Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế các nước châu Á - Thái Bình Dương thế nào...

Kinh tế các nước châu Á – Thái Bình Dương thế nào trong năm 2023?

Công ty phân tích Moody’s, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s, vừa công bố dự báo tình hình của các nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong năm 2023.

Xuất khẩu các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương gặp nhiều khó khăn do kinh tế EU và Mỹ có thể bị suy thoái

Về tổng thể, kinh tế APAC sẽ tránh được suy thoái vào năm 2023 khi các nền kinh tế thuộc khu vực tiếp tục phục hồi. Kinh tế APAC nói chung sẽ tăng mức tăng trưởng từ 3,2% trong năm 2022 lên 3,5% vào năm 2023, trong đó có sự kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 khi bắt đầu hoạt động ổn định. Nền kinh tế Hồng Kông cũng sẽ cải thiện vào năm 2023 sau sự trì trệ kéo dài do các hạn chế về phòng chống dịch Covid-19 và việc đi lại quốc tế bị giới hạn.

Dự kiến, gần như toàn bộ phần còn lại của APAC sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 do phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu. Các nền kinh tế xuất khẩu của khu vực phải đối mặt với nhu cầu ít hơn từ châu Âu và Mỹ do khả năng suy thoái vào năm 2023. Lãi suất sẽ vẫn cao do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đồng thời, tuy phục hồi nhưng nhu cầu yếu từ Trung Quốc cũng vẫn cản trở sự tăng trưởng của khu vực.

Trung Quốc

Nửa đầu năm 2023, dù Trung Quốc đã nới lỏng một số chính sách phòng chống dịch Covid-19 nhưng con đường mở cửa trở lại sẽ gập ghềnh. Việc nới lỏng phòng chống dịch ban đầu làm số ca nhiễm mới tăng nhanh, làm gián đoạn nguồn cung lao động và chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời đe dọa làm tắc nghẽn hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tất cả những điều này sẽ hạn chế triển vọng của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2023.

Đến nửa sau năm 2023 thì tình hình sẽ thuận lợi hơn do vấn đề bệnh dịch dần được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, còn có nhiều thách thức đối với Trung Quốc hơn là Covid-19. Ví dụ, sau sự can thiệp của chính quyền để giảm nợ cho lĩnh vực bất động sản, hoạt động xây dựng và bán nhà vốn đã giảm mạnh. Trong đó, nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn đang khiến nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc bán ra thế giới giảm đi.

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 có thể sẽ tăng trưởng 4,5% so với năm 2022.

Hàn Quốc

Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng mức độ đã giảm bớt từ năm 2022. Nhu cầu trong nước tăng vững chắc đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong những tháng gần đây. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đã thúc đẩy các ngành cung cấp dịch vụ và đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, giá cả tăng cao và lãi suất cao hơn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình. Với sự giảm bớt lạm phát gần đây và sự tăng giá của won, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất cơ bản, giúp tiêu dùng mạnh hơn trong những tháng tới.

Triển vọng bên ngoài của Hàn Quốc bị che mờ bởi thâm hụt thương mại gia tăng đáng kể. Xuất khẩu đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và tăng trưởng trong năm tới sẽ bị kìm hãm bởi những tác động từ bên ngoài.

Thái Lan

Kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 khi du lịch phục hồi và nhu cầu trong nước được thúc đẩy. Tuy nhiên, Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các nước ASEAN khác do thiếu tính năng động trong xuất khẩu và tình trạng thiếu lao động.

Sự phục hồi kinh tế chậm hơn ở các đối tác thương mại lớn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan trong quý 1/2023, nhưng tác động này sẽ không kéo dài do nhu cầu xuất khẩu trong khu vực tăng. Lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan vào năm 2023.

Dự báo Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ duy trì việc tăng lãi suất chính sách thêm 0,25 điểm phần trăm mỗi quý cho đến khi đạt 2% vào quý 3/2023 (hiện tại là 1,25%). Mức tăng này hạn chế lạm phát nhưng không gây tổn thương cho nền kinh tế. Lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống 2,8% vào năm 2023, tức nằm trong mục tiêu 1 – 3% mà nước này đề ra.

Nhật Bản

Moody’s kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng vừa phải vào năm 2023, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại và sự thiếu hụt nguồn cung sẽ thách thức triển vọng. Nhu cầu nội địa Nhật Bản đang tăng lên, nhưng GDP vẫn ở dưới mức đỉnh trước đại dịch, nên sự phục hồi còn tiếp tục.

Trong khi đó, lạm phát leo thang là một rủi ro đối với chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng phần lớn sự phục hồi bên trong Nhật Bản được thúc đẩy bởi việc tăng chi tiêu cho các dịch vụ ít phụ thuộc vào lạm phát. Nhu cầu bị dồn nén, việc nới lỏng các hạn chế trong thời kỳ đại dịch và việc nối lại hoạt động du lịch quốc tế sẽ giúp Nhật Bản tránh được suy thoái kinh tế “trong gang tấc”.

Tháng 4, nhiệm kỳ thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản của ông Haruhiko Kuroda sẽ kết thúc, nên có nhiều suy đoán về một chính sách xoay trục dưới thời người kế nhiệm của ông. Mọi người đang chú ý đến các cuộc đàm phán về tiền lương. Nhưng khả năng là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giữ nguyên các đòn bẩy chính sách lớn.

Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6%, thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á, năm 2023, nhờ chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn khi tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp được cải thiện. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam khi các tập đoàn nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tìm đến các nơi có chi phí thấp hơn và ít bất ổn địa chính trị hơn. Căng thẳng kéo dài Mỹ – Trung thúc đẩy các nhà sản xuất đa dạng hóa sản phẩm tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, tình trạng thiếu việc làm sẽ còn kéo dài hơn trong các ngành phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài như khách sạn. Ngoài ra, chi phí đầu vào cao và áp lực tăng lương sẽ khiến giá cả tăng cao. Moody’s dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất cơ bản theo Fed nhằm ổn định chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời ngăn dòng vốn ngắn hạn chảy ra. Tiền đồng mạnh hơn sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu và cải thiện tình trạng giá cả hàng nhập khẩu tăng cao.

Đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng sẽ thu hút đầu tư có giá trị cao hơn vào Việt Nam. Trong vài năm tới, nguồn thu ngân sách tăng lên sẽ giúp tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

Singapore

Triển vọng cho nền kinh tế Singapore vào năm 2023 rất khó khăn, do sự phụ thuộc vào ngoại thương trong khi tăng trưởng toàn cầu suy giảm sẽ gây khó cho hàng hóa xuất khẩu của đảo quốc sư tử. Ngành công nghiệp điện tử chủ chốt của nước này đã có những dấu hiệu đáng lo ngại trong những tháng gần đây. Hàng hóa của Singapore bán sang đối tác then chốt về xuất khẩu là Trung Quốc đang trên đà suy giảm.

Với Singapore, lạm phát sẽ vẫn là một rủi ro trong năm 2023 dù đã qua khỏi mức đỉnh, đặc biệt là giá cả hàng hóa nhập khẩu. Giá thực phẩm tươi sống dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do điều kiện thời tiết khó lường, trong khi Singapore gần như tất cả thực phẩm tươi sống và có rất ít nguồn cung trong nước. Nhiều khả năng, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore tăng cường chính sách thắt chặt ngay trong tháng 1. USD có thể sẽ tiếp tục mạnh lên do Fed tăng lãi suất cơ bản, điều này càng khiến Singapore phải áp dụng những biện pháp để kiềm chế giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao.

Indonesia

Triển vọng của Indonesia cho năm 2023 vẫn lạc quan nhưng chắc chắn sẽ chậm hơn so với năm 2022. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 4,6% so với mức ước tính 5,2% trong năm 2022. Nền kinh tế xuất khẩu của Indonesia đã hoạt động tốt nhờ giá hàng hóa cao trong năm 2022 nhưng xu hướng này sẽ yếu dần vào năm 2023.

Ngân hàng Trung ương Indonesia tương đối chậm trễ trong việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng đang đẩy nhanh việc thắt chặt khi tăng tổng cộng 1,75 điểm phần trăm trong các đợt tăng lãi suất kể từ tháng 8.2022 và có thể còn tăng thêm 0,75 điểm phần trăm trong năm 2023.

Một rủi ro tiêu cực đối với sự phục hồi của Indonesia là ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, do các chính sách của chính phủ vừa được công bố gần đây bao gồm lệnh cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới