Monday, December 30, 2024
Trang chủUncategorizedThời điểm chín muồi để Mỹ khôi phục sự hiện diện ở...

Thời điểm chín muồi để Mỹ khôi phục sự hiện diện ở Biển Đông?

Trong 30 năm qua kể từ khi lực lượng Mỹ rời khỏi các căn cứ ở Philippines năm 1992, Trung Quốc đã tranh thủ khoảng trống này để gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông. Vắng bóng quân đội Mỹ, sự xâm lấn và khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đã không ngừng gia tăng.

Giới phân tích chiến lược nhận định việc Mỹ thiếu sự quan tâm chiến lược và hiện diện hải quân trong một thời gian dài đã để lại “sân chơi” cho Bắc Kinh kiểm soát hàng hải tại khu vực này. Nếu tình hình không thay đổi, Trung Quốc sẽ tiến tới khống chế, độc chiếm Biển Đông và khó khăn sẽ ngày càng lớn đối với các liên minh và thương mại của Mỹ, vốn là nền tảng cho sự thịnh vượng và an ninh của Washington trong nhiều thập kỷ qua.

Những năm gần đây, Bắc Kinh đã đẩy nhanh tốc độ phá hoại các liên minh an ninh của Mỹ ở Biển Đông và thay thế các quy tắc hàng hải quốc tế hiện có bằng các quy tắc do Trung Quốc tự đặt ra, lấy Trung Quốc làm trung tâm. Để thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông, từ năm 2014, Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy một chiến dịch nạo vét, bồi đắp các cấu trúc ở Biển Đông xây dựng các đảo nhân tạo quy mô lớn, thiết lập các pháo đài quân sự kiên cố. Vi phạm cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama, Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông một cách toàn diện từ bố trí thiết bị quân sự, vũ khí, tên lửa, tàu chiến, máy bay chiến đấu… đến tăng cường các cuộc tập trận ở Biển Đông với phạm vi và quy mô ngày càng lớn.

Tiếp đó, Bắc Kinh triển khai một chiến thuật mới gọi là “vùng xám”, sử dụng lực lượng dân sự và bán dân sự (bao gồm hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu kiểm ngư, tàu khảo sát…) để thực hiện các hành vi gây hấn, quấy rối, truy đuổi, bắt giữ, thậm chí đâm chìm tàu cá của các ngư dân các nước ven Biển Đông, uy hiếp, quấy phá các hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng, khiến tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng nhưng dưới ngưỡng có thể xảy ra xung đột quân sự để bên ngoài không có cớ can thiệp. Giới phân tích quân sự cho rằng chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc đã khiến Mỹ khó có thể hành động trước các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thách thức Mỹ để chứng tỏ Washington không có khả năng bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc hàng hải. Việc Bắc Kinh từng bước phá hoại các quy chuẩn hàng hải được công nhận ở Biển Đông được giới chuyên gia, học giả ví với “hội chứng ếch luộc”. Phép ẩn dụ này chỉ việc đun nóng một cái nồi chậm đến mức con ếch ở trong nồi không nhận ra, nhưng đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Trong trường hợp này, chính phủ Trung Quốc đang “đun nồi” ở Biển Đông, và “con ếch” chính là Mỹ.

Trong suốt 30 năm qua, khi mà quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ ở Philippines, Bắc Kinh đã âm thầm “gặm nhấm” Biển Đông theo kiểu “vết dầu loang” (từng bước mở rộng xâm lấn) khiến cho Washington mất phương hướng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh ở Biển Đông để rồi đến khi Trung Quốc công khai “đuổi” Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi Biển Đông thì chính quyền Washington mới nhận thức được đầy đủ sự nghiêm trọng của vấn đề. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, đến nay sự thức tỉnh của Washington về mối nguy hại của Bắc Kinh không chỉ là ở riêng Biển Đông mà đang đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu. Vậy Mỹ cần làm gì?

Các chuyên gia phân tích nhận định lúc này là thời điểm Mỹ đang có cơ hội để lật ngược thế cờ trước Trung Quốc bằng cách tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông. Cùng với một chiến lược và chính sách ngoại giao rõ ràng, những động thái này có thể thu hút các đối tác trong khu vực và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ và các đồng minh, đối tác của họ sẽ không lùi bước. Trên thực tế, trong thời gian gần đây Mỹ và các đồng minh đã có những nỗ lực lớn nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc, qua đó kiềm chế sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở các vùng biển quốc tế. Có thể kể ra đây 3 diễn biến để lại những dấu ấn quan trọng và có thể trở thành cơ sở để Washington tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông:

Một là, chiến thắng năm 2016 của Philippines (một đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á) tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, theo phán quyêt của Tòa, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông, đồng thời bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông và đưa ra kết luận về quy chế các đảo, đá ở Biển Đông dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. 

Hai là, công hàm của Mỹ gửi Liên hợp quốc tháng 6/2020 và Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa lập trường pháp lý của Mỹ trên các vấn đề Biển Đông. Theo đó, Mỹ bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đề cao giá trị Phán quyết 2016 về Biển Đông, yêu cầu các bên tuân thủ phán quyết. Đây được coi là khuôn khổ pháp lý để Mỹ hành động ở Biển Đông, bao gồm việc duy trì sự hiện diện của hải quân Mỹ.

Ba là, báo cáo Giới hạn trên biển của Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 01/2022 về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã cụ thể hóa thêm một bước lập trường pháp lý của Mỹ trên vấn đề Biển Đông; thừa nhận quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa được xác định phù hợp với UNCLOS; nhấn mạnh quyền của mỗi quốc gia ven Biển Đông trong việc khai thác nguồn tài nguyên trên biển theo quy định của UNCLOS. Đây là cơ sở để triển khai các hoạt động tự do hàng hải cũng như sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông và trong khu vực, nhất là việc Nga tấn công xâm lược Ukraine đã tạo ra tiền lệ xấu về việc một quốc gia có ưu thế về kinh tế, quân sự có thể tấn công một quốc gia độc lập có chủ quyền theo cách hành xử “cá lớn nuốt cá bé”, giới phân tích chiến lược cho rằng đã đến lúc Mỹ cần khôi phục sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị hải quân Mỹ nên hiện diện tại 4 khu vực quan trọng sau đây để nâng cao thông điệp ngoại giao mạnh mẽ và củng cố trật tự dựa trên quy tắc hàng hải, vốn là chìa khóa cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Trước hết, Mỹ nên duy trì sự hiện diện hải quân tại khu vực phía Nam Biển Đông, điều này sẽ ngăn chặn sự quấy rối của Trung Quốc đối với việc khảo sát và khai thác dầu của Việt Nam, Malaysia, Indonesia…. Thông điệp ở đây là Mỹ ủng hộ việc duy trì các quyền kinh tế hợp pháp trong EEZ và Mỹ sẽ sát cánh cùng các nước bảo vệ các quyền lợi hợp pháp này.

Thứ hai, Mỹ nên hiện diện gần bãi cạn Scarborough, khu vực mà theo Phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện nằm trên thềm lục địa và vùng ĐQKT của PLP. Sự hiện diện này sẽ giúp giám sát và ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc quân sự hóa bãi cạn, góp phần hiện thực hóa Phán quyết Thông điệp ở đây là Mỹ sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính cưỡng chế hoặc đơn phương, nhất là đối với các bãi ngầm. Tương tự, Mỹ nên hiện diện ở bãi Cỏ Mây, nơi tiền đồn của Philippines liên tục bị Trung Quốc quấy rối. Gần đây nhất (cuối năm 2021), 3 tàu hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng cỡ lớn để ngăn các tàu tiếp tế của Philippines tiến đến khu vực đồn trú trên bãi Cỏ Mây. Điều này từng buộc Mỹ lên tiếng rằng các cuộc tấn công nhắm vào các tàu của chính phủ Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines 1951 nhằm bảo vệ các lực lượng Philippines. Sự hiện diện ở đây chứng minh cho sự cam kết của Mỹ thực hiện các hiệp ước an ninh với các đồng minh, đồng thời phản đối việc Trung Quốc can thiệp vào lực lượng hàng hải của các nước khác.

Việc duy trì sự hiện diện ở Biển Đông có thể đòi hỏi Mỹ phải đánh đổi do hạm đội hiện nay của họ đang có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, do tầm quan trọng chiến lược của khu vực cũng như tham vọng của Trung Quốc, sự hiện diện của Mỹ là một bước đi cần thiết. Sự thống trị hành lang trên biển của hải quân Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với tự do hàng hải và cản trở các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực. Biển Đông là một trong những khu vực quyết định xem hải quân Mỹ có thể tạo ra một áp lực, buộc Trung Quốc thay đổi hành vi hay không. Điều này cũng sẽ quyết định tới sự thành bại của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Washington đang theo đuổi.

Chuyên gia hải quân Hunter Stires nhận định các cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đã không thành công do sự hiện diện hải quân còn ít, chưa kể việc Mỹ chưa hiểu hết bản chất thách thức từ phía Trung Quốc. Theo ông Hunter Stires, Trung Quốc đang ráo riết triển khai một cuộc nổi dậy trên biển. Mục tiêu của Bắc Kinh là thay thế trật tự dựa trên các quy tắc hàng hải hiện có bằng trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm. Để giải quyết thách thức này, tất nhiên Mỹ cần phải hiện diện ở khu vực này.

Các chuyên gia hải quân cho rằng đây là thời điểm Mỹ cần khôi phục sự hiện diện trên biển, nếu chậm hơn Mỹ sẽ không còn cơ hội để sửa chữa sai lầm. Đối với một lực lượng hải quân chưa đủ quy mô để đáp ứng tất cả các yêu cầu về an ninh, việc bố trí và duy trì các lực lượng phù hợp để có được hiệu quả lâu dài sẽ là điều bắt buộc vào lúc này. Biển Đông vốn có ý nghĩa kinh tế và an ninh lớn đối với tất cả các nước trong khu vực, cũng như Mỹ. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Biển Đông thực chất là cuộc cạnh tranh xem trật tự hàng hải của ai sẽ chiếm ưu thế. Sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông là yếu tố then chốt để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế mà vốn mang lại lợi ích cho hầu hết các nước. Sự hiện diện đó mới chỉ là bước đầu tiên để khôi phục niềm tin đối với các nước khu vực về quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới