Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhó có cơ hội cho 'hữu hảo' Mỹ - Trung ?

Khó có cơ hội cho ‘hữu hảo’ Mỹ – Trung ?

Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều tỏ tín hiệu sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán để giải quyết các bất đồng, nhưng liệu hai bên có đủ sức giải quyết mâu thuẫn vốn liên quan lợi ích sâu sắc của nhau.

Ngay sau khi trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Tần Cương ngày 1.1 có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Qua cuộc điện đàm, hai bên bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương. Không những vậy, Ngoại trưởng Blinken dự kiến sắp có chuyến công du Trung Quốc trong tháng 1 hoặc 2.2023. Chuyến công du được xem là hoạt động quan hệ song phương cấp cao nối tiếp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra hồi giữa tháng 11.2022 tại Bali (Indonesia).
Thời gian qua, quan hệ Mỹ – Trung liên tục căng thẳng xoay quanh nhiều vấn đề, từ các diễn biến địa chính trị trong khu vực đến quan hệ thương mại hai nước. Washington đã đẩy mạnh nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh, đồng thời Mỹ tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điển hình là lĩnh vực linh kiện bán dẫn. Vào tháng 10.2022, Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó nhấn mạnh: Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ; Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó…

Giữa bối cảnh như vậy, việc hai bên xúc tiến các kênh ngoại giao để giải quyết bất đồng liệu có hiệu quả? Nhiều chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhận định về vấn đề này khi trả lời Thanh Niên.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích trong việc đặt ra các kênh trao đổi, nhưng những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình xấu đi trong mối quan hệ vẫn không thay đổi. Do đó, tôi không kỳ vọng một sự thay đổi cơ bản trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Vẫn còn phải xem liệu hai bên có đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn tình trạng quan hệ song phương xấu đi hay không. Chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken sẽ là liều thuốc thử cho điều đó.

Tinh thần tương đối xây dựng sau cuộc gặp của Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bali sẽ tiếp tục trong năm 2023. Hai nhà lãnh đạo đã tìm cách ngăn chặn sự xấu đi trong quan hệ Mỹ – Trung khi họ gặp nhau bên lề hội nghị G-20. Kể từ đó, Ngoại trưởng Blinken đã dẫn đầu các hoạt động tiếp theo của Mỹ, bao gồm cả chuyến đi dự kiến tới Bắc Kinh. Chính quyền Biden muốn thử xem mong muốn hợp tác của Trung Quốc.

Rủi ro cao đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc và khu vực nếu hai nước này căng thẳng, nhưng khó có thể kỳ vọng sự cạnh tranh địa chính trị giữa hai bên sẽ giảm đi.

Ông Tập Cận Bình đã hoàn thành mục tiêu về vấn đề lãnh đạo ở Trung Quốc, nên có được một nền tảng ổn định để thực hiện chính sách đối ngoại. Nhưng Trung Quốc đang phải hứng chịu sự suy giảm của nền kinh tế do cả lệnh trừng phạt của phương Tây và đại dịch Covid-19. Các biện pháp của Bắc Kinh đối với Đài Loan cũng đang bị kiềm chế bởi Washington và đồng minh. Rồi xung đột ở Ukraine cũng đang trở thành một “gánh nặng” cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để Trung Quốc tìm cách hàn gắn với Mỹ.

Về phía Mỹ, đảng Dân chủ vẫn giữ được thế đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, giúp cho chính quyền Biden khỏi áp lực lớn từ quốc hội. Washington đang có cơ hội để tìm kiếm các ranh giới có thể chấp nhận được đối với một số bất đồng với Bắc Kinh.

Chuyến công du sắp tới của Ngoại trưởng Blinken tiếp nối động lực mà Tổng thống Biden và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tạo ra trong cuộc gặp ở Bali. Mục tiêu sẽ là thiết lập lại các kênh ngoại giao bình thường để tránh khủng hoảng và tìm kiếm các lĩnh vực cùng quan tâm để hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Nhưng điều đó sẽ không thay đổi sự cạnh tranh chiến lược lâu dài với nhau mà hai bên đang bế tắc.

Vì vậy, căng thẳng sẽ vẫn còn, và đối với các vấn đề như chuỗi cung ứng công nghệ cao và quản trị kỹ thuật số, sự cạnh tranh sẽ ngày càng buộc các đối tác phải lựa chọn giữa Mỹ với Trung Quốc.

Ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ)

Nỗ lực tiếp xúc nhau của Mỹ và Trung Quốc thể hiện hai bên đều coi trọng quan hệ song phương. Nhưng những vấn đề lớn hơn sẽ vẫn còn như: Hành động của Trung Quốc đối với các bên trong khu vực, sự bất đồng trong chính sách kinh tế của hai nước.

Trong cuộc gặp sắp tới, Ngoại trưởng Tần Cương có lẽ sẽ hứa hẹn những hành động tích cực, chẳng hạn như cam kết chống biến đổi khí hậu, và cố gắng giảm bớt mối lo ngại của giới lãnh đạo Mỹ và người dân về các hành động và ý định của Trung Quốc. Nhưng vấn đề là Trung Quốc có thực thi những hứa hẹn hay không?

Sau chuyến thăm của ông Blinken, căng thẳng hai bên có thể giảm bớt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì căng thẳng vẫn chực chờ bùng phát.

Ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử)

RELATED ARTICLES

Tin mới