Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Soái hạm Mỹ” bị TQ xua đuổi ở khu vực Trường Sa?

“Soái hạm Mỹ” bị TQ xua đuổi ở khu vực Trường Sa?

Một tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường của Mỹ đã bị xua đuổi ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tin này được phát đi từ phía Trung Quốc và bị bác bỏ từ phía Mỹ.

Thực hư ra sao? Trong lúc hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình đang cố gắng gác lại bất đồng, làm ấm lên quan hệ giữa hai quốc gia thì tại sao vẫn có sự cố đáng tiếc như thế?

Cần nói đôi điều về lớp tầu hiện đại này của hải quân Mỹ. Đó là loại tầu có khả năng hoạt động như một “soái hạm”, nó đã được thay đổi phân loại từ DDG (tàu khu trục tên lửa dẫn đường) thành CG (tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường).

Hôm 29/11, Điều Quân, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc (PLA) cho hay, đã “đuổi cổ” một “soái hạm” của Mỹ ra khỏi vùng nước gần khu vực quần đảo Nam Sa Trường Sa của Việt Nam). Ông Điều Quân, la lối: “Hành động của quân đội Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ mang tên USS Chancellorville, trước đó đã đi qua khu vực Eo biển Đài Loan.

Lên tiếng về lý do xuất hiện trên Biển Đông, Hải quân Mỹ cho rằng, thông tin của quân đội Trung Quốc là “sai lầm” và gọi đây là hành động mới nhất trong “một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm làm sai lệch về các hoạt động trên biển hợp pháp của Mỹ”. Bởi tầu USS Chancellorsville thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) theo luật quốc tế và đã tiếp tục thực hiện các hoạt động bình thường nơi tự do ở vùng biển quốc tế được áp dụng.

Không phải bây giờ mà Washington đã nhiều lần phản đối những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Phản đối đi liền với hành động, Mỹ thường xuyên cho tàu tuần tra đi vào Biển Đông, và đi sát vào các đảo và bãi đá mà Trung Quốc đòi chủ quyền.

Lần gần nhất, Mỹ điều chiến hạm áp sát Trường Sa là ngày 16/7 với khu trục hạm USS Benfold. Còn hồi tháng 7/2020, tàu Ralph Johnson của Mỹ xuất hiện trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Châu Viên và đá Chữ Thập (quần đảo Trường Sa).

Cần nhắc lại rằng, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bảy thực thể tại quần đảo này. Trong những năm qua họ đã ngang nhiên tiến hành hoạt động bồi đắp, quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phản ứng của thế giới.

Bình luận về sự xuất hiện của “soái hạm” Mỹ ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, động thái này của Mỹ “gửi tín hiệu ủng hộ Đài Loan độc lập và mang tính khiêu khích”. Ngược lại, phía Mỹ tuyên bố, các chuyến hải hành đã được lên kế hoạch từ trước. Nó không ảnh hưởng gì đến chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ.

Tới đây Mỹ tiếp tục tìm cách thực hiện quyền sử dụng các eo biển quốc tế nhằm bảo đảm các tàu thương mại và quân sự của tất cả quốc gia có thể tiếp tục duy trì sự cơ động theo quy định chung toàn cầu. Vào năm 2015, Trung Quốc đã cho 5 tầu chiến quá cảnh qua eo biển Mỹ tại quần đảo Aleutian. Khi ấy Mỹ đã không hề phản ứng gì, coi đó là “quyền qua lại đúng luật quốc tế”.

Xem ra cuộc đôi co giữa quân đội hai cường quốc khó bề phân xử. Và cũng chả có ai đứng ra phân xử. Mấy nước yếu thế hơn trong khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước đang có tranh chấp chủ quyền thì lặng im quan sát. “Tọa sơn quan hổ đấu”, cứ để cho hổ đánh nhau, và người quan sát chờ đón thời cơ có lợi nhất, sức chưa đủ mạnh thì đành thúc thủ để bảo toàn lực lượng. Đón thời cơ một cách chủ động không có nghĩa là chịu thua, là tự trói tay mình.

Việc cần làm là thường xuyên và kịp thời lên án mạnh mẽ những hành động sai trái hòng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đồng thời, khuyến khích tinh thần đoàn kết và thống nhất trên một lập trường chung trong các nước ASEAN để giải quyết tốt hơn các thách thức này.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới