Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao xuất khẩu gặp khó, kinh tế Việt Nam vẫn được...

Vì sao xuất khẩu gặp khó, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng?

Trong khi mảng xuất khẩu sụt giảm, tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế trong nước bao gồm bán lẻ và dòng vốn đầu tư trở thành bệ đỡ chính, duy trì sự phục hồi.

Du lịch hồi phục sớm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung

Sau khi tăng trưởng GDP đạt mức tốt nhất từ 1997 với mức tăng 8,02%, bước sang năm 2023, đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài.

Đây là nhận định mới nhất trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4-2022 và triển vọng 2023, do bộ phận Global Economics & Markets Research của Ngân hàng UOB (Singapore) thực hiện và công bố ngày 3-1.

Giữ nguyên dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

Với các đánh giá trên, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%, nhất quán với dự báo chính thức là 6,5%.

Trong những tháng cuối năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà phục hồi phần lớn nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng trong ngành sản xuất và dịch vụ: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 22,4 tỉ USD trong năm 2022, từ mức 19,7 tỉ USD năm 2021, ngành bán lẻ tăng 17,1% so với cùng kỳ…

Các động lực này đã thúc đẩy tăng trưởng nội địa ổn định và có khả năng sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2023.

Song, sự phục hồi mạnh mẽ trên khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2023.

Lý do đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ thị trường Mỹ và châu Âu, chiếm 41% tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, trong nước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thắt chặt chính sách trước áp lực lạm phát và tiền đồng suy yếu, mặc dù nhu cầu trong nước có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng vào năm 2023 với thu nhập gia tăng và triển vọng kinh doanh được cải thiện.

Với tỉ lệ lạm phát duy trì khá ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước dự kiến ​cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Cuối tháng 12-2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt” để giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023, nhằm “ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”.

Vì vậy, UOB cũng đưa ra dự báo khả năng Ngân hàng Nhà nước thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023, và có thể tạm ngừng từ đó, phù hợp với quan điểm về quỹ đạo chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Về chiến lược ngoại hối, UOB cho biết đồng Việt Nam đã tăng trở lại từ mức 24.500 đồng/USD hồi đầu tháng 12 lên mức hiện tại khoảng 23.630 đồng/USD. Động thái này trùng hợp với sự phục hồi của đồng nhân dân tệ khi các biện pháp kiềm chế COVID-19 được nới lỏng, cổ vũ cho những suy đoán về việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến.

“Trong khi các thị trường ủng hộ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến, thì lộ trình phục hồi của quốc gia này có vẻ không diễn ra suôn sẻ do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm COVID-19. Suy thoái dự kiến diễn ra ​​​​ở các nền kinh tế phương Tây như Mỹ, Anh và khu vực đồng euro có khả năng làm tăng thêm những bất ổn”, báo cáo nhận xét.

Nhóm chuyên gia của UOB tiếp tục giữ quỹ đạo tăng của USD/VND với dự báo là 25.200 trong quý 1-2023, 25.400 trong quý 2-2023, 25.600 trong quý 3-2023 và 25.800 trong quý 4-2023.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới