Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu siết chặt việc đầu tư vào TQ

Châu Âu siết chặt việc đầu tư vào TQ

Nghị quyết năm mới 2023 của Brussels sẽ theo dõi chặt chẽ hơn về địa điểm và cách thức các công ty châu Âu đầu tư ra nước ngoài.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Ảnh John Thys/AFP via Getty Images

Châu Âu có nên kiểm soát cách các công ty tiêu tiền ở nước ngoài? Giả sử, nếu một nhà sản xuất chip châu Âu muốn mua cổ phần của một công ty khởi nghiệp Trung Quốc hoặc xây dựng một nhà máy mới ở đó? Đó là câu hỏi trị giá hàng tỷ euro mà các chính trị gia, nhà lập pháp và chuyên gia châu Âu sẽ phải vật lộn trong năm nay.

Ủy ban Châu Âu (EC) đã cam kết trong chương trình làm việc năm 2023 của mình rằng, “sẽ kiểm tra xem liệu các công cụ bổ sung có cần thiết đối với các biện pháp kiểm soát đầu tư chiến lược ra nước ngoài hay không” .

Theo tờ Politico, cụm từ đó chứa đựng rất nhiều hàm ý chính sách và hàng tháng trời suy nghĩ ở Berlin và Brussels. Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Đức và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu lo lắng về việc giao thương quá mật thiết với Nga hoặc Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến an ninh của họ.

Nhưng có lẽ điều ngạc nhiên nhất là động lực sàng lọc các đầu tư ra nước ngoài của châu Âu lại đến từ Berlin – điều không thể tưởng tượng được dưới thời của cựu Thủ tướng Angela Merkel, khi bà thúc đẩy một hiệp định đầu tư với Bắc Kinh vào cuối năm 2020.

Ở Đức, ý tưởng sàng lọc đầu tư bắt nguồn từ phe của đảng Xanh trong chính phủ, chịu trách nhiệm về các bộ ngoại giao và kinh tế. Đây là phe diều hâu nhất đối với Trung Quốc trong số ba đảng trong Chính phủ liên minh trung tả ở Đức.

Bản dự thảo Chiến lược Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Chúng tôi đang xem xét việc tạo cơ sở pháp lý để nghiên cứu kỹ lưỡng các khoản đầu tư ra nước ngoài của các công ty Đức và châu Âu vào các lĩnh vực quan trọng về an ninh.”

Theo tờ Politico, Berlin đã thực hiện các bước để tác động đến các lựa chọn đầu tư của các công ty Đức ở nước ngoài. Năm ngoái, họ đã tuyên bố rằng họ sẽ không còn đảm bảo các khoản đầu tư của Đức vào khu vực Tân Cương ở Trung Quốc.

Các công ty công nghệ cao có thể vào “tầm ngắm”
Châu Âu vẫn đang ở giai đoạn đầu trong việc định hình các quy tắc sàng lọc đầu tư ra nước ngoài tiềm năng. Nhưng các chuyên gia cho rằng, khối này có thể bắt đầu bằng cách đặt một nhóm nhỏ các lĩnh vực quan trọng về an ninh dưới sự giám sát.

Tobias Gehrke – chuyên gia tư vấn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu – nhận định, sẽ là hợp lý nếu trước tiên bao gồm các công ty bán dẫn hoặc công nghệ cao.

Theo ông Gehrke, “người châu Âu có thể bắt đầu với quy mô rất nhỏ như một bằng chứng về khái niệm, xem nó hoạt động như thế nào đối với ngành X và Y” .

Ông Gehrke đồng thời chỉ ra cách EU có thể nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực công nghệ cao nhận được lượng tiền mặt đáng kể của chính phủ. Điều này đảm bảo cho các quốc gia rằng tiền của họ cuối cùng sẽ không tài trợ gián tiếp cho sự phát triển công nghệ ở các quốc gia bị coi là thù địch.

Theo tờ Politico, sàng lọc đầu tư ra nước ngoài về cơ bản là một phiên bản đảo ngược của cơ chế sàng lọc đầu tư nước ngoài của EU. Theo các quy tắc hiện hành, các nước EU phải sàng lọc và ngăn chặn việc nước ngoài tiếp quản các công ty chiến lược và cơ sở hạ tầng trong khối.

Nhưng hai quan chức EC khi thông báo về các cuộc thảo luận nội bộ của Ủy ban cho biết, cho đến nay, việc giám sát đầu tư ra nước ngoài mới chỉ ở giai đoạn ý tưởng tại EC. Tuy nhiên, họ nghĩ rằng quá trình này sẽ tăng tốc ở Brussels nếu Đức tích cực thúc đẩy khái niệm này, đặc biệt là khi nó phù hợp với chính sách phòng vệ thương mại của châu Âu đối với Trung Quốc.

Theo tờ Politico, việc này có thể bắt đầu với quy mô nhỏ, nhưng việc chỉ đạo cách một số công ty nhất định có thể đầu tư ra nước ngoài có thể gây ra những hậu quả mang tính hệ thống đối với hệ thống thương mại toàn cầu, vốn dường như đang ngày càng bị chia rẽ thành các khối thống nhất về mặt chính trị.

Elmar Hellendoorn – chuyên gia cố vấn của Hội đồng Đại Tây Dương – cho biết: “Đây sẽ là một chương mới về cách EU xác định cả mối quan hệ của mình với Trung Quốc và Mỹ, nhưng cũng là cách chúng ta sẽ nhìn thấy mối quan hệ giữa thị trường vốn, an ninh quốc gia và địa chính trị, bởi vì một tầm nhìn tích hợp thực sự vẫn đang còn thiếu.”

Nhưng tờ Politico nhận định, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để châu Âu thông qua luật riêng của mình, đặc biệt là vì chính sách đầu tư vẫn được điều chỉnh ở cấp quốc gia riêng lẻ, không giống như các vấn đề thương mại. Vì vậy, các quốc gia EU có thể sẽ xung đột về việc đặt ranh giới giữa nền kinh tế thị trường tự do và an ninh quốc gia.

Theo ông Tobias Gehrke – chuyên gia tư vấn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, các quốc gia kiểm soát dòng tài chính ra nước ngoài là “biên giới tiếp theo” trong địa kinh tế; đồng thời cho biết thêm: “Việc tách rời sẽ gia tăng — chúng ta có thể khẳng định điều đó một cách chắc chắn tuyệt đối, nhưng chúng ta hoàn toàn không biết [mức độ] sẽ lớn đến mức nào.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới