Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc...

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc được Mỹ ủng hộ

Nhà Trắng nhanh chóng đưa ra tuyên bố, hoan nghênh việc Hàn Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mô tả chiến lược này là “sự phản ánh” cam kết chung của các đồng minh đối với an ninh và thịnh vượng khu vực.Tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra ít lâu sau khi Hàn Quốc công bố chi tiết chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày 28-12.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hé lộ về chiến lược này tại chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN hồi tháng 11 tại Campuchia với ba tầm nhìn tự do, hòa bình, thịnh vượng cùng ba nguyên tắc hợp tác bao trùm, tin tưởng và cùng có lợi.

Chiến lược dài 37 trang công bố ngày 28-12 cụ thể hóa các tầm nhìn và nguyên tắc này, cùng chín bài toán xúc tiến trọng điểm.

Ý tưởng của chính phủ đương nhiệm là mở rộng tầm nhìn sang toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thay vì chỉ giới hạn ở bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á hay các sáng kiến khu vực bó hẹp ở lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại như các chính phủ tiền nhiệm.

Các yếu tố trọng tâm mà Chính phủ Hàn Quốc đề ra là tự do, pháp trị và nhân quyền, được cho nhằm bắt kịp chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Hàn Quốc cũng phản đối việc thay đổi hiện trạng đơn phương bằng sức mạnh.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đã liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc và các nước lớn khác trong việc soạn thảo chiến lược. Theo giới phân tích, điều này lý giải vì sao Bắc Kinh hiện lên khá “mờ nhạt” trong chiến lược.

Tuy nhiên chiến lược nhắc đến Biển Đông và eo biển Đài Loan, khẳng định Seoul sẽ đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại hai khu vực này.

Trong tuyên bố ngày 28-12, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hoan nghênh việc Hàn Quốc công bố chi tiết chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dù trong đó không xác định Trung Quốc là trọng tâm đối phó như chiến lược của Mỹ.

Theo ông Sullivan, chiến lược của Hàn Quốc sẽ góp phần cùng Mỹ “thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế và thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

“Chiến lược này cũng sẽ tăng cường mạng lưới an ninh kinh tế của khu vực, hợp tác khoa học và công nghệ cũng như cam kết về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng”, ông Sullivan nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới