Dòng chảy sông Mê Kông trong tháng 1.2023 đang cao hơn 50% so với dòng chảy trong điều kiện tự nhiên. Nguyên nhân do các đập thủy điện ở Trung Quốc đang xả nước.
Hiện tại đang là mùa khô trên toàn bộ lưu vực sông Mê Kông. Đây cũng là thời điểm các đập thủy điện Trung Quốc đẩy mạnh xả nước để phát điện. Báo cáo mới nhất từ dự án Giám sát hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mê Kông (Mekong Dam Monitor – MDM) cho biết: Trong hai tuần qua, ước tính các đập đã xả tổng cộng 677 triệu m3 nước tích trữ trong mùa mưa vào hệ thống sông. Đập thủy điện Tiểu Loan của Trung Quốc xả lượng nước nhiều nhất với khoảng 259 triệu m3.
Năm nay lượng nước mùa lũ trên sông Mê Kông tương đối khá so với trung bình nhiều năm. Trong giai đoạn đầu mùa khô nước đang rút chậm, cùng với sự bổ sung nước đáng kể từ các đập thủy điện khiến dòng chảy sông Mê Kông tại Chiang Saen (Thái Lan) trong tháng 1 cao hơn 50% so với dòng chảy trong điều kiện tự nhiên. Đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 5.2022, mực nước tại đây cao hơn dòng chảy tự nhiên.
Cũng theo MDM, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông trong tháng 12.2022 là 15,69 tỉ m3, cao hơn một chút so với dòng chảy cơ sở. Ước tính có khoảng 2,1 tỉ m3 nước trong tháng 12 vừa qua là do việc xả lũ ở các đập thượng nguồn để sản xuất thủy điện. Điều này gây tổn hại đến các hệ sinh thái vốn thích ứng với mực nước sông thấp trong những tháng mùa khô.
Hiện nay, trên toàn bộ lưu vực sông Mê Kông trong trạng thái ẩm ướt hơn nhiều so với cùng thời kỳ của nhiều năm trước.
T.P