Gần 37 triệu người ở Trung Quốc có thể đã bị nhiễm COVID-19 mỗi ngày trong tuần này, khiến nước này trở thành đợt bùng phát lớn nhất thế giới cho đến nay, theo ước tính của cơ quan y tế hàng đầu chính phủ Trung Quốc.
Đã hơn hai tuần kể từ khi chính sách phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ đột ngột thay đổi và từ bỏ zero covid. Hiện tại Trung Quốc đang trải qua một cơn sóng thần dịch bệnh, sự lạc quan ban đầu về việc “mở cửa trở lại” đang mất dần.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước khi trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu của Baidu, tại các siêu đô thị ở Thượng Hải và Thâm Quyến vào giờ cao điểm giao thông buổi sáng thứ sáu (23/12) rất vắng vẻ. Tại thủ đô Bắc Kinh giao thông có sự phục hồi nhẹ so với một tuần trước.
Theo thông tin từ Wind Information, tính đến thứ Năm (22/12), lượng người đi tàu điện ngầm ở các thành phố lớn vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường.
“Những con đường vắng vẻ ở Bắc Kinh vào giữa tháng 12 cho thấy làn sóng COVID lớn hơn đáng kể so với dự kiến, dẫn đến việc tự nguyện giãn cách xã hội,” S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo hôm thứ Tư (21/12).
Có tới 248 triệu người, tương đương gần 18% dân số, có thể đã bị nhiễm vi-rút trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12, theo biên bản cuộc họp nội bộ do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tổ chức hôm thứ Tư. Điều này đã được xác nhận bởi những người tham gia vào các cuộc thảo luận (theo Bloomberg).
Các doanh nghiệp không thể dự đoán tác động lâu dài của đợt bùng phát đối với hoạt động kinh doanh
“Mặc dù làn sóng có thể giảm bớt trong những tuần tới, nhưng nó có thể quay trở lại vào dịp Tết Nguyên đán cuối tháng 1 năm 2023” (CNBC đưa tin).
Theo S&P Global Ratings: “Việc chấm dứt các hạn chế nghiêm ngặt do COVID là tích cực đối với hoạt động kinh tế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của làn sóng lây nhiễm có thể làm giảm đà tăng trưởng”.
Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc khảo sát với gần 200 thành viên của phòng được tiến hành từ ngày 16 đến 19 tháng 12, mặc dù hơn 60% số người được hỏi họ mong đợi làn sóng dịch COVID-19 mới sẽ kết thúc từ một đến ba tháng. Hầu hết họ không thể dự đoán trước được tác động lâu dài của đợt bùng phát này đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Trung Quốc, Michael Hart cho hay: ông hy vọng sẽ mất khoảng một năm sau khi du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn trước khi khoản đầu tư đó bắt đầu phục hồi.
Trung Quốc vẫn chưa thay đổi chính sách cách ly đối với du khách quốc tế đến đại lục.
Những người đến vẫn phải yêu cầu tự cách ly trong năm ngày tại một cơ sở cách ly tập trung, sau đó là ba ngày ở nhà.
Klaus Zenkel, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Nam Trung Quốc, cho biết vào hôm thứ Năm rằng hầu hết các công ty đều tuân theo hướng dẫn, họ yêu cầu nhân viên ở nhà nếu bị sốt và có các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19. “Điều đó có nghĩa là lực lượng lao động ít hơn, hy vọng họ không bị ốm cùng một lúc.”
Cameron Johnson, một đối tác tại công ty tư vấn Tidal Wave Solutions có trụ sở ở Thượng Hải cho biết, từ góc độ vận hành hoạt động của nhà máy hiện đang trong tình trạng lộn xộn. Theo Wall Street Journal, Giang Khải Minh cho biết ông nghe được từ một nhà cung cấp nhựa và các nguyên liệu thô khác ở thành phố sản xuất Đông Quan phía nam rằng có tới 85% công nhân nghỉ việc do COVID-19.
Eric Zheng, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải cho biết, hiện tại họ đang bị động do có rất ít hướng dẫn từ chính phủ.
Ông nói rằng các công ty phải tìm cách giải quyết một số vấn đề cơ bản và cung cấp cho nhân viên các thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh, khẩu trang, thuốc men và những nguồn cung cấp này đang cạn kiệt.
Rajeev De Mello, giám đốc danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại GAMA Asset Management, cho biết thị trường hiện đã “biến mất” phần lớn sự lạc quan ban đầu từ tin tức mở cửa trở lại và do mức tiêu thụ yếu. Hiện các quỹ toàn cầu vẫn thận trọng về việc quay trở lại Trung Quốc, (theo Bloomberg).
Giá cổ phiếu giảm liên tục có thể làm tăng áp lực buộc chính phủ phải hỗ trợ nhiều hơn cho thị trường. Tin tức về việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã làm dậy sóng chứng khoán Trung Quốc, với chỉ số MSCI China tăng hơn 30% so với mức thấp trong tháng 10. Tuy nhiên, kể từ đó, chỉ số này đã được giao dịch trong một phạm vi hẹp, do số ca nhiễm bệnh gia tăng đã che mờ triển vọng của Trung Quốc.
Dữ liệu tần suất cao mới nhất cho thấy số ca nhiễm COVID tăng cao đang khiến mọi người phải ở nhà và gây ra sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế và du lịch. Điều đó có thể cản trở nỗ lực của chính quyền nhằm phục hồi tăng trưởng vào năm 2023.
Steven Leung, giám đốc điều hành của UOB Kay Hian cho biết: “Các nhà đầu tư đang chờ đợi nhiều dữ liệu khác nhau để xem liệu mức tiêu thụ có thể quay trở lại hay không”.
Trong một lưu ý hôm thứ năm Fitch Ratings cho hay: lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc có thể sẽ chậm phục hồi trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại. Quỹ đạo có thể “gập ghềnh và chậm chạp”. Doanh số bán hàng giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 11, khi chính sách zero covid vẫn được áp dụng.
Jonathan Garner, Nhà Chiến lược thị trường mới nổi châu Á tại Morgan Stanley, nói với Bloomberg rằng khó có thể xoay chuyển và hồi phục trước Tết Nguyên đán.
Niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2013, phản ánh tác động của việc gia tăng các ca nhiễm COVID-19 đối với hoạt động kinh tế và cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể suy thoái vào năm tới, theo một cuộc khảo sát ngày 19/12 của tổ chức nổi tiếng Thế giới.
T.P