Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiEo biển Đài Loan năm 2023 - “mùa giông bão”

Eo biển Đài Loan năm 2023 – “mùa giông bão”

Eo biển Đài Loan vừa chứng kiến các động thái quyết đoán của cả Mỹ và Trung Quốc. Theo nhiều người, các động thái đó báo hiệu một năm 2023 đầy giông bão.

Một cuộc tập trận của Trung Quốc gần eo biển Đài Loan

“Mở hàng” là việc Mỹ điều tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke Chung-Hoon qua eo biển Đài Loan. Chuyện tàu chiến Mỹ qua lại eo biển này không lạ. Thậm chí, cùng với Mỹ, còn là tàu chiến của các đồng minh phương Tây, như Anh, Pháp, vẫn thường nghênh ngang qua lại eo biển này, cũng như Biển Đông, như “chỗ không người”.

Mỗi lần như vậy, các cường quốc phương Tây lại tuyên bố rằng, họ có quyền, và có sứ mạng thực hiện “tự do hàng hải”, coi nó là ‘hoạt động bình thường”.

Thông báo của quân đội Mỹ về sự hiện diện của tàu Chung-Hoon lần này thoạt nghe, vẫn thế: “Tàu Chung-Hoon đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Nhưng “vẫn thế” là với ai kia, chứ với Trung Quốc, trong thời điểm này, mang sắc thái khác.

Thứ nhất, là thời điểm. Bắc Kinh không thể không đặt ra câu hỏi: Tại sao chiến hạm Chung-Hoon lại nhằm một ngày đầu năm (5/1) để lù lù xuất hiện? Muộn hơn, không được sao? Phân tích khiến Bắc Kinh vỡ ra rằng: Lầu Năm góc hẳn là đã tính toán; sự hiện diện của tàu Chung-Hoon tại thời điểm này có ý nghĩa như một thông điệp: Trung Quốc đừng tưởng bở. Năm 2023, ứng xử của Mỹ về vấn đề Đài Loan sẽ vẫn thế, chẳng có gì thay đổi?

Thứ hai, chiếc khu trục USS Chung-Hoon (DDG-93), thành viên của Hạm đội Thái Bình Dương mang tên lửa dẫn đường, là đội tàu khu trục mạnh nhất của Hải quân Mỹ. Sự xuất hiện của nó thường mang tính biểu tượng – phô diễn và răn đe dành cho đối thủ. Chung-Hoon hiện diện tại eo biển Đài Loan, Mỹ định răn đe ai, đối thủ nào, nếu không phải là Trung Quốc?

“Đọc vị” điều đó, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington – ông Liu Pengyu, đã nóng nảy tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối sự hiện diện của chiến hạm Chung-Hoon, đồng thời yêu cầu Mỹ “dừng ngay lập tức việc gây rắc rối, leo thang căng thẳng, làm suy yếu hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Bằng tuyên bố đó, Bắc Kinh gián tiếp chỉ ra động cơ, mục đích một động thái quân sự khiêu khích Trung Quốc của Mỹ ngay thời điểm đầu năm, tiếp theo những gì “tai tiếng” Mỹ đã làm trong năm 2022.

Đối lại một sự việc nghiêm trọng trên thực địa bằng những lời “đấu khẩu” là chưa đủ, thậm chí có thể bị coi là thất thế. Có lẽ thế, chỉ 3 ngày sau xuất hiện của tàu khu trục Chung-Hoon, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô với sự tham gia của 57 máy bay và 4 tàu chiến xung quanh Đài Loan. Cuộc tập trận kéo dài 24h, trong đó có 28 máy bay đã di chuyển vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Chẳng ý tứ, che dấu mục tiêu thực sự như Mỹ, thông báo của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông Trung Quốc nói thẳng tưng rằng: “Hải quân Trung Quốc đã “thực hiện hoạt động tuần tra và diễn tập chiến đấu thực tế xung quanh đảo Đài Loan. Cuộc tập trận nhằm mục đích kiểm tra khả năng phản ứng trước những hành động khiêu khích từ các thế lực bên ngoài và lực lượng ly khai”.

Lực lượng ly khai thì rõ rồi: là Đài Loan. Nhưng “các thế lực bên ngoài”? Không nói, ai cũng biết, trong trường hợp này, là Mỹ.

Đầu năm đã “ăn miếng trả miếng” nhau tới mức sóng phẳng. Thực tế đó cho thấy, không chừng, năm 2023, cuộc đối đầu hai cường quốc Mỹ – Trung liên quan vấn đề Đài Loan sẽ chẳng hề thua kém những gì đã diễn ra trong năm 2022?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới