Tòa án Tối cao ở Philippines ngày 10/1/2023 đã tuyên bố hủy thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Quốc và Việt Nam trong khu vực có diện tích 142.886 km2 trên biển. Phán quyết lập tức làm nóng dư luận.
Phán quyết này được ban hành khi có tới 12 trong số 15 thẩm phản của Tòa tối cao Philippines phản đối Thỏa thuận nêu trên. Nó cho thấy, Quốc hội Philippines có thể phân tán quan điểm trong nhiều vấn đề, nhưng với những vấn đề được cho là đặc biệt liên quan tới lợi ích quốc gia, lại thống nhất.
Lý do mà Tòa tối cáo Philippines lấy làm cơ sở pháp lý là, ngoài việc Thỏa thuận đã hết hiệu lực năm 2008, còn vì nó vi phạm quy định nhà nước Philippines phải kiểm soát và giám sát các hoạt động và các công ty liên quan phải thuộc sở hữu đa số của Philippines. Cụ thể hơn, việc thăm dò dầu khí ở vùng biển Philippines chỉ được thực hiện bởi công dân nước này hoặc bởi các tập đoàn mà phía Philippines sở hữu ít nhất 60% tổng số vốn…
Đáp ứng điều kiện đó, xét trong thời điểm này, thì khó rồi, vì chẳng có tập đoàn nào của Trung Quốc và Việt Nam mà phía Philippines sở hữu cổ phần chi phối.
Việt Nam đã phản ứng thế nào?
Tại cuộc họp báo quốc tế thường kỳ chiều 12/1, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, trước câu hỏi của phóng viên quốc tế, trả lời rằng: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982…
Bằng vào cách trả lời đó, xem ra, Việt Nam không quá coi trọng lắm phát quyết của Philippines, cho dù đó là của Tòa tối cao.
Nói cho cùng, quan điểm của Việt Nam có thể hiểu được. Việc ký một thỏa thuận tay ba về thăm dò năng lược thời điểm 2005 nằm trong toan tính của Hà Nội: không muốn câu chuyện Biển Đông chỉ là câu chuyện song phương, nhất là song phương với một bên là Trung Quốc. Một thỏa thuận 3 bên chưa hẳn đã là “quốc tế” như Hà Nội muốn, nhưng ít nhất cũng phòng tránh được tình huống một mình chọi với một gã đô vật hung hãn trên sàn. Thêm nữa, Việt Nam cũng đâu có mưu mô chiếm hữu những gì không phải của mình…
Nhưng Trung Quốc thì khác, không coi nhẹ sự kiện. Nhìn sâu xa, Bắc Kinh coi đây như cú “đòn bồi” được tính toán kỹ của Manila. Manila làm thế nhằm “chặn” đứng những tham vọng của Trung Quốc, trong đó có cả đề xuất của ông Tập Cận Bình về việc Trung Quốc sẵn sàng cùng thăm dò tài nguyên dầu khí ở các khu vực “không có tranh chấp trên biển” khi tiếp tổng thống Ferdinand Marcos Jr thăm chính thức Trung Quốc chỉ 5 ngày trước đó.
“Bồi” nghĩa là trước đó đã có chuyện.
Chuyện là ngày 23/6/2022, Ngoại trưởng Philippines – ông Teodoro Locsin – đã tuyên bố các cuộc đàm phán về thăm dò năng lượng chung ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh đã bị hủy. Hủy do vướng các thách thức từ Hiến pháp Philippines, cũng như các vấn đề về cái mà Manila gọi là “chủ quyền”. “Tôi đã nỗ lực trong ba năm để đi đến một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông” – ông Teodoro Locsin khẳng định, và cho biết thêm: đây là “lệnh” của ông Duterte – tổng thống Philippines khi đó.
Một cái “lệnh” ban ra khi chỉ còn 6 ngày nữa là bàn giao ghế cho ông Ferdinand Marcos Jr vừa đắc cử, liệu có là một cú “phanh gấp”?
Không! Bởi chính ông Duterte, ngay khi đắc cử tổng thống đã gác lại phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông để hồ hởi tính đến thỏa thuận thăm dò, khai thác chung năng lượng với Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc năm 2018.
Ông Duterte làm thế, bất chấp những khuyến cáo của nhiều nhân vật trong chính giới và dư luận Philippines về những rủi ro, thậm chí rất nguy hiểm về chủ quyền khi bắt tay với Trung Quốc.
Nhưng rồi, sau 4 năm, sự bội bạc cùng những lời hứa đầu lưỡi đã khiến nhà lãnh đạo này “ngộ” sự thật chơi với Trung Quốc là như thế nào, để từ đó, đi tới một quyết định quyết đoán: dừng lại, mặc cho Bắc Kinh hậm hực cảnh báo: “Việc phát triển dầu khí chung (giữa Trung Quốc và Philippines) là cách đúng đắn để hai bên giải quyết đúng đắn những khác biệt trên biển vì lợi ích chung mà không ảnh hưởng các tình trạng hàng hải tương ứng”.
Sau ông Duterte, nay lại tới Tòa án Tối cao nhiệm kỳ của tổng thống kế nhiệm “dừng”, Bắc Kinh không hậm hực sao được!
T.V