Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHollywood – “Ban Tuyên giáo Trung ương” Hoa Kỳ

Hollywood – “Ban Tuyên giáo Trung ương” Hoa Kỳ

Khám phá Hollywood, nơi khởi nguồn cho những bộ phim bom tấn oanh tạc mọi phòng vé trên thế giới. Đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng đưa hình ảnh của Hoa Kỳ nói chung và quân đội Mỹ nói riêng đi khắp mọi nơi. Nhưng có bao giờ các bạn tự hỏi các nhà làm phim làm ra những thứ này từ tinh thần ái quốc. Hay do sự nhúng tay của các thế lực cấp cao? Hãy cùng tìm hiểu về Hollywood, chiến binh mạnh mẽ nhất trên mặt trận truyền thông của Hoa Kỳ.

Gánh cả quân đội Mỹ trên vai

Nếu ai đó hỏi tôi, đâu là cuộc chiến mà người Mỹ sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên, thì câu trả lời có lẽ đó sẽ là “chiến tranh Việt Nam”. Đây có thể xem là thất bại đau đớn và mất mặt nhất của Hoa Kỳ kể từ khi lập quốc. Tạm bỏ qua những con số mất mát khổng lồ về tiền của và con người, thì chiến tranh Việt Nam đã phá hủy thứ mà hàng chục đời tổng thống của họ xây dựng. Đó là sự sùng bái của người dân Mỹ đối với lãnh đạo của họ. Từ tổng thống đầu tiên Washington tới Roosevelt và các tổng thống sau này đều luôn cố gắng xây dựng một hình ảnh ấn tượng nhất với dân chúng, nếu không muốn nói là làm cho người dân Mỹ phải sùng bái mình.

Tại Hoa Kỳ, bạn có thể tìm được hình ảnh của các đời tổng thống Mỹ ở bất kỳ đâu, từ những sạp báo gần tàu điện ngầm, cho tới các viện bảo tàng khổng lồ. Sùng bái của người dân Mỹ đối với Tổng thống bắt đầu được đẩy lên mạnh mẽ, giữa thời của Tổng thống thứ 32 của họ Franklin D.Roosevelt người có công lớn trong việc đưa Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc khủng hoảng dư thừa 1929-1932. Người dân Mỹ bắt đầu thần tượng lãnh đạo của họ, rồi họ quay về lịch sử và nhìn về các vị Tổng thống trước đó với lòng tự hào vô tận; họ dần chuyển từ thần tượng sang sùng bái. Bộ máy tuyên truyền của nước Mỹ đã đẩy sự sùng bái này lên cao hơn, qua hàng ngàn bài báo và phim truyện. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Việt Nam đã phá hủy đi hình tượng của các tổng thống trong mắt của người dân Mỹ. Suốt 21 năm can thiệp vào Việt Nam, Hoa Kỳ đã trải qua 5 đời tổng thống và đa phần trong số đó đều đã phải ngã ngựa chính trị trong nhục nhã, đặc biệt là Johnson và Nixon.

Đối với Johnson, người dân Mỹ đã phải hứng chịu cái tát cực mạnh và đập nát cái ảo tưởng Hoa Kỳ là bất bại. Kể từ khi đổ quân vào Việt Nam năm 1965, Hoa Kỳ đã cố gắng lèo lái bộ máy truyền thông khiến người dân Mỹ hiểu lầm rằng họ đang chiến thắng tại Việt Nam và Việt Cộng thì sắp bị tiêu diệt. Tuy nhiên, giữa lúc mà Hoa Kỳ đang cố gắng lèo lái truyền thông trước cơn bão tố tại Việt Nam, thì “bùmmm” – một cơn sóng thần đã khiến mọi nỗ lực của họ đổ sông đổ biển theo đúng nghĩa đen. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của quân giải phóng đã phủi bay mọi nỗ lực của Johnson. Khi cuộc tổng tấn công diễn ra, nó đã được hàng loạt các phóng viên các hãng thông tấn lớn nhất thế giới, quay trực tiếp truyền khắp mọi nơi. Mọi tờ báo đều giật tít cực sốc về sự kiện này. Đặc biệt, hình ảnh tòa đại sứ quán Mỹ bị chiếm đóng và quân đội Mỹ phải tháo chạy hoảng loạn tại Huế. Người dân Hoa Kỳ cũng vậy, đã bị ăn cú lừa không thể chua chát hơn, khi mà kẻ thù của họ sắp bị đánh bại trên truyền thông, thì đùng một cái, kẻ thù của họ lại có đủ sức mạnh để đánh vỗ mặt họ tại khắp mọi nơi. Tiếp theo tổng thống Nixon, khi ra tranh cử ông ta đã hứa với người dân Mỹ về một “hòa bình trong danh dự” và kết thúc chiến tranh nhanh nhất. Kết quả thì ông ta kéo dài cuộc chiến này, rồi gây thêm nợ nần hàng trăm tỷ đô nữa cho nước Mỹ, cho tới sau thất bại của chiến dịch Linebacker II, thì không hòa bình, cũng chẳng danh dự; thay vào đó là hình ảnh một nước Mỹ phải cúi đầu rút quân.

Cùng với sự sụp đổ hình tượng của tổng thống Mỹ, là sự sụp đổ của lính Mỹ sau chiến tranh Việt Nam. Lần đầu tiên có tới dưới 50% người dân Mỹ mất niềm tin vào quân đội của họ. Lý do là: hình ảnh về một nước Mỹ bất bại đã bị đập tan nát; có tới 30% cựu chiến binh từng phục vụ tại Việt Nam bị xã hội lãng quên và coi họ như bệnh dịch. Cùng với đó là “Hội chứng chiến tranh Việt Nam” kéo dài cho tới nay.

Nhiệm vụ cấp bách của Hoa Kỳ lúc này, là phải cứu vớt và xây dựng lại hình ảnh Tổng thống và lính Mỹ ngày càng nhanh, càng tốt. Nếu không đây sẽ là một trò cười vỡ bụng với Liên Xô. Điều này đã dẫn tới cái bắt tay của đôi bên cùng có lợi với Hollywood, với việc chiến tranh Việt Nam là một mỏ vàng nội dung và ý tưởng cho các nhà làm phim khai thác. Các lãnh đạo Hoa Kỳ đã nhanh chóng nắm bắt được và đưa ra một thỏa thuận không thể từ chối: Thứ nhất, các nhà làm phim về chiến tranh sẽ được sử dụng những vũ khí và phương tiện nguyên tem nguyên mác từ Bộ quốc phòng, giảm bớt gánh nặng về kinh phí; thứ hai, các bộ phim sẽ được chiếu trên giờ vàng và được chính phủ đầu tư trợ giá; đổi lại là Bộ quốc phòng có quyền can thiệp vào kịch bản của các nhà làm phim. Can thiệp để làm gì thì mọi người có thể tự hiểu đấy.

Bạn có biết, kể từ sau chiến tranh Việt Nam, đã có ít nhất là 30.000 ấn phẩm sách báo về chủ đề này. Cùng với đó là tới hơn 70 bộ phim của Hollywood đã ra đời. Hình ảnh chiến tranh Việt Nam còn xuất hiện trong hàng loạt các trò chơi điện tử cho đến tận ngày hôm nay. Để các bạn dễ hình dung về con số khổng lồ này, thì nếu mỗi ngày bạn đọc một cuốn sách hay một bài báo về chiến tranh Việt Nam, thì bạn sẽ cần tới hơn 60 năm để đọc hết các con số này, tức là dành tới hơn một nửa đời người để bị tẩy não về chiến tranh Việt Nam. Còn về việc các bộ phim này đúng sự thật bao nhiêu phần trăm. Vì trên mạng xã hội có thể giúp tìm hiểu điều này. Sau nhiều nỗ lực, Mỹ đã gặt hái được quả ngọt với việc hình tượng Tổng thống và lính Mỹ được cải thiện rõ rệt.

Trong những năm 1980, đặc biệt là khi Hoa Kỳ đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh, các bộ óc nhiều sạn ở Washington cho rằng mình cần hoàn vốn nhiều hơn từ những gì đã cho các nhà làm phim thế là công cụ tuyên truyền hiệu quả và đáng sợ nhất trong lịch sử đã ra đời mang tên “Hollywood”.

Đội quân mạnh nhất của Lầu năm góc

Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Bộ quốc phòng Mỹ sử dụng những bộ phim bom tấn siêu anh hùng của Hollywood, như một công cụ tuyên truyền hiệu quả cho hình ảnh của mình ra thế giới.

“Lầu Năm Góc giúp Hollywood kiếm tiền và đổi lại, kinh đô điện ảnh giúp loại bỏ hình ảnh tàn khốc của “cỗ máy chiến tranh” nước Mỹ”, đó là câu nhận xét của nhà phê bình phim và là nhà bình luận văn hóa người Mỹ – Michael McCaffre.

Với mối quan hệ giữa hai thực thể, dường như không liên quan tới nhau này, Mỹ có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới, lớn hơn nhiều so với bất kỳ một quốc gia nào khác trên trái đất. Quân đội Mỹ cũng sử dụng bộ máy tuyên truyền thành công nhất mà thế giới từng biết đến, là Hollywood, kể từ khi hợp tác vào năm 1927 thông qua tác phẩm từng đoạt giải phim xuất sắc “Wings”. Cho đến nay, quân đội Mỹ đã sử dụng Hollywood để quảng bá hình ảnh tới công chúng trong hơn 1.800 bộ phim và chương trình truyền hình. Đổi lại Hollywood được phép sử dụng các trang thiết bị quân sự tiên tiến, trong các sản phẩm hình ảnh và chương trình truyền hình đem lại doanh thu hàng tỷ đô. Nhiều bộ phim như “Lone Survivor”, “Captain Phillips”, thậm chí là những bộ phim kinh điển như “Transformer” và hàng loạt các bộ phim về Siêu Anh Hùng oanh tạc phòng vé gần đây của Marvel, DC. Dù bị kiểm soát về mặt sáng tạo, nhưng các nhà sản xuất của Hollywood thì vẫn tiết kiệm được hàng chục triệu đô, từ ngân sách trang thiết bị quân sự, các dịch vụ vận hành, bảo dưỡng thiết bị, thậm chí là cả chi phí thuê địa điểm đắt tiền. Trong thời đại Kim Tiền này, việc bớt phí và kiếm thêm lời thì chẳng ai dại gì mà đi từ chối cả.

“Chúng tôi sẽ không hỗ trợ cho một chương trình làm mất tư uy tín hoặc thể hiện chúng tôi trên màn ảnh một cách không tốt” – Đại tá Russell Coons (Giám đốc văn phòng thông tin Hải quân Mỹ nói với An Jazera về tiêu chuẩn hợp tác).

Philip Strub – Giám đốc bộ phận hợp tác của Lầu Năm Góc với Hollywood, cũng cho hay: Nếu các nhà làm phim sẵn sàng nói chuyện về một số vấn đề chúng tôi quan tâm trong kịch bản của họ. Thông thường hai bên sẽ dễ dàng đạt được một thỏa thuận. Nếu không thì các nhà làm phim có thể tự do làm sáng tạo theo ý của mình, nhưng sẽ không nhận được sự hỗ trợ của quân đội”.

Nói cách khác thì Bộ quốc phòng Mỹ đang sử dụng ngân sách để đầu tư cho những bộ phim mà họ yêu thích. Quân đội Mỹ thì không quan tâm tới các sắc thái, sự thật hay những nhạy cảm tôn giáo có trong bộ phim, mà chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để công chúng có cái nhìn thiện cảm với mình nhất. Điều này đã tạo ra nhiều quan điểm lo ngại rằng, Bộ quốc phòng Mỹ có thể sử dụng đòn bẩy tài chính để chèn ép các bộ phim không chịu hợp tác với mình, không vì lợi ích quân sự hoặc đã ủng hộ Mỹ rồi bất kỳ một hình thức nào. Sự nguy hiểm của liên minh Lầu Năm Góc-Hollywood ở chỗ, kinh đô điện ảnh của nước Mỹ là công cụ có kỹ năng cực kỳ xuất sắc trong việc lồng ghép thông điệp tuyên truyền, trong các sản phẩm giải trí.

Hollywood có khác nào “Ban Tuyên giáo Trung ương” của Hoa Kỳ đâu. Chỉ có điều đây là phiên bản Promax so với tất cả mà thôi. Còn tuyệt vời hơn khi họ dùng nó để tẩy trắng các cuộc can thiệp của họ ra nước ngoài và xây dựng hình ảnh nước Mỹ bất bại thêm một lần nữa.

Vỏ bọc anh hùng

Dù tuyên bố là không tác động từ kịch bản, thế nhưng mà Lầu Năm Góc thì còn có thể đưa ra những gợi ý về các loại khí tài, về trang thiết bị tối tân và đề nghị đưa chúng lên màn ảnh. Trong mọi bộ phim đình đám đều không khó để nhìn thấy hình ảnh của quân đội Mỹ, ngay cả các bộ phim viễn tưởng về chủ đề siêu anh hùng của Marvel cũng có sự hợp tác với Bộ quốc phòng của Mỹ.

Tuy nhiên, không phải mối quan hệ nào thì cũng tốt, hợp tác giữa Lầu Năm Góc với Marvel trở nên tồi tệ khi trong bộ phim “The Avengers” với việc đạo diễn miêu tả quân đội Mỹ tấn công hạt nhân vào New York. Dẫu vậy thì mối quan hệ này cũng đã được hàn gắn với Captain Marvel, người vốn là một phi công quân đội Mỹ. Sự hợp tác sâu sắc đến mức, không quân Mỹ đã mở một chương trình tuyển dụng phụ nữ với câu slogan: “Mỗi anh hùng đều có một câu chuyện riêng”.

Theo một ước tính, Bộ quốc phòng Mỹ đã hợp tác với khoảng trên 2.500 bộ phim trong nhiều thập kỷ và sự tham gia của họ không hoàn toàn minh bạch như tuyên bố. Trong cuốn sách “Operation Hollywood” ra đời năm 2004, nhà báo David L. Robb đã trình bày chi tiết về cách “Lầu Năm Góc nói với các nhà làm phim về những gì nên nói – và cả những gì không nên nói, trong nhiều thập kỷ”. Thậm chí, rất nhiều bộ phim chiến tranh, được cho là mô tả đúng với những gì xảy ra trên chiến trường, thông qua trải nghiệm của những người lính thì lại không bao giờ nhận được cái gật đầu của Bộ quốc phòng Mỹ. Những nguyên tắc tưởng chừng đơn giản như là không làm ảnh hưởng xấu tới ngành quân đội, đã khiến nhiều bộ phim khó mà nhận được sự ủng hộ. Đối với cả Lầu Năm Góc và các nhà sản xuất phim, sự hợp tác này mang lại cho họ nhiều lợi hơn là hại. Tuy nhiên, đối với công chúng thì một phần của sự thật, như tội phạm chiến tranh, tội phạm tình dục, các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần, tham nhũng trong quân đội… sẽ không bao giờ được phép xuất hiện trong các bộ phim mà Bộ quốc phòng Mỹ hỗ trợ.

Bộ quốc phòng không tham gia vào các bộ phim như Iron Man, Xman, Transformer hay Jurassic Park III chỉ để cho vui. Quân đội Mỹ chịu đầu tư vì đó là một hiệu quả âm thầm, gieo vào nhận thức của công chúng Mỹ. Đặc biệt là những người trẻ tuổi sự hâm mộ, sự tôn thờ đối với quân đội và cổ vũ cho chủ nghĩa quân phiệt, một số bộ phim như “The Longest Day” –1962, thậm chí còn bị nghi ngờ là sản xuất ra, chỉ để cổ vũ tính chính đáng cho cuộc phiêu lưu quân sự ra bên ngoài của người Mỹ và mang tới công chúng trong nước, hình ảnh quốc gia của họ là những người anh hùng. Tinh thần chủ nghĩa quân phiệt nằm trong những bộ phim bom tấn của Hollywood, cũng dẫn tới việc người Mỹ cố ý vin vào đó để ủng hộ cuộc tấn công Iraq năm 2003. Lý do cho cuộc tấn công Iraq được Mỹ xây dựng dựa trên những bộ phim thành công như “Saving Private Ryan” – 1998 của đạo diễn Steven SpielBerg và “Black Hawk Down” -2001 do Jerry Bruckheimer sản xuất – không chỉ thành công lớn về doanh thu, lẫn giá trị nghệ thuật mà các tác phẩm này còn ủng hộ không nhỏ cho sự bành trướng quân sự của Mỹ trong thời đại mới.

Nếu ai đã từng xem phim “Black Hawk Down” – 2001, sẽ thấy hình ảnh một Somalia tàn khốc với hàng loạt những băng đảng và tôn giáo đánh chiếm nhau; lính Mỹ tuy thất bại nhưng là một thất bại ngẩng cao đầu. Điều này đã xây dựng lên hình ảnh những người lính Mỹ kiên cường, bất khuất và là những người anh hùng trong mắt công chúng của họ. Từ đó, cổ vũ cho việc Hoa Kỳ đổ quân ra nước ngoài đem lại “hòa bình” cho quốc tế. Đó là chưa kể Hollywood cũng là công cụ tuyệt vời để dìm hàng đối thủ của mình. Nếu các bạn để ý, sẽ thấy, hầu hết các nhân vật phản diện trong các bộ phim của họ đều mang những nét rất Nga và rất là Trung Đông, đặc biệt là với Nga. Chắc là chúng ta đều biết từ series phim “Nhiệm vụ bất khả thi” – Chiến dịch bóng ma do ngôi sao Tom Cruise đóng vai nhân vật chính, hình ảnh nước Nga được khắc họa với đủ nét ghê gớm nhất từ tội phạm, cho tới xả súng, khủng bố… còn với Trung Đông thì là khỏi nói. Các bộ phim như “America Sniper” hay “Green Zone” gần như khẳng định tới việc Iraq sở hữu vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có thật; hay Afghanistan thì bị Taliban xâm lược. Kịch bản phim “13 Hours” – lính ngầm Benghazi, xây dựng hình ảnh những người lính Mỹ là những anh hùng, được người dân Libya ngưỡng mộ, bảo vệ, bao bọc khỏi các tổ chức được cho là khủng bố. Còn ở ngoài đời thì ai đã không kích Libya? Mọi người đều rõ.

Trong khi thực tế, chúng ta đều thấy rằng những kẻ đao phủ tước đi sinh mạng của 1,3 triệu người Iraq và 170.000 người Afghanistan, thì lại được mô tả như những anh hùng bảo vệ người dân khỏi những kẻ mà họ coi là khủng bố, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm của Hollywood. Hình ảnh tổng thống Mỹ, đặc biệt là quân đội Mỹ, được nâng cao hơn bao giờ hết. Sự ngưỡng mộ của giới trẻ Hoa Kỳ dành cho quân đội của họ, đã dần được phục hồi và thành sùng bái. Các bạn còn nhớ tỷ lệ ủng hộ quân đội Mỹ xuống thấp kỷ lục là dưới 50% sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam, tới nay, đã lên tới 85% – Đúng là Hollywood gánh còng cả lưng.

Giới phân tích đặt câu hỏi; nếu Mỹ là quốc gia dân chủ nhất thế giới, thì tại sao quân đội của họ lại cố định làm sai lệch đi suy nghĩ của công chúng trong nước. Câu trả lời rất hiển nhiên, là bởi vì để thuyết phục người Mỹ rằng đất nước của họ là quốc gia dân chủ nhất thế giới, Lầu Năm Góc đã phải biết lập lờ, tranh tối tranh sáng, và chống lại nghệ thuật chân chính.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới