Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines thăm dò dầu khí ở Biển Đông khi chưa thỏa thuận...

Philippines thăm dò dầu khí ở Biển Đông khi chưa thỏa thuận với TQ

Hôm 1.12, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh chính quyền Manila phải tìm cách thăm dò dầu khí ở Biển Đông, dù vẫn chưa nối lại thương thuyết với phía Trung Quốc về khả năng thăm dò chung.


“Đó là vấn đề lớn lao đối với chúng ta, đó là lý do tại sao chúng ta phải đấu tranh và xúc tiến việc thăm dò nếu thật sự có dầu ở đó”, Reuters dẫn lời ông Marcos nói trước báo giới.

Hồi tháng 6, người tiền nhiệm của ông Marcos là ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố chấm dứt cuộc đàm phán kéo dài 3 năm với Trung Quốc về hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Khi ấy, nội dung các cuộc đàm phán đã đạt đến giới hạn của hiến pháp Philippines.

Đến tháng 9, ông Marcos lên tiếng cam kết thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, gọi Bắc Kinh là “đối tác vững chắc nhất” của Manila trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dù vậy, chính quyền Manila đương nhiệm tiếp tục phản đối những chuyến “xâm nhập” trái phép trên biển của tàu Trung Quốc, và khẳng định sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ.

Và ông Marcos cũng xác nhận Manila muốn nối lại các cuộc thương thuyết với Trung Quốc về hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Trong tuyên bố mới nhất, tổng thống Philippines thừa nhận đang xuất hiện rào cản trong nỗ lực đàm phán và cũng có thể khó giải quyết được trở ngại này. “Vì thế tôi cho rằng có lẽ vẫn tồn tại những biện pháp khác mà không cần phải thực thi ở cấp chính phủ”, ông Marcos nói.

Sứ quán Trung Quốc ở Manila chưa bình luận về tuyên bố trên của tổng thống Philippines.

Philippines dựa chủ yếu vào nguồn năng lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều đó đẩy quốc gia Đông Nam Á vào tình thế dễ bị tổn thất trong trường hợp gián đoạn nguồn cung và giá dầu tăng cao. Hiện tỷ lệ lạm phát ở nước này đã tăng lên mức gần như cao kỷ lục trong vòng 14 năm.

Bên cạnh đó, ông Marcos ngày 1.12 cũng tiết lộ “sẽ có tuyên bố cụ thể hơn” vào đầu năm sau về đề xuất của Mỹ liên quan đến việc gia tăng khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) vào năm 2014.

RELATED ARTICLES

Tin mới