Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Trách nhiệm tập thể” của AUKUS

“Trách nhiệm tập thể” của AUKUS

Mới đây, ông Richard Marles – Bộ trưởng Quốc phòng Australia đã bất ngờ tuyên bố, nước này có khả năng sẽ mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo đúng thời hạn mà không cần phải áp đặt bất kỳ khoản thuế mới nào đối với người dân Australia.

Nhóm tàu tác chiến của Australia trong một lần hiện diện trên Biển Đông

Rõ một điều, qua câu nói của ông Richard Marles, bằng mọi cách để có được đội tàu chạy bằng năng lượng hạn nhân là điều đã trở nên cấp thiết với Australia.

Liên quan chuyện hiện đại hóa hải quân, ông Richard Marles biết rằng, với người dân xứ chuột túi, tiền đâu ra mới là quan trọng?

Con số đâu có ít. Dù chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn, mục tiêu theo đuổi chương trình 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới theo công nghệ của Anh và Mỹ phải tốn kém hơn rất nhiều con số 40 tỷ USD giá trị hợp đồng mà Australia từng có với Pháp, nhưng đơn phương hủy bỏ vào tháng 10/2021 khiến Pháp không chỉ hậm hực với Australia, mà còn cay cú quy cho hai đồng minh là Anh và Mỹ đã tham lam “nẫng tay trên” một cách không thể chấp nhận. Một số chuyên gia quân sự tính toán rằng: ít ra, phải xấp xỉ 9 tỷ USD cho một chiếc. Vị chi, để có được đội tàu ngầm hạt nhân 8 chiếc, cần tới trên 72 tỷ USD, chưa kể các phát sinh khác.

Nhiều người Australia hào hứng với chủ trương phải có được đội tàu ngầm theo công nghệ hạt nhân tối tân nhất để thay thế cho hạm đội già nua, không tương xứng với vị thế Australia – một trong những cường quốc biển, cũng như tăng cường khả năng phòng thủ, nhưng thời buổi khó khăn, lại vừa bị bồi thêm cú đấm đại dịch Covid-19, họ e rằng sẽ bị chính phủ tìm cách “móc túi” qua việc tùy tiện “đẻ” ra các hình thức thuế.

Trong hoàn cảnh đó, một khi ông Richard Marles đã cam kết, thì yên tâm rồi. Khi đã không còn eo xèo, thì ông Richard Marles và giới quân sự Australia có thể rảnh tay tập trung xúc tiến công việc.

“Thông” được khoản tiền nong, chương trình tham vọng này của Australia lại gặp một thách thức khác. Đó là, hiện tại, các nhà máy đóng tàu của Mỹ đang quá bận rộn cho các đơn hàng. Bận tới mức, cho dù thấy rõ món hời lù lù trước mắt, nhưng nhiều người can dự quan ngại rằng: chẳng thể kham nổi. Thậm chí, theo truyền thông, mới đây, Hạ nghị sĩ bang Virginia Rob Wittman của Đảng Cộng hòa trong tiểu ban sức mạnh biển của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói: “Tôi không hiểu làm thế nào chúng ta có thể chế tạo một chiếc tàu ngầm và bán nó cho Australia trong thời gian đó (tức theo lộ trình dự kiến, bắt đầu từ năm 2023). Đọc trong câu nói của vị hạ nghị sĩ này, có thể hình dung, đáp ứng được tiến độ chương trình cho Australia là một việc bất khả thi.

Tuy nhiên, sự bi quan của ông Wittman không làm Bộ quốc phòng Australia nao núng. Ngược lại, những người có trách nhiệm ở Lầu Năm Góc luôn viện dẫn quan ngại sự tụt hậu của hải quân Australia ra để nhấn mạnh tính cấp thiết chương trình.

Như có thỏa thuận ngầm, từ Washington, gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã phát biểu rằng: ông thực sự lo lắng trước việc sức mạnh của hải quân Australia đang suy giảm do sử dụng đội tàu già nua.

Đặc biệt, Austin còn tỏ ra là một chính trị gia lão luyện, cao tay khi gắn mục tiêu hải quân Australia phải được trang bị các tàu ngầm hạt nhân như một phần của chương trình mục tiêu chung của Quan hệ đối tác an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gồm ba thành viên Mỹ, Anh, Australia (gọi tắt là AUKUS). Khi bày tỏ quan điểm về chương trình tàu ngầm hạt nhân của Australia, thay vì xưng “tôi”, ông Austin luôn miệng dùng xưng “chúng tôi”.

Với cách phát ngôn đó, ông Austin như hàm ý rằng, làm thể nào để Australia có được đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân càng sớm càng tốt là “trách nhiệm tập thể” của AUKUS. Xem thế, dù khó khăn, nhưng ai cũng thấy, chẳng còn gì có thể cản nổi việc Australia sẽ có được một hạm đội tàu ngầm hạt nhân tối tân trong thời gian không xa.

Cay cú nhất với sự ráo riết, quyết liệt của chương trình tàu ngầm hạt nhân của Australia là ai? Nhiều người nghĩ ngay tới Pháp – quốc gia bị mất hợp đồng đóng tàu ngầm diesel-điện 40 tỷ USD từng đạt được với Australia.

Tuy nhiên, hóa ra là nhầm to. Vụ đó, Paris đã nuốt trôi rồi, sau những động thái xuê xoa, thanh minh của Mỹ. Hậm hực nhất phải là Trung Quốc – đối thủ của Mỹ, cũng là quốc gia có nhiều ân oán với Australia trong thời gian gần đây.

Trung Quốc cay vì thừa biết, nếu Canberra có được đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, không chỉ quanh quẩn biển nhà để phòng thủ, đội tàu đó chắc chắn sẽ hiện diện cả ở những vùng biển xa, trong đó có Biển Đông, để thách thức tham vọng hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh theo đuổi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới