Khác với những dự báo trước đó, sau khi nhậm chức Tổng thống Marcos đã có nhiều bước đi xích lại gần hơn với Mỹ. Sau hơn 4 tháng dưới triều đại của Tổng thống Marcos, quan hệ giữa Mỹ-Philippines đã có những tiến triển mạnh mẽ với những cuộc gặp cấp cao liên tiếp giữa hai nước thay cho những trục trặc trong 6 năm dưới thời của cựu Tổng thống Duterte.
Mối quan hệ Mỹ-Philippines đã trở nên căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc trong 6 năm cầm quyền. Ông Gregory Poling, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết Mỹ và Philippines đang tiến lên từ “những năm khó khăn đó”.
Ngày 22/9 Tổng thống Marcos và Tổng thống Biden đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Trước đó, trong tháng 8/2022 Ngoại trưởng Antony Blinken đã có chuyến thăm Manila. Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với tự do hàng hải và hàng không cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lãnh đạo 2 nước nhìn lại tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Philippines. Tổng thống Biden tái khẳng định “cam kết chặt chẽ của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines”. Tổng thống Marcos Jr. nhấn mạnh: “vai trò của Mỹ trong việc duy trì hòa bình ở khu vực chúng tôi là điều được tất cả các nước trong khu vực và đặc biệt là Philippines đánh giá cao”.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh chưa đầy 2 tháng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Philippines từ ngày 20-22/11/2022. Đây là chuyến thăm ở cấp cao nhất của chính quyền Mỹ tới Philippines trong nhiều năm trở lại đây. Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Philippines mà còn tác động nhiều mặt tới an ninh khu vực, nhất là Biển Đông.
Thứ nhất, qua chuyến thăm Washington muốn gửi thông điệp Washington đang củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Manila. Ngày 21/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. để thảo luận về 21 dự án mới do Mỹ tài trợ, bao gồm nhiều địa điểm phòng thủ xung quanh Philippines, đây là một phần của Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) giữa hai nước, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các địa điểm đã thỏa thuận ở Philippines để diễn tập an ninh và huấn luyện quân sự chung.
Philippines từng là nơi đặt hai trong số các căn cứ hải ngoại lớn nhất của quân đội Mỹ là Căn cứ Không quân Clark và Căn cứ Hải quân Vịnh Subic, vốn được chuyển giao cho Philippines kiểm soát vào những năm 1990. Một Hiệp ước phòng thủ chung được ký năm 1951 vẫn còn hiệu lực, quy định rằng “cả hai bên sẽ giúp bảo vệ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị bên thứ ba tấn công”. Phát biểu với các phóng viên hôm 21/11, bà Harris tái khẳng định cam kết “không lay chuyển” của Washington đối với Hiệp ước này. Bà Harris nói: “Chúng tôi phải nhắc lại rằng chúng tôi luôn sát cánh với các bạn để bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực trên Biển Đông”, đồng thời một lần nữa khẳng định bất kỳ cuộc tấn công nào vào các tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ. Ngồi bên cạnh bà Harris, ông Marcos Jr. nói với các phóng viên: “Tôi đã nói nhiều lần, tôi không nhìn thấy một tương lai nào cho Philippines mà không có Mỹ, và điều đó xuất phát từ mối quan hệ rất lâu đời với Mỹ”.
Giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại chủ động nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh của họ trong khu vực và đang kích thích quá trình này bằng mọi cách có thể. Trong bối cảnh Bắc Kinh ráo riết lôi kéo các nước trong khu vực bằng mọi thủ đoạn bao gồm cả dùng “con bài” kinh tế để gây sức ép, nếu chậm chân Washington sẽ bị đẩy ra khỏi khu vực. Đây được cho là nguyên nhân khiến Mỹ rất chủ động tăng cường mối quan hệ đồng minh với Philippines. Mặt khác, sự thất thế của Manila trong quan hệ với Bắc Kinh trong 6 năm cầm quyền của ông Duterte đã thôi thúc tân Tổng thống Marcos Jr. hưởng ứng nhiệt tình việc củng cố liên minh Mỹ-Philippines.
Gần đây, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho biết, Philippines sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Mỹ đã ký năm 2014, cho phép Lầu Năm Góc duy trì hiện diện luân phiên và tiếp cận căn cứ quân sự địa phương thời gian dài, cũng như xây dựng và vận hành các cơ sở tại các căn cứ của họ ở Philippines. Hôm 15/11, Manila cho biết rằng, Washington sẽ chi 66,5 triệu USD để tiến hành nâng cấp 3 căn cứ quân sự tại nước này. Theo đó, các công trình phục vụ công tác huấn luyện và nhà kho sẽ được xây dựng tại các căn cứ trên dựa trên thỏa thuận hợp tác an ninh được ký vào năm 2014.
Giới quan sát nhận định trong chuyến thăm, Phó Tổng thống Mỹ đã bắt đầu đàm phán về một chương trình hợp tác quân sự “cho phép quân nhân Mỹ tạm thời được đồn trú tại các căn cứ của Philippines”. Điều này cho thấy tầm mức quan trọng” của quốc gia Đông Nam Á này trong chiến lược của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Giáo sư Aries Arugay, làm việc tại Đại học Philippines nhận định việc chính quyền Biden và Marcos Jr. đẩy mạnh hợp tác quân sự là điều hiển nhiên trong bối cảnh căng thẳng leo thang theo từng ngày trong khu vực Eo biển Đài Loan. Trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang, Philippines là một địa điểm gần nhất với “chảo lửa”, thậm chí nguy hiểm hơn nhiều so với các căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Okinawa, Nhật Bản.
Thứ hai, điểm nhấn thu hút sự chú ý nhất đối với dư luận là việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới thăm đảo Palawan nằm ở rìa Biển Đông vào hôm 22/11. Theo giới quan sát, bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm chuỗi đảo tiếp giáp với quần đảo Trường Sa. Phát biểu khi thăm Palawan, bà Kamala Harris tuyên bố Mỹ sẽ sát cánh cùng Philippines để chống lại những hành động đe dọa và cưỡng ép ở vùng biển này.
Phó Tổng thống Mỹ thăm Căn cứ không quân Antonio Bautista tại Puerto Princesa – một trong những cơ sở của căn cứ đang được xây dựng theo thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines. Bộ chỉ huy quân sự của Philippines được đặt tại căn cứ không quân này, có nhiệm vụ giám sát việc bảo vệ và tuần tra các vùng lãnh thổ trên Biển Đông ở khu vực quần đảo Palawan. Trên chiếc tàu tuần duyên của Philippines cập cảng ở vịnh Puerto Princesa, bà Harris nói Mỹ và cộng đồng quốc tế “có quyền lợi sâu rộng đối với tương lai của khu vực này”.
Phó Tổng thống Harris khẳng định: “Chúng ta phải ủng hộ các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”; đồng thời nhấn mạnh rằng Washington sẽ thúc đẩy một chiến dịch quốc tế chống lại “hành vi vô trách nhiệm ở vùng biển tranh chấp”.
Khi đến thăm làng chài Tagburos và lực lượng tuần duyên ở đảo Palawan, phía Tây Philippines, gần Trường Sa, Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố Wahsington cam kết sát cánh với Manila trước những hành vi “hù dọa và chèn ép” ở Biển Đông. Tại đây, bà Harris đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo và ngư dân địa phương, những người mà sinh kế của họ đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và không được báo cáo. Trong một phát biểu không nêu đích ranh song rõ ràng nhằm vào Trung Quốc, bà Harris đã mạnh mẽ lên án “tàu nước ngoài thâm nhập hải phận Philippines, đánh bắt bất hợp pháp các nguồn hải sản, uy hiếp ngư dân địa phương, trong khi chính họ (những tàu cá Trung Quốc) làm ô nhiễm đại dương và hủy hoại môi trường biển”.
Palawan cách quần đảo Trường Sa khoảng 320 km, nơi Trung Quốc đã tiến hành nạo vét đáy biển để xây dựng các đồn điền quân sự với những bến cảng cho tàu chiến, đường băng cho máy bay chiến đấu và bố trí nhiều trang thiết bị quân sự hiện trên các thực thể mà Bắc Kinh đã đánh chiếm bằng vũ lực. Giới phân tích nhận định chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới khu vực nằm tiếp giáp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đã phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng, khi Ukraine và Đài Loan đang là trung tâm của sự chú ý, thì Mỹ vẫn coi Biển Đông là trung tâm trong tương lai của mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines. Điều này không chỉ có tầm quan trọng đối với quan hệ song phương Mỹ-Philippines mà còn ý nghĩa lớn đối với cục diện Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu gắn liền với lợi ích của Mỹ.
Không chỉ khẳng định sát cánh cùng Philippines trên mặt trận Biển Đông bằng những cam kết chính trị, bà Harris đã có những cam kết cụ thể về hỗ trợ Philippines phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm đối phó với những thách thức ở Biển Đông. Theo một tuyên bố của Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ, Washington sẽ cung cấp thêm 7,5 triệu USD để viện trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Philippines nhằm tăng cường năng lực chống đánh bắt trái phép, thực hiện tuần tra biển và hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, bao gồm cả ở Biển Đông. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ bổ sung của Mỹ để nâng cấp hệ thống quản lý hoạt động giao thông của các tàu thuyền nhằm đảm bảo an toàn tốt hơn trên biển. Vẫn theo thông tin từ Văn phòng của bà Harris, Philippines hiện cũng đang nhận được các dữ liệu giám sát theo thời gian thực để có thể phát hiện và chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển theo một dự án của Nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia). Ngoài ra, bà Harris còn đưa ra một số thông báo khác bao gồm hợp tác chặt chẽ hơn của Washington với Manila về năng lượng sạch, an ninh mạng, truyền thông và nông nghiệp.
Giới chuyên gia đều có chung nhận định chuyến thăm tới Philippines, bao gồm Palawan của nhân vật số 2 trong chính quyền Biden là nhằm khẳng định rằng Mỹ là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có trách nhiệm bảo đảm an ninh trong khu vực cho các nước đồng minh và thúc đẩy một trật tự dựa trên pháp luật; khẳng định Mỹ có lợi ích lớn ở Biển Đông trong việc đứng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông chống lại sự bành trướng và mưu toan độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Đại sứ Philippines tại Washington D.C Jose Manuel Romualdez đánh giá chuyến thăm Palawan của Phó Tổng thống Harris là một cột mốc quan trọng chứng tỏ “quyết tâm của Mỹ hỗ trợ các đồng minh như Philippines tại các vùng biển, các hải đảo có tranh chấp” và việc bà Harris chọn đến thăm một hòn đảo nằm sát vùng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cho thấy Mỹ đánh giá “tình hình nghiêm trọng tới mức độ nào”.
Bắc Kinh hiểu rằng việc bà Harris thăm đảo Palawan, sát vùng biển mà nước này có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Philippines ở Biển Đông và viễn cảnh Washington–Manila khởi động lại các chương trình hợp tác quân sự được thảo luận trong chuyến thăm Philippines là những thông điệp nhắm tới Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh có sự phân vai trong việc bày tỏ phản ứng đối với chuyến thăm. Trong khi tờ Thời báo Hoàn Cầu lên án Phó Tổng thống Mỹ muốn đổ thêm dầu vào lửa, “châm ngòi” để Biển Đông dậy sóng thì phản ứng của giới chức Bắc Kinh tỏ ra thận trọng hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc luôn tin tưởng rằng giao tiếp và hợp tác giữa các quốc gia sẽ có lợi cho việc tăng cường hiểu biết và tin tưởng giữa các quốc gia trong khu vực… Chúng tôi không phản đối việc Mỹ và Philippines có liên hệ bình thường, nhưng kiểu liên hệ này không được gây tổn hại đến lợi ích của các nước khác”.
Tóm lại, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, chuyến thăm Philippines, nhất là thăm Palawan hàm chứa những toan tính chiến lược của cả Mỹ lẫn Philippines. Về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Biden tìm mọi cách củng cố quan hệ đồng minh lâu năm với Manila, một địa bàn mang tính chiến lược trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông mà ở cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bởi Philippines là chốt chặn đầu tiên để ngăn Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất. Về phía Philippines, chính quyền của Tổng thống Marcos Jr. đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường an ninh; Philippines cần chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ ở cả eo biển Đài Loan (nơi Bắc Kinh không ngừng gia tăng sức ép quân sự lên Đài Loan) lẫn ở Biển Đông (nơi Trung liên tiếp có các hành động gây hấn hung hăng với các nước láng giềng). Đối với Biển Đông, mối quan tâm chính của Washington là đảm bảo “quyền tự do trên biển và xây dựng sự ủng hộ chung của khu vực để tiếp cận rộng rãi với Biển Đông”. Trong khi đó, các mối quan tâm chính của Philippines bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và các quyền lợi trên biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982, tương tự như các quyền lợi của các quốc gia có yêu sách khác ở Đông Nam Á. Giới phân tích chỉ ra rằng chính những tính toán và lợi ích song trùng này đã thôi thúc hai bên cùng nỗ lực tăng cường quan hệ đồng minh mật thiết hơn. Nội dung và kết quả chuyến thăm của Phó Tông tổng thống Mỹ đã phản ánh sự hội tụ quan điểm và chính sách của cả Mỹ lẫn Philippines ở thời điểm hiện nay.