Friday, September 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDoanh nghiệp TQ vẫn khốn khổ vì Covid

Doanh nghiệp TQ vẫn khốn khổ vì Covid

Theo bài đăng trên Tạp chí Phố Wall ngày 3/1, sau 3 năm kinh tế gián đoạn do chính sách zero-Covid gây ra, nhiều công ty Trung Quốc đã đón nhận một tin đáng hoan nghênh vào tháng 12, các biện pháp phong tỏa để phòng chống đại dịch đã được dỡ bỏ.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trước khi có thể tận dụng cơ hội mở của này, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc tạm thời đang phải đấu tranh để thích nghi với cuộc sống mới.

Các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho biết họ phải đợi chuỗi cung ứng hoạt động trở lại sau khi chính sách thay đổi đột ngột kiến môi trường xáo trộn, và khi làn sóng lây nhiễm COVID mới đang tác động tới những người lao động.

Hồng Bân Bân là giám đốc của công ty xuất đồ chơi Shenzhen Jiaoyang Industrial có trụ sở tại Thâm Quyến. Anh cho biết đợt bùng phát dịch Covid vào đầu tháng 12/2022 khiến mọi người bị ốm gần như cùng một lúc, với 90% nhân viên của công ty không thể làm việc trong khoảng 2 tuần.

Do thiếu lao động, công ty của anh phải hoãn giao một lô đồ chơi cho một khách hàng Hàn Quốc. Lịch giao hàng ban đầu là 25/12/2022, nhưng giờ phải lùi sang tháng 1/2023.

Bản thân anh Hồng Bân Bân cũng đã bị nhiễm Covid vào cuối tháng 12. Anh phàn nàn rằng, điều khiến anh cảm thấy bất lực và thất vọng là chính phủ Trung Quốc không đưa ra những cảnh báo liên quan hay những hướng dẫn tiếp theo sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Giờ đây, anh lại lo lắng rằng, khách hàng có thể trì hoãn việc đặt hàng do lo ngại một làn sóng tái nhiễm có thể xảy ra ở Thâm Quyến.

Kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp chống dịch vào ngày 7/12, virus corona đã lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước. Các doanh nghiệp cho biết, họ chưa chuẩn bị cho việc xét nghiệm Covid trên diện rộng và tình trạng thiếu lao động do công nhân bị lây nhiễm.

Ngày cuối cùng của năm 2022, chính phủ Trung Quốc công bố hoạt động của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi dịch Covid xuất hiện lần đầu.

Với sự đảo ngược của chính sách zero-Covid, dịch bệnh đã lây lan giữa những người lao động, người tiêu dùng và các công ty cung ứng trước Tết Nguyên đán.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng dịch bệnh có thể lan rộng khắp chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia nghiên cứu Stephen Roach, cựu chủ tịch khu vực châu Á của ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng thế giới liên thông bởi các chuỗi cung ứng trong đó lấy Trung Quốc làm trung tâm, cho nên bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi cung ứng đó hoạt động không trơn tru sẽ gây xáo trộn cho ngành sản xuất toàn cầu và nền kinh tế của thế giới.

Tuy nhiên, khả năng số ca nhiễm tăng đột biến vào tháng 1/2023 lại khiến nhiều người trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ lạc quan rằng tình hình có thể trở lại bình thường ngay vào đầu tháng 2. Hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc sẽ tạm ngừng để nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 1.

Nghe thì có vẻ lạ, nhưng khả năng là tình hình sẽ tốt lên, chứ không phải xấu đi. Đây là ý kiến của Andreas Nagel, giám đốc thương mại của hãng sản xuất thiết bị điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm Stulz có trụ sở ở Thượng Hải.

Vị giám đốc này nói: “Có khả năng thực sự là chúng ta sẽ trở lại bình thường sau Tết Nguyên đán.”

Các chủ doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc cho biết, virus đã lây lan nhanh ở miền bắc vào đầu tháng 12 trước khi lan sang Thượng Hải và miền nam Trung Quốc. Các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, chủ yếu là người lớn tuổi, còn những người trong độ tuổi lao động phần lớn hồi phục trong vòng 1-2 tuần sau khi bị nhiễm bệnh.

Trung Quốc quyết định dỡ bỏ các biện pháp chống dịch sau khi sức cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc giảm sút. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2022 giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng hơn 2 năm.

Philip Richardson, giám đốc hãng sản xuất thiết bị âm thanh Trueanalog Strictly OEM có trụ sở tại Panyu, cho biết công ty của ông phải đối mặt với bất lợi kép do đại dịch Covid và sự suy thoái trong chu kỳ kinh doanh gây ra.

Richardson đã làm ăn ở Trung Quốc hơn 20 năm. Ông cho biết tình trạng nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc cuối cùng được mở ra.

Tại thành phố Trịnh Châu, hãng Foxconn Technology Group miêu tả rằng dịch Covid lây nhiễm trong các nhà máy tương đối nhanh, người lao động của hãng đang phục hồi và sản xuất để đuổi kịp nhu cầu cung ứng theo hợp đồng cho hãng Apple.

Nhiều nhà máy vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm Covid, khiến kế hoạch đóng cửa nghỉ Tết phải kéo dài.

Một công nhân điều hành xe nâng ở Thượng Hải cho biết một nửa tổ làm việc của anh đang nghỉ ốm vì virus, và anh sẽ về quê ở tỉnh Giang Tô để nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn bình thường.

Công ty Nội thất ô tô Yanfeng, chuyên cung cấp phụ tùng cho các nhà sản xuất ô tô, trong đó có hãng Tesla, có kế hoạch cho phép công nhân nghỉ Tết sớm hơn thường lệ.

Tình trạng thiếu lao động cũng đang ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc.

Hãng Disneyland ở Thượng Hải cho biết một số buổi biểu diễn, các điểm tham quan và nhà hàng tại các công viên của hãng tạm thời phải đóng cửa hoặc giảm số lượng khách do nhân sự thiếu hụt.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp mất khách hàng.

Một cơ sở bán cơm cuộn ở một quận đông dân của Thâm Quyến cho biết đơn đặt hàng trong tuần cuối cùng của tháng 12/2022 rất ít và khác thường, do các ca nhiễm Covid mới trong thành phố tiếp tục gia tăng. Doanh nghiệp này cho biết hầu hết khách hàng dùng bữa tại chỗ đều bị nhiễm Covid và có rất ít đơn đặt hàng trực tuyến vì khách hàng sợ đồ ăn mang đi cũng bị nhiễm virus.

Những lo ngại như vậy đang lan rộng ở Trung Quốc, và các nhà chức trách phải lên tiếng yêu cầu khử khuẩn các loại hàng hóa như thực phẩm đông lạnh.

Mạng lưới logistic của Trung Quốc cũng tạm thời bị tê liệt do đợt bùng phát Covid mới. Hãng thương mại điện tử khổng lồ JD.com đã phải điều 1.000 công ty chuyển phát nhanh đến Bắc Kinh và Thượng Hải để giải quyết lượng hàng tồn đọng.

Các cơ quan có thẩm quyền treo thưởng khoảng 8,6 đôla mỗi ngày để thu hút những người giao hàng đi làm.

Một chủ quán cà phê ở Thâm Quyến cho biết việc giao đồ ăn và rang hạt cà phê cho khách hàng trở nên vô cùng khó khăn kể từ giới chức dỡ bỏ chính sách zero-Covid, vì tất cả các nhân viên của quán đều bị nhiễm virus.

Theo báo cáo China Beige Book, trong 3 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vay tiền từ các tổ chức phi ngân hàng nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2012.

Đây là một dấu hiệu cho thấy khó khăn có thể xảy ra đối với doanh nghiệp Trung Quốc, bởi vì khi các công ty vay tín dụng, câu hỏi luôn được đặt ra là: Đó là vì lạc quan hay vì căng thẳng? Cho đến nay, bằng chứng nghiêng về việc các doanh nghiệp đang gặp căng thẳng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới