Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiÔ tô điện ‘Make in Vietnam’ hiện thực hóa giấc mơ ‘cắm...

Ô tô điện ‘Make in Vietnam’ hiện thực hóa giấc mơ ‘cắm cờ trên đất Mỹ’ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Từ chỗ bị xem là “đến cái ốc vít còn không làm nổi”, Việt Nam đã có những chiếc ô tô điện đầu tiên, là sản phẩm kết tinh trí tuệ cao nhất trong ngành công nghiệp ô tô, xuất khẩu đi Mỹ để mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Những ngày giữa tháng 11, cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao về hình ảnh một con tàu khổng lồ xuất hiện ở ngoài khơi cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Với những công nhân làm việc ở khu vực cảng, hình dáng của con tàu này không hề xa lạ với họ. Mỗi năm, ít nhất hàng chục lần họ chứng kiến những con tàu như vậy cập cảng, để bàn giao những chiếc ô tô nhập khẩu từ hàng loạt thương hiệu lớn vào thị trường Việt Nam.

Nhưng lần này, con tàu khổng lồ mang tên Silver Queen kia không đến để giao xe. Nó đến Việt Nam với một sứ mệnh tạo ra bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Con tàu dài 183m chính là tàu chuyên chở 999 chiếc VinFast VF8 đến California (Mỹ) để bán tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Ngày 25/11/2022, VinFast chính thức xuất khẩu ô tô sang Mỹ dưới sự chứng kiến của người đứng đầu chính phủ Việt Nam – Thủ tướng Phạm Minh Chính. 999 chiếc VF8 này chỉ là những đơn hàng đầu tiên trên tổng số 65.000 đơn hàng VinFast nhận được trên phạm vi toàn cầu.

Chứng kiến khoảnh khắc này, nhiều người đã thốt lên: “Ông Phạm Nhật Vượng đã hiện thực hóa giấc mơ cắm cờ trên đất Mỹ sau 6 năm”.

1. Ô tô điện ‘Make in Việt Nam’ ‘cắm cờ’ trên đất Mỹ

“Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không oai lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được cho nó oách” – đây là câu nói kinh điển của ông Phạm NhậtVượng vào năm 2016 trong buổi cuộc gặp mặt của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam với các cán bộ lãnh đạo của Viettel.

6 năm qua, người ta vẫn đợi đến ngày ông Vượng “cắm cờ” trên đất Mỹ và giờ đây, mọi thứ đã trở thành sự thực.

999 chiếc xe điện VinFast VF8 xuất khẩu đi Mỹ chỉ là khâu hoàn tất bước đầu của một công đoạn chuẩn bị thần tốc, táo bạo nhưng cũng tốn vô số công sức và tiền bạc của VinFast để chính thức đặt nền móng kinh doanh ô tô điện tại thị trường Mỹ – nơi được xem là thước đo thành công của mọi sản phẩm công nghệ cao thế giới.

Ngày 17/11/2021, VinFast tham dự triển lãm Los Angeles Autoshow, trình làng 2 mẫu xe điện đầu tiên là VF8 và VF9 (khi đó có tên gọi VinFast VF e45 và VF e36), công bố trở thành một thương hiệu toàn cầu.

Đến tháng 1/2022, hãng tiếp tục có mặt tại CES 2022 với một dải sản phẩm hoàn chỉnh gồm 5 mẫu ô tô điện thuộc các phân khúc A, B,C,D,E, đồng thời công bố dừng hoàn toàn việc sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong để trở thành một hãng xe điện – sớm hơn khoảng 3-5 năm so với nhiều nhà sản xuất khác.

Tiếp đó đến giữa năm, hãng công bố mở 6 showroom tại bang California (Mỹ) – nơi được xem là “thiên đường xe điện” tại thị trường Mỹ với lượng phổ cập cao gấp vài lần so với mặt bằng chung ở nước Mỹ. Các showroom này đều tọa lạc ở các vị trí đắc địa, là nơi để người tiêu dùng nước này đến trải nghiệm và trực tiếp đặt mua sản phẩm, không qua hệ thống đại lý thứ 3 như phương thức kinh doanh của các hãng ô tô truyền thống.

Đó là chưa kể đến việc hãng ô tô Việt cũng đã hoàn thành các thủ tục để mở một nhà máy tổng trị giá có thể lên tới 4 tỷ USD tại bang Bắc Carolina, dự kiến tạo ra khoảng 7.500 việc làm cho lao động ở Mỹ khi đi vào hoạt động vào năm 2024..

“Chốt” năm 2022 với hàng loạt sự kiện, hãng công bố đã nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq với mã VFS. Tất nhiên, những chiếc VinFast VF8 “Make in Vietnam” đầu tiên cũng sẽ đến tay người tiêu dùng Mỹ ngay trong tháng 12 này, đánh dấu một năm với rất nhiều sự kiện lớn của thương hiệu ô tô Việt Nam.

“VinFast mở ra kỷ nguyên sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam đủ đẳng cấp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành công nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới” – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét.

2. Viết tiếp “giấc mơ dang dở”

Nhìn lại lịch sử, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu phát triển từ cách đây khoảng 20 năm (năm 1991) – tức là chậm hơn khoảng 30 năm so với các nước trong khu vực. Trải qua khoảng thời gian khá dài “dậm chân tại chỗ”, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ phát triển nhanh trong khoảng 3-4 năm trở lại đây.

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam trong các năm từ 2018 đến 2021, số lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước lần lượt đạt 287.586 xe năm 2018, 339.151 xe năm 2019, 323.892 xe năm 2020 và 346.876 xe năm 2021.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình phát triển chung của các cường quốc sản xuất ô tô trong khu vực và thế giới, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn bị cho là phân tán, rời rạc.

Sự xuất hiện của Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên năm 2004 và phát triển mạnh mẽ giai đoạn 2006-2008 mang đến nhiều kỳ vọng vào một thế lực mới của ngành công nghiệp ô tô Việt. Tuy nhiên, chiến lược sai lầm cùng gánh nặng về vốn khiến Vinaxuki dần “rơi rụng” và biến mất khỏi bản đồ ngành ô tô trong nước.

Có một thực tế là bất cứ doanh nghiệp sản xuất ô tô nào muốn thành công đều không thể chỉ tập trung vào thị trường nội địa mà cần hướng tới xuất khẩu, từ đó tăng sản lượng, tối ưu hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh và đó chính là con đường VinFast đang chọn đi.

Theo nhiều chuyên gia, việc VinFast xuất khẩu những chiếc ô tô điện đầu tiên sang Mỹ đã “thổi bùng” giấc mơ đưa ô tô Việt Nam ra thế giới.

“VinFast dù đi sau trong lĩnh vực sản xuất ô tô nhưng có một lợi thế rất lớn là đã nhanh chóng tiếp cận ngay các công nghệ mới nhất, tự động hoá nhất, thông minh nhất, cách tiếp cận khách hàng khác biệt nhất cùng với việc tập hợp được nhiều nhân tài toàn cầu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.

Tiềm lực của hãng sản xuất ô tô Việt cũng là không hề nhỏ khi công ty này được hỗ trợ bởi Vingroup – Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tổ hợp nhà máy của VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải có diện tích 335 ha, công suất 250.000-500.000 xe/năm.

VinFast cũng sẵn sàng bắt tay với những đối tác có tiếng tăm hàng đầu thế giới như Pinifarina, Bosch, BMW, CATL vv… để tiến nhanh theo mục tiêu ban đầu nhưng vẫn thiết lập nền móng vững chắc cho mỗi bước đi của mình.

“VinFast đang hiện thực hoá giấc mơ 5 năm tới sẽ trở thành trung tâm sản xuất ôtô điện quan trọng ở Đông Nam Á, cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu, trang Reuters viết.

3. Từ ô tô điện “MAKE IN VIETNAM – EXPORT TO USA” đến ô tô điện “MAKE IN VIETNAM – MADE IN USA”

Nhưng xuất khẩu ô tô chỉ là bước đầu trong kế hoạch “cắm cờ” của ông Phạm Nhật Vượng trên đất Mỹ. Trong tương lai không xa, thương hiệu ô tô Việt kỳ vọng sẽ tạo ra những chiếc ô tô “made in USA” để bán tại thị trường Bắc Mỹ.

Ngày 29/3/2022, VinFast ký thỏa thuận sơ bộ về việc rót khoản đầu tư ban đầu trị giá 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện và pin cho xe điện ở bang Bắc Carolina (Mỹ). Thỏa thuận này nằm trong kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD vào tổ hợp nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Mỹ.

Giai đoạn một của nhà máy được khởi công trong năm 2022, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào vận hành từ tháng 7/2024 với công suất ban đầu 150.000 xe/năm.

Cũng trong ngày này, Nhà Trắng đưa ra thông báo cho biết nhà máy của VinFast ở bang Bắc Carolina sẽ giúp tạo ra hơn 7.000 việc làm. Văn phòng Thống đốc Bang Bắc Carolina cũng ra thông cáo nhấn mạnh đây là cơ sở sản xuất ô tô đầu tiên và là dự án lớn nhất trong lịch sử của bang.

“Với việc đặt nhà máy sản xuất ngay tại thị trường Mỹ, VinFast có thể bình ổn giá và rút ngắn thời gian giao hàng, giúp xe điện của chúng tôi tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn”, bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu cho biết.

Động thái quyết tâm mở nhà máy sản xuất xe điện và pin xe điện tại Mỹ của VinFast được xem là sáng suốt bởi ngay sau đó, Mỹ đã phê duyệt một đạo luật có tên Inflation Reduction Act (tạm dịch là Đạo luật Cắt giảm Lạm phát), trong đó đưa ra các quy định khắt khe hơn về việc cung cấp khoản trợ giá 7.500 USD cho người mua xe điện.

Theo đó, chỉ những chiếc xe có nguồn gốc sản xuất/lắp ráp tại Mỹ, giá thành dưới 55.000 USD với sedan, dưới 80.000 USD với bán tải và SUV đồng thời pin xe điện phải có cấu thành tới từ Mỹ hoặc quốc gia mà Mỹ ký kết hiệp định thương mại mới đủ điều kiện nhận mức trợ giá nói trên.

Khi đi vào sản xuất tại Mỹ, những chiếc ô tô điện của VinFast sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nói trên để nhận trợ giá, giúp tăng ưu thế cạnh tranh với các đối thủ, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn như bà Lê Thị Thu Thủy chia sẻ.

“Năm 2023 kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ và tôi không thể nghĩ ra món quà nào tuyệt hơn thế này khi những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam, những chiếc điện đầu tiên sang Hoa Kỳ cũng như sẽ sản xuất những chiếc xe này tại đất Mỹ, bởi những người công nhân Mỹ”, ngài Marc Knapper – Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam – chia sẻ tại sự kiện xuất khẩu xe VinFast.

4. Thời điểm “vàng” nhưng thách thức vẫn ở đó

2022 chắc chắn là thời điểm vàng để gia nhập thị trường ô tô điện. Theo thống kê của EV- Volume, doanh số ô tô điện trên toàn cầu đã tăng 62% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, đạt 4,3 triệu xe (gồm cả xe điện chạy pin và xe plug-in hybrid). Trong đó, thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng 113%, 2 thị trường quan trọng của VinFast là EU và Mỹ + Canada ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 9 và 49%.

Trong khi đó, theo thống kê của JATO Dynamics, tăng trưởng nhu cầu xe điện tại Mỹ và châu Âu đều cực kỳ hứa hẹn. Tại Mỹ, thị phần xe điện đã đạt mốc 5,1% – được xem là cột mốc “vàng” để nhu cầu tăng vọt trong tương lai gần trong khi tại châu Âu, cứ 10 xe bán ra thì có 1 chiếc là xe điện (tương đương khoảng 10%).

Theo InsideEV, xu hướng tăng trưởng tại Mỹ sẽ tiếp tục vào năm 2023 khi một số mẫu SUV và bán tải chạy điện giá mềm đổ bộ vào thị trường. Đây chính là những dòng xe được người Mỹ ưa chuộng nhất, cũng là dòng xe mà VinFast đang giới thiệu cho người dùng Mỹ.

Nhu cầu tăng cao nhưng các hãng xe lại gặp khó trong việc đẩy mạnh sản xuất do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài cũng như tình trạng thiếu chip bán dẫn. Bên cạnh đó, pin cũng là một trong những vấn đề nan giải mà tất cả nhà sản xuất xe điện phải giải quyết.

VinFast hoàn toàn hiểu vấn đề này. “Đúng là bây giờ cái gì cũng thiếu, thậm chí xe VF e34 của chúng tôi chỉ còn thiếu 1 con tem thôi vì nhà cung cấp không cấp được thì cũng không xuất xưởng được. Khi đảm bảo nguồn cung thì sẽ phát triển được rất nhanh vì trên thế giới bây giờ chỉ thiếu chứ không thừa xe. Nếu có xe, chúng ra có thể bán được rất nhanh ở nhiều thị trường”, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5/2022.

Để tự chủ về nguồn cung pin – được xem là “chìa khóa” để tăng tốc sản xuất ô tô điện, Vingroup, VinFast đã chi nghìn tỷ để liên tục mở 2 nhà máy pin mới chỉ trong 12 tháng qua.

Hãng gọi đây là chiến lược “kiềng 3 chân” gồm mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới; hợp tác với các đối tác để sản xuất pin và tự nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin.

Có thể coi ẩn số về chuỗi cung ứng chính là thách thức lớn nhất cho các kế hoạch kinh doanh của VinFast ở sân chơi toàn cầu.

Nói với Nikkei Asia, CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy cho biết mục tiêu của hãng là bán được 1 triệu xe điện trên toàn cầu trong 5-6 năm tới. Đây là con số cực kỳ tham vọng nếu biết Tesla mất 12 năm để bán được 100.000 chiếc xe điện đầu tiên, còn 2 startup Trung Quốc là Nio hay Xpeng cũng đều mất khoảng 6 năm để đạt được mức doanh số tương tự.

“Dự đoán về VinFast là điều không dễ dàng bởi tốc độ chưa từng có cùng khả năng phá vỡ các giới hạn của hãng xe Việt nhưng chắc chắn VinFast sẽ sớm trở thành một đối thủ đáng gờm với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu”, ông Dan Vardie – chủ tịch tổ chức đánh giá xe hàng đầu châu Âu là Autobest nói khi được hỏi về VinFast. Đây là tổ chức đã trao cho VinFast giải thưởng “ngôi sao mới” vào năm 2018 khi hãng lần đầu ra mắt thương hiệu tại Paris Motor Show năm đó và “ngôi sao đang lên” cũng tại triển lãm này vào năm 2022.

“VinFast có thể bán 500.000-700.000 xe mỗi năm nhưng biết đâu, dự đoán của chúng tôi cho 4- 5 năm, hãng có thể đạt được chỉ sau 2 năm”, ông Dan Vardie kết luận.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới