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Seoul thể hiện rõ sự điều chỉnh đường lối ngoại giao của mình nghiêng về phía Washington. chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc cho thấy Seoul đã điều chỉnh đường lối ngoại giao của mình để nghiêng về phía Washington. Cựu Giám đốc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc Kim Joon-hyung nhận định rằng phiên bản Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc đang gián tiếp khẳng định rằng Hàn Quốc đang đứng về phía Mỹ. Điều này giúp tăng cường sự gắn kết giữa lực lượng hàng hải của Hàn Quốc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ và qua đó hải quân và tuần duyên của Hàn Quốc có thể đóng góp nhiều hơn vào an ninh trên biển trong khu vực và ở Biển Đông.
Theo giới chuyên gia mặc dù Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc tránh đề cập trực diện tới Trung Quốc do Seoul không muốn “chọc tức” Bắc Kinh, tuy nhiên xét từ bất cứ góc độ nào thì chiến lược này là nhằm đối phó với sự mở rộng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực và Biển Đông. Cho dù Văn phòng Tổng thống Yoon khẳng định chiến lược khu vực mới của Hàn Quốc không có ý định nhằm vào bất kỳ ai, song việc công bố các nội dung dẫn đến đồn đoán Hàn Quốc đang xích lại gần Mỹ hơn trong việc chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ ba, Hàn Quốc có lợi ích lớn đối với tuyến hàng hải qua Biển Đông, không chỉ một lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Hàn Quốc được vận chuyển qua khu vực mà số lượng hàng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại các nước Đông Nam Á (hiện tập trung chủ yếu ở Việt Nam) đi các nước phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến đường hàng hải qua Biển Đông. Do vậy, việc duy trì hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế là lợi ích thiết thân của Hàn Quốc.
Cùng với việc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tổng thống Yoon đã trình bày một tầm nhìn cụ thể cho ASEAN, được gọi là Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN, phác thảo các kế hoạch của Seoul nhằm đa dạng hóa hợp tác kinh tế bao trùm với cả 10 quốc gia trong khối. Việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ Hàn Quốc và ASEAN được chính quyền Seoul coi trọng vào thời điểm Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng đang được coi như một chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Campuchia và Indonesia cũng như có các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo của Philippines, Thái Lan và Việt Nam bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN để thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác. Giới phân tích nhận định những động thái này cho thấy Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ có những đóng góp tích cực vào an ninh Biển Đông. Chúng ta mong đợi với việc đề cao tinh thân thượng tôn pháp luật Hàn Quốc sẽ thể hiện lập trường pháp lý trên hồ sơ Biển Đông một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn, góp phần vào việc duy trì cục diện dựa trên pháp luật ở Biển Đông.
Cuối cùng là Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được Tổng thống Yoon công bố sẽ khiến mối quan hệ 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn trở nên gắn kết hơn và điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn sự bành trướng và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực. Do vậy, Mỹ và Nhật đều ủng hộ mạnh mẽ việc Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc. Liên quan đến vấn đề này, Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật hoan nghênh các cách tiếp cận tương ứng của Hàn Quốc đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tại cuộc họp bên lề các hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh tháng 11 vừa qua, nguyên thủ 3 nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng nhất trí đoàn kết để theo đuổi một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao trùm, kiên cường và an toàn, đồng thời nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện các Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau của mỗi nước.
Giới phân tích nhận định sau khi ông Yoon Suk-yeol trở thành Tổng thống Hàn Quốc, Washington đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược 3 bên với Tokyo và Seoul – 2 đồng minh quan trọng ở khu vực với mục tiêu bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở khu vực, ngăn chặn kiềm chế Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh việc theo đuổi các giá trị chung của Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là Hàn Quốc sẽ công khai hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng (trong đó có Mỹ, Nhật…) vì các mục tiêu lợi ích chung, sát cánh cùng các nước này chống lại các nỗ lực làm tổn hại đến các giá trị chung và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây là dấu hiệu về việc Hàn Quốc sẽ cùng Mỹ, Nhật can dự sâu vào các vấn đề an ninh trên biển, trong đó có Biển Đông.