Máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc chỉ bằng một quả tên lửa khi nó bay qua vùng biển ngoài khơi Nam Carolina hôm 4/2.
Tổng thống Joe Biden cho biết: “Chúng ta đã bắn thành công khinh khí cầu và tôi muốn khen ngợi các phi công đã thực hiện điều đó”.
Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu hôm 1/2, nhưng Lầu Năm Góc khuyến nghị nên đợi cho đến khi có thể thực hiện việc này ở một vùng nước rộng lớn để bảo vệ dân thường khỏi các mảnh vỡ rơi xuống từ độ cao hàng nghìn mét.
Nhiều máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu đã tham gia vào nhiệm vụ, nhưng chỉ có máy bay chiến đấu F-22 từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia – thực hiện việc bắn hạ khinh khí cầu vào lúc 14h39 ngày 4/2 (1939 GMT), sử dụng một tên lửa không đối không siêu thanh AIM-9X duy nhất, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết.
Các quan chức cho biết khinh khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông, để có thể thu hồi các bộ phận chính của thiết bị giám sát Trung Quốc trong số các mảnh vỡ.
Vụ bắn hạ khinh khí cầu được thực hiện ngay sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh dừng các chuyến bay đến và đi từ 3 sân bay ở Nam Carolina, gồm Wilmington, Myrtle Beach và Charleston do các vấn đề “an ninh quốc gia”. Các chuyến bay đã được nối lại vào chiều 4/2.
Khinh khí cầu của Trung Quốc lần đầu tiên đi vào không phận Mỹ hôm 28/1 trước khi di chuyển vào không phận Canada hôm 30/1. Sau đó, nó trở lại không phận Mỹ vào ngày 31/1. Sau khi bay qua đất liền Mỹ, khinh khí cầu này không quay trở lại vùng biển rộng, khiến việc bắn hạ trở nên khó khăn.
Phải đến ngày 2/2, các quan chức Mỹ mới tiết lộ công khai sự xuất hiện của khinh khí cầu cầu này.
“Đánh giá của chúng tôi là nó không có khả năng cung cấp thêm nhiều giá trị đáng kể so với khả năng khác của trí tuệ nhân tạo (Trung Quốc), chẳng hạn như vệ tinh trong quỹ đạo thấp của Trái Đất”, quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói, đồng thời cho biết Washington sẽ tìm hiểu thêm về khả năng của khinh khí cầu sau khi thu được các mảnh vỡ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng khinh khí cầu được Trung Quốc sử dụng “trong nỗ lực giám sát các địa điểm chiến lược ở đại lục Mỹ”.
Một phóng viên ảnh của Reuters chứng kiến vụ bắn hạ khinh khí cầu cho biết một luồng hơi phát ra từ máy bay phản lực của Mỹ và va vào khinh khí cầu, nhưng không có vụ nổ nào. Sau đó, khinh khí cầu bắt đầu rơi xuống.
Quân đội Mỹ chưa thực hiện ngay việc thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành lệnh hạn chế bay tạm thời để dọn sạch không phận xung quanh bờ biển Nam Carolina. Thông báo chặn các chuyến bay trong khu vực 260km2, chủ yếu là qua Đại Tây Dương. FAA cũng cảnh báo quân đội có thể sử dụng vũ lực nếu máy bay vi phạm lệnh hạn chế và không tuân thủ yêu cầu rời đi.
Phóng viên ảnh của Reuters ở khu vực Myrtle Beach có thể nhìn thấy khinh khí cầu bị tình nghi là do thám trên trời, với 2 máy bay quân sự của Mỹ bay áp sát.
Theo một quan chức quân sự cấp cao, nhiều tàu Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ đang bảo vệ khu vực nơi chiếc khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn rơi.
Quan chức này nói với CNN rằng Hải quân đã lường trước việc phải thu hồi các mảnh vỡ ở vùng nước sâu hơn, nhưng nó đã rơi xuống độ sâu khoảng 14,3 m, khiến “việc thu gom dễ dàng hơn”.
Quan chức này cho biết “các thợ lặn có năng lực của Hải quân” sẽ xuống nước khi cần thiết để hỗ trợ hoạt động.
Ngoài ra còn có “các tàu không người lái có thể trục vớt (khinh khí cầu) lên tàu”, quan chức này nói thêm.
Song ông không rõ các phi hành đoàn sẽ mất bao lâu để khôi phục bất kỳ thiết bị nào tìm thấy từ chiếc khinh khí cầu bị bắn rơi, nhưng lưu ý rằng việc khôi phục có thể mất “một thời gian tương đối ngắn”.
Chính quyền địa phương khuyến cái người dân không nên thu nhặt mảnh vỡ của khinh khí cầu vừa bị bắn hạ để làm đồ lưu niệm.
“Không nên chạm, di chuyển hay loại bỏ các mảnh vỡ. Các mảnh vỡ là một phần của cuộc điều tra liên bang và người dân thu nhặt chúng có thể ảnh hưởng đến thiệp vào cuộc điều tra đó”, một bài đăng trên Facebook từ chính quyền Hạt Horry, bang Nam Carolina cho biết.
Trung Quốc bày tỏ lấy làm tiếc về việc một khính khí cầu sử dụng cho mục đích khí tượng dân sự và các mục đích khoa học khác đã đi lạc vào không phận Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/2 cho biết chuyến bay của “khí cầu” qua Mỹ là một tai nạn bất khả kháng, đồng thời cáo buộc các chính trị gia và phương tiện truyền thông Washington lợi dụng tình hình để làm mất uy tín của Bắc Kinh.
Tuy nhiên Lầu Năm Góc đánh giá rằng khinh khí cầu này chỉ là hoạt động mới nhất trong chuỗi hoạt động khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trải dài trên toàn cầu. Hôm 3/2, Lầu Năm Góc cho biết một khinh khí cầu khác của Trung Quốc đang bay qua khu vực Mỹ Latin.
Theo quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, “Trong vài năm qua, khinh khí cầu Trung Quốc đã được phát hiện ở các quốc gia trên khắp 5 châu lục, bao gồm Đông Á, Nam Á và Châu Âu”.
Vụ khinh khí cầu đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Trung Quốc ban đầu dự kiến vào 3/2.
T.P