Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựNhững vũ khí “khủng” quân đội Nga được nhận trong năm 2023

Những vũ khí “khủng” quân đội Nga được nhận trong năm 2023

Khi các đồng minh ở phương Tây cam kết hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, giới chức hàng đầu của Nga cũng công bố kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự vào năm 2023 với một loạt khí tài hiện đại được đưa vào sử dụng.

Khinh hạm Đô đốc Gorshkov rời cảng ngày 4/1/2023.

Trong bối cảnh giao tranh dữ dội diễn ra ở miền Đông Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 10/1 tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí của nước này, nâng cao công nghệ hàng không và tăng cường sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho Bộ trưởng Shoigu lập báo cáo chi tiết về các vũ khí và thiết bị cung cấp cho các đơn vị quân sự, đồng thời nêu đề xuất nhằm tăng cường hoạt động của Bộ Quốc phòng.

Mệnh lệnh được đưa ra sau một số tổn thất đáng kể của quân đội Nga trên chiến trường.

Việc tăng cường khả năng sẵn sàng của quân đội là vấn đề cấp bách đối với Nga khi các nước NATO cam kết tăng cường vũ khí cho Ukraine trong các gói viện trợ quân sự gần đây. Viện trợ quân sự của NATO bắt đầu từ tháng 2/2022 đến nay đã gần bằng ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2022.

Trong chuyến thăm trung tâm sản xuất vũ khí Tula, Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh niệm vụ quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ hợp công nghiệp-quân sự là cung cấp cho các đơn vị và lực lượng tiền tuyến mọi thứ họ cần: vũ khí, đạn dược và thiết bị với số lượng cần thiết và chất lượng phù hợp trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể”, ông Putin nói.

4 tàu ngầm, 12 tàu mặt nước và tên lửa siêu thanh

Hãng Thông tấn TASS của Nga đã công bố danh sách đầy đủ các hệ thống vũ khí tiên tiến sẽ được đưa vào trang bị cho quân đội vào năm 2023 dựa trên thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng. Danh sách này bao gồm các thiết bị cho cả 3 quân chủng cũng như lực lượng chiến lược có năng lực hạt nhân của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố sẽ tăng cường cung cấp các hệ thống tên lửa siêu thanh có độ chính xác cao Kinzhal và Zircon, đồng thời tiếp tục nghiên cứu “các mẫu khí tài đầy hứa hẹn” khác.

Đây không phải là điều ngạc nhiên đối với Ukraine cũng như các nước phương Tây, bởi Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022.

Ngoài ra, một số máy bay chiến đấu MiG-31K được trang bị tên lửa siêu thanh đã được phát hiện vào và ra khỏi Belarus từ vài tháng trước.

Liên quan đến tên lửa siêu thanh Zircon, Bộ Quốc phòng Nga gần đây đã triển khai tên lửa này trên khinh hạm Đô đốc Gorshkov. Con tàu cũng đã bắt đầu thực hiện hành trình tới Đại Tây Dương.

Các chuyên gia quân sự và hoạch định chính sách phương Tây coi đây là một nỗ phô diễn sức mạnh bằng vũ khí siêu thanh của Nga.

Hải quân Nga dự kiến được nhận 4 tàu ngầm và 12 tàu mặt nước trong năm nay. Ngoài ra, Nga sẽ thành lập 5 sư đoàn bộ binh thủy quân lục chiến trong Lực lượng Phòng thủ Bờ biển của Hải quân dựa trên các lữ đoàn hiện có.

Cuối tháng 12, Tổng tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Nikolay Yevmenov đã vạch ra kế hoạch cho năm mới và tuyên bố: “Năm 2023, Hải quân sẽ đối mặt với những nhiệm vụ quan trọng và quy mô lớn, trong đó có mục tiêu ưu tiên là bàn giao tàu tuần dương chiến lược Hoàng đế Alexander III cùng tên lửa đạn đạo, 4 tàu ngầm, 12 tàu mặt nước và các tàu hỗ trợ cho Hải quân”.

Trong số này, tàu Hoàng đế Alexander III có năng lực hạt nhân thuộc lớp Borei-A là quan trọng nhất, dự kiến đại diện cho xương sống của năng lực hạt nhân chiến lược trên biển của Nga. Vũ khí chính của tàu bao gồm 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava. Các tàu ngầm Borei-A có hệ thống kiểm soát vũ khí, khả năng cơ động, hoạt động ở vùng biển sâu và khả năng tàng hình vượt trội.

Tiếp tục củng cố Bộ ba Hạt nhân

Tàu ngầm hạt nhân cũng là một phần của bộ ba hạt nhân mà Nga đã cam kết củng cố trong năm 2023.

“Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển bộ ba hạt nhân và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu vì lá chắn hạt nhân vẫn là sự đảm bảo chính cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng thông báo, quân đội Nga sẽ nhận khoảng 22 bệ phóng chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars, Avangard và Sarmat, 3 máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-160 và tàu ngầm hạt nhân Hoàng đế Alexander III thuộc dự án Borei-A vào năm 2023.

Tháng 11/2022, Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat được đưa vào sản xuất hàng loạt sau một cuộc thử nghiệm thành công. Tên lửa RS-28 Sarmat được lên kế hoạch tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nga trong vòng 40-50 năm tới và trở thành phương tiện răn đe hạt nhân chính.

Trong một diễn biến khác vào tháng 12/2022, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video cho thấy quá trình lắp đặt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars vào một hầm chứa.

Tương tự, Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố một đoạn video cho thấy quy trình tên lửa siêu thanh Avangard được nạp vào silo.

Các thông tin trước đó cho biết, tỷ lệ thiết bị tiên tiến được cung cấp cho lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã đạt 91,3%. Máy bay mang tên lửa hạt nhân Tu-160M phiên bản nâng cấp khi được đưa vào hoạt động sẽ giúp tăng cường tỷ lệ này. Nguyên mẫu máy bay ném bom Tu-160M gần đây đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thứ 2 và sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm với Bộ Quốc phòng.

Bước tiến này diễn ra một năm sau khi Tu-160M thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2022. Tu-160M là biến thể nâng cấp của máy bay ném bom Tu-160. Theo truyền thông Nga, Tu-160M hiện là máy bay siêu thanh quân sự lớn nhất và chương trình đưa vào sử dụng loại máy bay ném bom này dự kiến kéo dài đến năm 2027.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới