Mỹ lại chọc giận Trung Quốc khi đưa tàu chiến ghé thăm vùng eo biển Đài Loan. Quân đội Mỹ thông báo đây là hoạt động thường kỳ. Còn quân đội Trung Quốc thì nói rằng đây là “thách thức láo xược”.
Kịch bản của Mỹ chẳng có gì mới khi một tàu chiến Mỹ hôm 5/1 lại băng qua eo biển Đài Loan trong khuôn khổ một hoạt động quân sự bình thường. Thông cáo của quân đội Mỹ cho hay, khu trục hạm Chung-Hoon, thuộc lớp Arleigh Burke, có trang bị tên lửa dẫn đường, đã băng qua eo biển Đài Loan. Động thái này nhằm “thể hiện cam kết của Mỹ đối với một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Bạn đọc hẳn còn nhớ, lớp Arleigh Burke được coi là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực. Sự kết hợp của những tàu khu trục này tạo nên “lá chắn thần” bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.
Về phía Đài Loan, Bộ Quốc phòng nước này xác nhận, chiến hạm Mỹ đã đi theo hướng bắc, qua eo biển và. Quân đội Đài Loan theo dõi chặt chẽ hành trình con tàu và không hề nhận thấy điều gì khác thường. Bởi trong những năm gần đây, tàu chiến của Mỹ, cũng như tàu của các quốc gia đồng minh như Anh Canada, đã thường băng qua eo biển này.
Trước sự xuất hiện tàu chiến Mỹ tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc ở Washington tuyên bố: Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động của Mỹ, yêu cầu nước này ngưng “gây xáo trộn, leo thang căng thẳng, phá hoại hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan”.
Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc còn tố cáo: “Tàu chiến của Mỹ thường xuyên phô trương sức mạnh dưới danh nghĩa tự do hàng hải. Làm như thế không phải là giữ cho khu vực tự do và cởi mở”.
Còn tại Đại lục, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc nói rằng, quân đội đã triển khai lực lượng để theo dõi và giám sát hành trình của con tàu, “mọi hoạt động của đối phương đều nằm trong tầm kiểm soát”.
Nóng bỏng không kém tình hình trong khu vực Biển Đông, eo biển Đài Loan gây căng thẳng kéo dài và bế tắc trong các cuộc đối thoại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc. Tháng trước, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã áp sát một phi cơ do thám của Không quân Mỹ tại vùng biển gần Hoàng Sa ở Biển Đông, buộc máy bay Mỹ phải gấp rút né tránh để thoát cuộc va chạm trong không phận quốc tế. Mỹ đã cảnh báo về xu hướng máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên có thêm các hành vi nguy hiểm.
Căng thẳng Trung Quốc- Đài Loan leo thang sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi. Bà đến hòn đảo vào tháng 8/2022. Dùng lý lẽ để thuyết phục không được, Trung Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn nhất từ trước đến nay chung quanh hòn đảo. Cuộc tập trận diễn ra ngay sau khi bà Pelosi kết thúc chuyến thăm.
Nhà trắng trong phát ngôn chính thức luôn thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Mặc dù vậy Mỹ vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan, ủng hộ quyền tự định đoạt tương lai của người dân hòn đảo, đồng thời gia tăng mua bán quốc phòng với Đài Loan trong những năm qua.
Đài Loan không chỉ là đồng minh quân sự của Mỹ, mà còn được sự ủng hộ của Nhật Bản và các liên minh quân sự trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy Đài Loan không được công nhận với tư cách là một quốc gia nhưng hành vi sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp của Trung Quốc sẽ vấp phải phản đối quốc tế, bởi nhiều quốc gia không muốn thay đổi hiện trạng do Mỹ đang dẫn dắt.
Cuộc chiến Trung Quốc tấn công Đài Loan bằng vũ lực tuy chưa xảy ra nhưng ngày càng gia tăng tính phức tạp và khó dự báo. Giả sử Mỹ tham gia vào cuộc chiến, họ sẽ có những hành động mạnh mẽ và can thiệp rất sâu vào những chiến lược của Đài Loan.
Khi chiến tranh bùng nổ sẽ chứng minh một tinh thần quyết tâm cao độ và dám chấp nhận phải chi trả cái giá đắt nhất của Trung Quốc để thực hiện mục tiêu bá quyền. Điều này đã hiện hữu rõ qua bản chất vị kỷ và ưu tiên vũ lực để bảo đảm an ninh quốc gia, mưu cầu quyền lực tối đa của chính quyền Bắc Kinh.
Vì vậy, chuyện tàu chiến Mỹ lượn lờ chung quanh Eo biển Đài Loan vẫn là một phép thử của Mỹ và đồng minh. Lên án gay gắt như thế nhưng Bắc Kinh cũng không thể có động thái nào khác hơn, nhất là dùng vũ lực vào lúc này. Đành xua đuổi cho tàu chiến đâm va. Rồi cho máy bay đụng độ trên trời. Âu cũng là “phép” giấu mình chờ cơ hội đến.
H.Đ