Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLý do hải quân Mỹ cần hiện diện ở Biển Đông

Lý do hải quân Mỹ cần hiện diện ở Biển Đông

Lâu nay, Trung Quốc luôn tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông để dễ bề bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông, thực hiện mưu đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông. Thậm chí, Trung Quốc đã từng yêu cầu đưa nội dung loại bỏ sự can dự, hợp tác của các nước ngoài khu vực, trong đó có Mỹ vào dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện đang được đàm phán giữa ASEAN và TQ.

Tuy nhiên, yêu cầu ngang ngược này của Bắc c Kinh đã bị các nước ASEAN và các nước ngoài khu vực kịch liệt phản đối. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu vì các nước ASEAN phản đối yêu cầu trên của TQ và sao sự hiện diện của hải quân Mỹ và các nước ở Biển Đông là cần thiết?

Thứ nhất, nhìn dưới góc độ của các nước trong khu vực: các quốc gia trong khu vực Biển Đông đều là các quốc gia tầm trung và nhỏ, do đó, luôn mong muốn môi trường hoà bình, an ninh và ổn định để phát triển, các quyền và lợi ích hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS được bảo đảm. Ở khía cạnh này, các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ không muốn có sự gia tăng hiện diện về mặt quân sự của cả Trung Quốc và Mỹ do lo ngại khả năng va chạm có chủ đích hoặc không có chủ đích, có thể dẫn đến phá vỡ ổn định và trật tự trên biển, thậm chí có thể dẫn tới các xung đột vũ trang ở quy mô lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian qua, các nước trong khu vực dường như thể hiện sự ủng hộ việc Mỹ và các nước Phương Tây tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Vậy đâu là lý do của việc chấp nhận này? Câu trả lời không khó, đó chính là sự hung hăn, gây hấn và chèn ép của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực.

Trong những năm qua, nhất là từ giai đoạn 2009 đến nay, Trung Quốc một mặt đưa ra các yêu sách biển phi lý, trái luật pháp quốc tế, UNCLOS như yêu sách “Đường chín đoạn” (2009), yêu sách “Tứ Sa” (2019). Mặt khác, Trung Quốc thông qua các biện pháp khác nhau nhằm củng cố, quyết liệt hiện thực hoá các yêu sách này, nhất là thông qua các hành động quân sự hoá hoặc bán quân sự.

Năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng, cải tạo trên một quy mô chưa từng có trên 7 cấu trúc nước này chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Không chỉ dừng ở đó, việc Trung Quốc quân sự hoá các cấu trúc này, bố trí hàng loạt các trang thiết bị, vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom tầm xa, vũ khí điện tử dùng để can thiệp vận hành bình thường của các phương tiện thuỷ, phương tiện bay tại khu vực…đã bị chính Mỹ cho rằng đi ngược lại cam kết “không quân sự hoá” của nước này. Những cấu trúc xây dựng, cải tạo và quân sự hoá trái phép này đã tạo một lợi thế so sánh vượt trội cho Trung Quốc trong hoạt động ở khu vực phía Nam Biển Đông và các nước trong khu vực đều đã trở thành nạn nhân của các hành vi cưỡng ép trên biển của TQ. Các căn cứ “quân sự nổi” này chính là bàn đạp để nước này tổ chức các hoạt động nhằm cản trở các hoạt động kinh tế biển bình thường như dầu khí, đánh bắt cá của các nước ven Biển Đông. Đây cũng chính là nơi là tàu Hải quân, Hải cảnh, dân binh của Trung Quốc xuất phát để vi phạm vùng biển hợp pháp của các nước khác dưới danh nghĩa “thực thi” quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc cho yêu sách vùng biển theo đường chín đoạn của TQ đã bị Toà Trọng tài trong vụ kiện BĐ giữa PLP và TQ bác bỏ.

Trong bối cảnh đó, sự hiện diện quân sự của nước ngoài, đặc biệt của Mỹ đã góp phần “cân bằng” lại sự hung hãn của Trung Quốc trên thực địa, thể hiện vai trò “giám sát” các hoạt động quân sự và bán quân sự của Trung Quốc, để nước này hiểu là không thể tự ý làm bất cứ điều gì mà nước này mong muốn. Đồng thời, sự hiện diện này cũng góp phần “khắc phục” những sai lầm trong quá khứ khi Mỹ và PT không có biện pháp hữu hiệu ngăn cản TQ tiến hành cải tạo, xây dựng và quân sự hoá phi pháp các cấu trúc ở BĐ, tạo cho nước này lợi thế vượt trội.

Thứ hai, dưới góc độ của Mỹ và các nước Phương tây:

A. Nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không trên biển là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại, là nền tảng nền tảng của trật tự pháp lý quốc tế về giao thương hàng hải. Tự do hàng hải, hàng không luôn được coi là một giá trị cốt lõi của Mỹ, một mục tiêu đáng để đầu tư dù tốn kém, cho dù đó là chính quyền của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.Tự do hàng hải là không thể phá vỡ. Nó được áp dụng trên khắp các đại dương và các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở khu vực BĐ thì tự do hàng không, hàng hải đang bị thách thức nghiêm trọng bởi các yêu sách biển phi lý của TQ và các  biện pháp thực thi, hiện thực hoá các yêu sách này. Với vị trí địa chiến lược quan trọng của mình,có thể khẳng định việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông là có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với các nước ven Biển Đông mà đối với thương mại toàn cầu bởi đây là tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Điều đó sẽ buộc các nước ngoài khu vực – đứng đầu là Mỹ phải hiện diện ở khu vực này và việc tăng cường sự hiện diện ở đây gửi đi thông điệp  mạnh mẽ là tự do hàng hải, hàng không theo lpqt, đặc biệt là UNCLOS cần phải được tôn trọng và Mỹ có trách nhiệm trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình tại đây- quyền tự do hàng hải, hàng không.

Nếu Mỹ không can dự và để tình trạng bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc tiếp tục diễn ra, thì chẳng khác nào cộng đồng quốc tế thể hiện bất lực trước một nguyên tắc đã được kiểm chứng qua thời gian là “tự do biển cả” và tái xác nhận một nguyên tắc cũ  là “quyền lực thuộc về kẻ mạnh”

Vấn đề không chỉ dừng lại ở Biển Đông mà nếu Trung Quốc thành công trong việc khống chế Biển Đông sẽ tạo ra những hệ lụy xấu đối với các vùng biển khác. Nếu cộng đồng quốc tế không hành động và để Trung Quốc tách rời không gian vùng biển này khỏi các nước láng giềng, thì về nguyên tắc không có lý do gì Trung Quốc lại không làm điều tương tự ở các vùng biển khác mà họ khao khát, đặc biệt là eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông. Và cũng không có lý do gì mà những kẻ “xấu xa” khác lại không làm điều tương tự ở những vùng biển mà họ cho là của họ – chẳng hạn như Iran ở Vịnh Persian hay Nga ở Biển Đen hoặc Bắc Băng Dương.

Những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông trong mấy chục năm qua có lẽ đã trở thành bài học cho chính quyền Washington. Khởi đầu là việc Mỹ làm ngơ để Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 đã dẫn đến hệ quả hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách “hất cẳng” Mỹ ra khỏi cuộc chơi ở Biển Đông.

Việc để Trung Quốc kiểm soát, khống chế tuyến đường hàng hải ở Biển Đông cũng đồng nghĩa với sự sụp đổi của đại chiến lược của Mỹ gần một thế kỷ qua. Kể từ thời cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, Mỹ đã vạch ra đại chiến lược của mình nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thương mại, ngoại giao và quân sự đối với các khu vực thương mại quan trọng, chủ yếu là vành đai Đông Á và Tây Âu. Tiếp cận là mục đích và là động lực chính trong chiến lược của Mỹ.

Tuy nhiên, tiếp cận thương mại và ngoại giao của Mỹ sẽ gặp nguy hiểm nếu các quốc gia ven biển hùng mạnh giữ quyền khống chế và biến các vùng biển xa bờ thành của riêng họ. Hay nói cách khác, lực lượng hải quân Mỹ sẽ không thể đến những vành đai đó để làm đối trọng với các đối thủ có sức mạnh lớn nếu họ nhường quyền chỉ huy các tuyến đường thủy ngoài khơi. Trong trường hợp Biển Đông, nếu Mỹ để Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực, thâu tóm tới 90% Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn” phi pháp thì mỗi lần hải quân Mỹ muốn qua lại Biển Đông đều phải “xin phép” Bắc Kinh. Điều này là không thể chấp nhận trong nội bộ Mỹ dù bất kỳ ai làm Tổng thống nước Mỹ. Mỹ có hệ thống đồng minh từ châu Âu đến châu Á và Thái Bình Dương. Sự hiện diện và can dự ngày càng sâu của Mỹ ở Biển Đông là cơ sở để các đồng minh của Mỹ hiện diện triển khai tự do hàng hải ở đó. Nếu vắng bóng Mỹ thì chẳng một nước nào ngoài khu vực dám đứng ra đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong hơn 20 tháng cầm quyền, chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực khôi phục quan hệ chặt chẽ với các đồng minh châu Âu và châu Á và vận động, khuyến khích các đồng minh cùng can dự vào Biển Đông và khu vực để ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc. Trong hơn một năm qua, hưởng ứng sự vận động của Mỹ, các đồng minh lớn của Mỹ ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… đã đưa tàu chiến tới hoạt động ở Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngay cả trên mặt trận pháp lý, việc Washington gửi văn bản lên Liên hợp quốc và ra Tuyên bố nêu rõ quan điểm pháp lý của mình trên vấn đề Biển Đông, bác bỏ các yêu sách của Trung Quôc đã tạo ra hiệu ứng “Domino”, kéo theo một loạt nước đồng minh gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Rõ ràng nếu Mỹ không đi đầu thì không thể làm gương cho các nước khác noi theo. Điều này lý giải vì sao hải quân Mỹ cần hiện diện ở Biển Đông.

Thời gian qua sự hiện diện và can dự của Mỹ là chưa đủ để ngăn chặn Trung Quốc, các chiến dịch tự do hàng hải của hải quân Mỹ chủ yếu dừng lại ở mức biểu dương lực lượng nên chưa đạt được hiệu quả trong việc ngăn chặn sự hiếu chiến của Trung Quốc, hy vọng rằng cùng với việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Duơng-Thái Bình Dương, Washington sẽ can dự ngày càng sâu hơn vào Biển Đông và sự hiện diện của hải quân Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông sẽ thường xuyên và liên tục hơn để góp phần ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới