Thursday, January 23, 2025
Trang chủUncategorizedCác nước ASEAN cần tỉnh táo đừng để bộ quy tắc ứng...

Các nước ASEAN cần tỉnh táo đừng để bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông chủ phục vụ lợi ích của TQ

Biển Đông là một trong những khu vực gây tranh cãi nhất trên hành tinh, nơi nhiều quốc gia có yêu sách lãnh thổ đối với các quần đảo và các vùng biển, tranh chấp nhiều tầng nấc rất phức tạp. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng, gia tăng hành động gây hấn quân sự, các vấn đề hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải và hàng không của khu vực đã trở thành một chủ đề trọng tâm của hầu hết các diễn đàn khu vực và là mối quan tâm toàn cầu.

Với việc Campuchia là Chủ tịch ASEAN năm 2022, Trung Quốc hy vọng Phnom Penh có thể giúp họ nhanh chóng kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)  trong năm nay, bởi trong quá khứ (cách đây 10 năm) Bắc Kinh đã từng đạt được điều họ mong muốn thông qua sự “tiếp tay” của Campuchia ngăn cản đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào văn kiện để Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 không ra được Tuyên bố chung. Thế nhưng lần này khi mà chính quyền Phnom Penh đã kết thúc năm là nước chủ nhà, nhưng COC vẫn chưa có kết quả. Điều này phản ánh sự phức tạp của vấn đề.

Ngày 23/11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 9 ở Siem Reap, Campuchia, trong đó ông bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán tiếp diễn về COC sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Nhấn mạnh các lợi ích hợp pháp của Ấn Độ trong khu vực này, ông Rajnath Singh nói: “Chúng tôi tin rằng các sáng kiến an ninh khu vực cần phải mang tính tham vấn và có định hướng phát triển, để phản ánh sự đồng thuận rộng rãi hơn… Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở, và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp hàng hải”.

Tranh chấp Biển Đông nổi lên từ giữa những năm 70 của Thế kỷ 21 khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 lúc bấy giờ đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, thực thi chủ quyền. Năm 1988, Trung Quốc một lần nữa dùng vũ lực đánh chiếm 6 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa và năm 1995 đánh chiếm bãi Vành Khăn chỉ cách đảo Palawan của Philippines 210 km. Các nước ASEAN khác coi đó là một âm mưu trắng trợn hòng thay đổi hiện trạng trong khu vực. Tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông liên quan đến 5 nước, 6 bên (gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan) và Indonesia đang bị Trung Quốc lôi vào tranh chấp khi Bắc Kinh mở rộng xâm lấn vào vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia mặc dù Indonesia luôn khẳng định không liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

 Năm 1995, Trung Quốc chiếm đóng trái phép Đá Vành Khăn, chỉ cách đảo Palawan của Philippines 210 km, khiến cho tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng. Các nước ASEAN khác coi đó là một hành động trắng trợn thay đổi hiện trạng trong khu vực. Để đáp trả, ASEAN đã đưa ra một Thông cáo chung vào năm 1996 bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và kêu gọi “các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tự kiềm chế”. Trong bối cảnh đó, một COC đã được đề xuất nhằm “đặt nền móng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia có yêu sách”.

Sau nhiều năm đàm phán nhọc nhằn giữa ASEAN và Trung Quốc song những bất đồng giữa hai bên khiến chưa thể đạt được COC, thay vào đó các bên thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) – một văn kiện chính trị, không ràng buộc – đã ra đời vào năm 2002. Đây được cho là bước đệm quan trọng cho việc tạo ra một COC có tính ràng buộc, qua đó sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nạo vét, bồi đắp, mở rộng các thực thể mà họ chiếm để xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai các hoạt động quân sự khiến cho tình hình Biển Đông không ngừng “nổi sóng” các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về chủ quyền và lợi ích của họ.

Trong 20 năm qua, điều này gần như đã trở thành thực trạng của khu vực. Mặc dù, Trung Quốc đã cùng các nước ASEAN nhất trí thông qua DOC, song Bắc Kinh không tuân thủ mà tiếp tục các chính sách bành trướng, điển hình là việc họ đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông trong gần 1 thập kỷ qua, khiến khu vực ngày càng trở nên vô cùng bất ổn. Mặt khác, Trung Quốc đã cản trở mọi nỗ lực nhằm đạt được một COC mang tính ràng buộc.

Theo ông Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, có 3 điểm mấu chốt cản trở mọi tiến trình hướng tới một COC.
Trên Tạp chí “Foreign Policy”, Storey viết rõ: “Đầu tiên, phạm vi địa lý của thỏa thuận này sẽ như thế nào? Nó có nên bao gồm quần đảo Hoàng Sa như Việt Nam mong muốn, hay gồm bãi cạn Scarborough như Philippines muốn nhưng Trung Quốc thì không; Thứ hai, liệu COC có nên bao gồm một danh sách những điều cần và không nên làm hay không? Bắc Kinh sẽ không muốn tự trói tay mình bằng cách nhất trí một lệnh cấm đối với những hành động đó. Thứ ba, liệu COC có nên ràng buộc pháp lý hay không? Hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đều có vẻ ủng hộ điều này, nhưng Trung Quốc thì phản đối”.

Tháng 5/2017, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Bộ khung COC nhằm “tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đạt được một COC hiệu quả theo mốc thời gian được hai bên thống nhất”. Một năm sau, một thỏa thuận về bản Dự thảo đàm phán COC duy nhất (SDNT) đã được thống nhất. Mặc dù được một số người ca ngợi đó là cột mốc quan trọng trong tiến trình đàm phán về COC, song vẫn có nhiều ý kiến khác tỏ ra thận trọng hơn khi đánh giá về nó.

Giới phân tích nhận định lập trường của Trung Quốc trong Dự thảo đàm phán COC duy nhất  là dựa trên việc công nhận “Đường 9 đoạn” vốn bao phủ phần lớn Biển Đông. Điều này đã khiến các quốc gia bên ngoài khu vực lo ngại, đồng thời hối thúc ASEAN và Trung Quốc đảm bảo rằng COC phải “phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, như được phản ánh trong UNCLOS.” Việc đi trệch khỏi UNCLOS khi xây dưng COC có thể gây ra một mớ hỗn độn, không chỉ ở Biển Đông mà còn cả ở phần còn lại của thế giới có tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải.

Nếu như trước đây Trung Quốc luôn tìm cách trì hoãn kéo dài tiến trình đàm phán về COC thì thời gian gần đây bỗng nhiên Trung Quốc muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán về COC. Đặc biệt, Bắc Kinh toan tính thúc đẩy kết thúc đàm phán COC trong năm 2022 khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN với hy vọng có thể đạt được một COC theo yêu cầu của họ nhờ sự hỗ trợ của Phnom Penh. Tuy nhiên mưu đồ này của Bắc Kinh đã không thành do các nước ven Biển Đông đã có sự cảnh giác khi hiểu rõ Campuchia đã nằm trong vòng “kim cô” của Bắc Kinh.

Theo Đại úy Raul Pedrozo, giảng viên luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, việc Trung Quốc đột ngột hối thúc hoàn thành COC bắt nguồn từ thành công của nước này trong việc kiểm soát Bãi cạn Scarborough và quân sự hóa 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông Raul Pedrozo viết trên tạp chí “Nghiên cứu Luật Quốc tế”: “Nước này (Trung Quốc) đã thay đổi nguyên trạng tới mức độ ‘chẳng có gì để mất và muốn đạt được tất cả mọi thứ bằng cách ký kết một COC để củng cố các yêu sách của mình và thúc đẩy các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia ở Biển Đông”. Ngoài ra, việc Mỹ và các đồng minh can dự sâu vào Biển Đông, gia tăng các hoạt động của tàu chiến, máy bay trên Biển Đông trong thời gian qua cũng khiến Trung Quốc muốn sớm có COC để chứng minh cho luận điệu lâu nay của họ rằng “Trung và các nước trong khu vực đủ năng lực giải quyết vấn đề Biển Đông”, lấy cớ đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông

Giới chuyên gia cho rằng những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia như Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đều cảnh báo ASEAN trước việc đạt được một COC sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc. Như Đại úy Raul Pedrozo đã nói, “liệu giới ngoại giao ASEAN có bị ám ảnh bởi việc hoàn tất một COC viển vông đến mức họ sẽ mất đi tính khách quan và chấp nhận một thỏa thuận tồi hơn cả việc không có COC nào hay không?”.

Việc các nước ven Biển Đông chưa vội vã để kết thúc đàm phán về COC trong năm 2022 đã thể hiện rõ các nước này nhận thức đầy đủ rằng chỉ một khi COC có tính ràng buộc và phù hợp với UNCLOS mới có ý nghĩa đối với duy trì hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các nhà đàm phán của các nước ven Biển Đông trong ASEAN sẽ đủ tỉnh táo, không rơi vào “cái bẫy” sức ép thời gian của Trung Quốc mà vội vã thông qua một COC chỉ phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới