Chuyên gia từ các tập đoàn, định chế tài chính và Đại học Harvard (Mỹ) đã chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khu vực chịu nhiều khó khăn.
Các chuyên gia trả lời phỏng vấn Thanh Niên gồm: ông Robert Carnell (Kinh tế gia trưởng, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu, Ngân hàng ING – chi nhánh Singapore), GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ), GS Dwight Perkins (chuyên về kinh tế, Đại học Harvard, Mỹ) và chuyên gia kinh tế Eric Chiang (Công ty phân tích Moody’s, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s).
Triển vọng khu vực không tốt ?
Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong năm 2023 và những thách thức lớn nhất là gì?
Ông Robert Carnell: Triển vọng là không tốt. Các đối tác thương mại lớn bên ngoài APAC như EU, Mỹ đang hoặc sắp suy thoái. Và nền kinh tế lớn của khu vực là Trung Quốc đang chịu tác động tổng hợp của chính sách mở cửa trở lại vốn dẫn đến sự bùng phát lớn bệnh dịch Covid-19 nên giảm sút tiêu dùng, trong khi lạm phát cao đang hạn chế sức mua. Mức thấp điểm nhất sẽ xảy ra vào năm 2023 nên tình hình sau năm 2023 sẽ tốt hơn.
GS David Dapice: Nhìn chung, các nước ASEAN và Trung Quốc đang ở trong tình trạng tốt hơn so với hầu hết các nước ở các khu vực khác. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, triển vọng kém tươi sáng hơn. Trong đó, nếu Trung Quốc không phục hồi tốt, đó sẽ là lực cản đối với hầu hết các nền kinh tế ASEAN đang giao thương rộng rãi với họ. Điều này không đồng nghĩa với việc kinh tế suy thoái, nhưng khiến tăng trưởng xuất khẩu của các nền kinh tế ASEAN sẽ thấp hơn, hoặc thậm chí là suy giảm nếu chi tiêu của người tiêu dùng EU và Mỹ giảm mạnh đối với hàng nhập khẩu.
Vì sao kinh tế năm 2023 sẽ có cảm giác suy thoái?
GS Dwight Perkins: Nhiều nước ở APAC đã xử lý bệnh dịch Covid-19 khá tốt và có lẽ sẽ có mức tăng trưởng hợp lý vào năm 2023. Trái ngược với hầu hết các nước EU, các nước khu vực APAC cũng được hưởng lợi từ việc họ không phải đối đầu trực tiếp với Nga do chiến sự Ukraine. Câu hỏi lớn nhất là Trung Quốc, nơi mà tác động của việc nhanh chóng từ bỏ chính sách zero-Covid vẫn chưa được nhìn thấy vào thời điểm này.
Đối mặt nhiều thách thức
Kinh tế APAC sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức vào năm 2023. Chủ yếu là do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập, gây ra bởi sự thắt chặt mạnh mẽ của Fed và các ngân hàng trung ương. Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhưng nhu cầu có thể yếu hơn nhiều. Kinh tế Trung Quốc chưa thể đoán định.
Ông Dong Tao (Phó chủ tịch mảng ngân hàng cá nhân cao cấp khu vực đại Trung Quốc, Tập đoàn Credit Suisse)
Ông Eric Chiang: Hầu hết các nước APAC sẽ tránh được suy thoái do nền kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, và hoạt động du lịch và lữ hành sẽ tiếp tục khi biên giới được mở ra (ngoại trừ Trung Quốc). Những thách thức lớn nhất là: lạm phát tăng cao trong ít nhất nửa đầu năm 2023, lãi suất tăng cao, chính sách tiền tệ sẽ vẫn thắt chặt trong phần lớn thời gian của năm, nhu cầu xuất khẩu yếu hơn do EU và Mỹ cùng các nền kinh tế phát triển khác bị chậm lại hoặc rơi vào suy thoái, và sự không chắc chắn của kinh tế Trung Quốc.
Nền kinh tế hậu Covid mạnh nhất ở Đông Nam Á
Ông dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2023?
Ông Robert Carnell: Việt Nam là nền kinh tế hậu Covid mạnh nhất ở Đông Nam Á và vị thế này có thể sẽ kéo dài đến năm 2023 – cụ thể là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam khi các công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang thấy trên toàn khu vực là lạm phát đang đạt đỉnh, và Việt Nam cũng sẽ trải qua đỉnh lạm phát trong những tháng tới, nên nếu có tăng lãi suất cũng sẽ chỉ ở mức vừa phải.
GS David Dapice: Phải nói rằng, Việt Nam đang ở trong tình trạng tốt hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác. Việt Nam đang thu lợi từ việc di chuyển chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu khỏi Trung Quốc. Ngay cả khi tổng xuất khẩu toàn cầu giảm, lợi ích này vẫn sẽ hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu tâm về chính sách cho một số công nhân bị sa thải do hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
GS Dwight Perkins: Nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng phát triển tốt vào năm 2023 nhưng thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể là một thách thức, do suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở Mỹ và tác động của chiến sự Ukraine đối với kinh tế EU.
Ông Eric Chiang: Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2023, nhờ chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn khi tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp được cải thiện. FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam khi các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Lạm phát sẽ vượt 4% trong quý 1/2023 và có lẽ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lãi suất theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để ổn định chênh lệch lãi suất giữa 2 bên.
Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng Trong bối cảnh như vậy, theo ông, Việt Nam cần có chính sách gì?
Ông Robert Carnell: Đã có tranh luận về việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Nhưng như đã đề cập, lạm phát có lẽ không còn xa so với mức đỉnh và không cần phải quá căng thẳng trong việc tăng lãi suất. Trong bối cảnh này, tỷ giá hối đoái USD/Việt NamD ổn định có lẽ là một động thái phù hợp vì USD có vẻ sẽ giảm giá nhẹ trong năm 2023, nên điều này sẽ mang lại một động thái hỗ trợ tiền tệ vừa phải.
GS David Dapice: Bên cạnh việc hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn, Chính phủ nên tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhà ở giá rẻ cũng đang thiếu nguồn cung ở nhiều nơi và đó là lĩnh vực đầu tư khả thi. Triển vọng trung hạn đối với bất động sản đô thị ở Việt Nam là tốt vì nhiều lao động nông thôn sẽ chọn di cư đến làm việc ở các thành phố.
Ông Eric Chiang: Đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng như nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh các khu công nghiệp sẽ thúc đẩy hoạt động hậu cần và tạo nền tảng cho nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng thâm hụt ngân sách sẽ thu hẹp sau năm 2023.