Wednesday, December 25, 2024
Trang chủNước Việt đẹpKhám phá phong tục đón Tết đặc biệt của một số nước...

Khám phá phong tục đón Tết đặc biệt của một số nước Châu Á

Tết Âm lịch hay còn gọi là Tết Nguyên đán, là một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời, đặc trưng không thể thiếu trong đời sống của người dân nhiều nước châu Á.

Với nhiều du khách nước ngoài, Châu Á được ví như một thế giới thu nhỏ với những cảnh quan kì vĩ cùng nền văn hóa đặc sắc, đa dạng đến từ những người dân bản địa. Theo văn hóa của người Châu Á, năm mới là một dịp lễ đặc biệt. Ngoài Việt Nam, ở châu Á vẫn còn một số quốc gia giữ phong tục đón Tết Âm lịch, như Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore, Trung Quốc,…

Dù có không ít nét khác biệt do đặc thù văn hóa, song tết Âm lịch ở các nước châu Á vẫn là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp để đón chào năm mới bình an và hạnh phúc. Hãy cùng khám phá xem tại những đất nước này có các phong tục gì độc đáo khi đón Tết không nhé!

Trung Quốc

Lịch Âm của Trung Quốc dựa theo chu kỳ của mặt trăng, do đó ngày nghỉ sẽ có sự khác nhau. Thông thường kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc sẽ tính từ 12/1 tới 20/2 theo lịch Dương. Mặc dù ngày Tết được tổ chức vào mùa đông nhưng vẫn được gọi là lễ hội mùa xuân. Bởi lẽ, thời gian tổ chức Tết được bắt đầu từ ngày đầu của mùa xuân và kết thúc vào mùa đông.

Ngày Tết cổ truyền của Trung Quốc được tổ chức theo Âm lịch và là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vào dịp năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Vì vậy, đến Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ thấy ngập tràn sắc đỏ. Đó là màu đỏ của của đèn lồng, của câu đối, của sắc áo truyền thống, của những phong bao lì xì…có ý nghĩa thể hiện một cuộc sống mới đầy ấm no.

Đặc biệt, ngoài những phong tục truyền thống, người Trung Quốc còn có tục lệ dán/treo chữ “Phúc” ngược để cầu may. Được biết, theo quan niệm xưa của người Hoa, chữ “Phúc” dán ngược có nghĩa là “Phúc đảo”. Đây là phép chơi chữ trong tiếng Hán, “đảo” đồng âm với “đáo”, “Phúc đáo” có nghĩa là phúc đến. Phong tục này đã lưu truyền từ lâu với mong ước mọi nhà sẽ được nhận phúc lành, đại cát đại lợi trong năm mới.

Mỗi năm, trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi.

Singapore

Singapore ăn Tết cổ truyền theo phong tục của người Trung Quốc, có lẽ vì một phần dân số của quốc đảo Sư Tử là người gốc Hoa. Tết Nguyên Đán ở Singapore gần với thời điểm đón năm mới của Việt Nam vào ngày 1/1 Âm lịch. Trước những ngày đón năm mới người dân Singapore cũng có phong tục dọn dẹp và trang trí nhà cửa, đường phố. Vào ngày Tết người dân quốc đảo cũng nấu các món ăn truyền thống và tham gia nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức.

Nếu như người Việt Nam trang trí mâm ngũ quả ngày Tết, thì người Singapore lại ưa chuộng quýt và dứa hơn. Theo họ, quýt có màu cam rực rỡ nếu theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là vàng thể hiện sự sung túc. Do đó, vào những ngày đón năm mới người Singapore không trưng hoa đào, hoa mai mà chọn cây quýt để trang trí trong nhà hay nơi làm việc.

Người Singapore còn tặng quýt cho người thân và bạn bè với ý nghĩa mang nhiều tài lộc, may mắn cho người nhận. Bên cạnh đó, họ còn có phong tục tặng đồ đôi hoặc số chẵn nhưng kiêng số 4 vì sẽ gặp nhiều điều xui xẻo trong cả năm. Nếu tặng quà lì xì cũng sẽ theo cặp và bỏ trong bao đỏ kèm theo socola.

Ngoài ra, họ cũng rất ưa chuộng trái dứa vào ngày Tết. Theo tiếng Phúc Kiến thì dứa giống với từ “vượng lai”, nghĩa là phú quý tới họ không bày nguyên cả quả mà sẽ sử dụng để làm nhân bánh thết đãi khách vào ngày Tết.

Hàn Quốc

Tết Âm lịch là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc, hay còn gọi là Seollal – ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo của năm cũ và chào đón những điều tốt lành của năm mới. Khi thời khắc giao thừa điểm, mọi người trong gia đình đều quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống.

Nghi lễ đầu tiên của ngày Tết, gọi là Charye, diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên.

Tiếp sau đó là nghi lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi và sau đó lại được nhận tiền mừng tuổi từ cha mẹ, ông bà.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực trong ngày tết của người Hàn Quốc. Đồ ăn để cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có ttok-kuk – một loại phở nước được chế từ bò hay gà, và món canh bánh gạo.

Mông Cổ

Phong tục đón Tết của người Mông Cổ được thể hiện rõ nét qua những ngày trước lễ Tsagaan Sar. Người Mông Cổ luôn giữ tâm trạng vui vẻ, tích cực và lạc quan khi chào đón năm mới. Họ quan niệm không được làm những điều xấu vào kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh đó, nếu nợ ai đó phải trả trước năm mới và tránh cãi vã vào dịp Tết, bởi lẽ người Mông Cổ tin rằng cả năm sẽ chỉ cãi nhau.

Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng nhất trong năm, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại, tắm rửa, mặc quần áo mới, để đón năm mới. Món ăn truyền thống trong Tết Tháng trắng, là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô…

Trước giao thừa, những người nam giới ở Mông Cổ sẽ thực hiện một nghi lễ quan trọng là lên một ngọn đồi hay núi gần đó để cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, mỗi người chọn một hướng đi mà theo tử vi là hợp với họ để xuất hành. Việc xuất hành đầu năm này được cho là sẽ mang lại may mắn cho mọi người.

Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.

Tây Tạng

Người Tây Tạng không sử dụng lịch dương hay âm mà thường có cách đếm ngày riêng gọi là lịch Tây Tạng. Lịch này gần giống với lịch âm ở một số nước thường lựa chọn để đón tết.

Trong hai ngày cuối cùng của năm cũ, được gọi là Gutor, người dân Tây Tạng bắt đầu chuẩn bị cho Tết Tây Tạng. Lễ kỷ niệm Losar bắt đầu vào ngày 29 của tháng 12 theo lịch Tây Tạng, một ngày trước đêm giao thừa của người Tây Tạng. Vào ngày đó, các tu viện sẽ tổ chức một loại lễ kỷ niệm đặc biệt để chuẩn bị cho lễ hội Losar.

Món ăn truyền thống của người Tây Tạng là súp (hay còn gọi là Guthuk). Súp guthuk thường được làm từ thịt, phô mai khô, củ cải trắng và một ít mì sợi to kiểu Tây Tạng. Người Tây Tạng ăn súp trong khi đốt pháo và vẫy đuốc rơm xua đuổi linh hồn xấu. Đồ thắp hương sẽ dâng lên các vị thần, cùng với đó là các lá cờ màu sắc được trưng bày – tượng trưng cho hòa bình, từ bi và trí tuệ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới