Sunday, December 22, 2024

Xảo ngôn?

Trung Quốc và Mỹ đã và đang trải qua những căng thẳng dữ dội. Ngoài vấn đề Đài Loan, Biển Đông, còn là cuộc chiến thương mại và công nghệ. Gần đây, lại thêm những bất đồng quan điểm về cuộc chiến Ukraine.

Khí cầu Trung Quốc bay trên bầu trời thành phố Columbia, bang Montana, Mỹ, hôm 3/2.

Trong bối cảnh đó, dư luận đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ.

Công việc chuẩn bị cho chuyến thăm gần như đã hoàn tất. Chuyến công du dự kiến diễn ra ngày 5 và 6/2. Ý nghĩa của nó chắc chắn là quá quan trọng, như khẳng định từ đầu năm của ngoại trưởng Mỹ – ông Antony Blinken: nhằm “xây dựng hàng rào bảo vệ” ngăn căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung leo thang thành xung đột toàn diện”.

Bắc Kinh hẳn hể hả lắm khi bắt được thông điệp nêu trên của ông Blinken. Tân Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Tần Cương, người từng là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, hẳn phải lấy làm mát lòng khi đọc trong câu nói của người đồng cấp Mỹ về sự “biết sợ”. Là bởi, lâu nay, bình về căng thẳng Mỹ – Trung, thiên hạ thường mặc định Mỹ luôn trong thế “nước trên”. Nay thì thấy đấy, kiêu căng, ngạo mạn nhất thế giới, nhưng những nếm trải vừa qua đã “mở mắt” để Mỹ thấy rằng: nếu để “cái nảy xảy cái ung”, Trung Quốc gánh hậu quả nghiêm trọng, thì hậu quả dành cho Mỹ cũng không hề nhẹ nhõm.

Trung Nam Hải hẳn đã chuẩn bị những nghi lễ trọng thị dành cho quan chức cấp cao của Nhà trắng. Tuy nhiên, đùng cái, ông Blinken, ngày 3/2, thông báo hoãn chuyến thăm khi nhận được thông báo từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ phát hiện khí cầu do thám thứ hai của Trung Quốc bay qua khu vực Mỹ Latinh.

Đang hóng hớt, thông báo đường đột của ông Blinken quả có làm dư luận chưng hửng. Nhưng ngay sau đó, phần lớn đều hiểu và chia sẻ với hành động quyết đoán của Nhà trắng.

Cho dù khí cầu bay này rất cao, cách xa khu vực diễn ra hoạt động hàng không và không gây nguy hiểm cho quân đội hoặc người dân Mỹ dưới mặt đất, nhưng điều quan ngại là nó bay qua một số địa điểm nhạy cảm. Bình thường đã cần cảnh giác. Sau vụ khủng bố 11/9 làm sập tòa tháp đôi cùng cả nghìn người tử vong, nước Mỹ càng cần phải cảnh giác gấp bội. Thậm chí, Lầu Năm Góc đã điều tiêm kích F-22 đến khu vực để bắn hạ khí cầu này, nhưng do lo ngại mảnh vỡ rơi xuống đất gây hậu quả nên phút cuối, Lầu Năm Góc đã không khai hỏa.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã lên tiếng chính thức rằng, họ “lấy làm tiếc vì khí cầu đi lạc vào Mỹ do sự cố bất khả kháng”. Cũng Bắc Kinh thanh minh thêm: “đây là khí cầu dân sự phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác; khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với Mỹ để xử lý thỏa đáng sự cố…”.

Đến lượt Mỹ ghi nhận sự cầu thị của Trung Quốc. Tuy nhiên, những chuyên gia lọc lọc, hiểu Trung Quốc như trong lòng bàn tay, thì đâu có “Trung Quốc nói gì nghe nấy”. Họ lôi ngay vụ “đá Ba Đầu” để dư luận thấy có nên tin vào giải thích của Bắc Kinh hay không? Đó là chuyện tháng 3 năm 2021, Trung Quốc cho hàng trăm tàu cá (thực chất là tàu dân quân biển trá hình) neo đậu tại Đá Ba Đầu (rạn san hô có hình chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Philippines đang kiểm soát. Khi bị chất vấn, yêu cầu rút đi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trí trá rằng: “Đây là tàu cá và đang trú ẩn do “điều kiện thời tiết xấu” trên biển” (!).

Xảo ngôn của Bắc Kinh đận đó khiến ông Lorenzana – Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nổi nóng mà rằng: “Tôi đâu có ngu! (I am no fool). Thời tiết tại đó đến nay vẫn tốt, do đó họ không có lý do nào khác để ở lại. Các tàu này nên rời đi. Hãy rời khỏi nơi đó ngay bây giờ!”.

Liên quan thông báo hoãn chuyến công du, ông Blinken còn dằn giọng: “Sự hiện diện của khí cầu do thám này trong không phận Mỹ rõ ràng vi phạm chủ quyền của chúng tôi và luật pháp quốc tế, cũng là hành vi vô trách nhiệm”.

Cho dù thông báo “hoãn” chứ không phải “hủy bỏ”. Tuy nhiên, động thái đó cho thấy, Washington thời ông Biden không hẳn đã “xuống thang” với Bắc Kinh như có người nghĩ. Nói cách khác, Nhà trắng không hề thể tất, vẫn sẵn sàng “chơi nước thượng” một khi Bắc Kinh có những hành động Mỹ cho là ngang ngược.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới