Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken rằng Washington phải từ bỏ “chiêu thức bắt nạt đơn phương cũ kỹ” mà họ đang áp dụng với Bắc Kinh.
“Cần phải chỉ ra rằng Mỹ không nên theo đuổi đối thoại và hợp tác trong khi vẫn kiềm chế và đâm sau lưng Trung Quốc. Trên thực tế, đó vẫn là chiêu thức bắt nạt đơn phương cũ kỹ. Nó đã không có tác dụng với Trung Quốc trong quá khứ, nên cũng không có tác dụng trong tương lai”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/12.
Ông Vương Nghị cho biết Washington “phải nghiêm túc xem xét các mối quan ngại chính đáng của Trung Quốc, ngừng kiềm chế và ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là ngừng sử dụng chiến thuật “lát cắt salami” để liên tục thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc”.
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh nên xây dựng dựa trên “những hiểu biết chung” mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đạt được trong cuộc gặp gần đây ở Indonesia. “Tâm lý “một mất một còn” sẽ chỉ dẫn hai nước lớn đến sự tiêu hao lẫn nhau và va chạm trực diện”, ông Vương Nghị cảnh báo.
Theo thông báo của phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken đã nhắc lại sự tôn trọng của Washington đối với chính sách Một Trung Quốc, đồng thời cho biết Mỹ “không ủng hộ “sự độc lập” của Đài Loan”.
“Hai bên cũng đã trao đổi quan điểm về vấn đề Ukraine. Ông Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn ủng hộ hòa bình”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố một thông cáo ngắn gọn về cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng, trong đó nói rằng ông Blinken đã “thảo luận về sự cần thiết phải duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý một cách có trách nhiệm” mối quan hệ song phương. Phía Mỹ cũng cho biết, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Blinken “nêu quan ngại về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các mối đe dọa mà chiến dịch này gây ra đối với an ninh và ổn định kinh tế toàn cầu”.
Trong vài năm qua, quan hệ Trung – Mỹ đã bị cản trở bởi nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Mặc dù Mỹ tuyên bố tuân thủ chính sách Một Trung Quốc và công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan, song Washington vẫn tích cực hợp tác với hòn đảo này.
Tình hình eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo này vào ngày 2/8. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”.
Ngày 23/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn Đạo luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023, trong đó phân bố một khoảng ngân sách trị giá 816,7 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật này vì cho rằng đạo luật bao gồm nhiều điều khoản “tiêu cực” liên quan tới Đài Loan.
Theo phía Trung Quốc, đạo luật mới được Mỹ thông qua đã “can thiệp vào công việc nội bộ của nước này” và là “một sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng nhằm vào Trung Quốc”.